Bóng cười được giới trẻ sử dụng - Ảnh: TTO
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn - người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân ở Tây Hồ, Hà Nội - cho biết sau khi cho bệnh nhân làm các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm đa dây thần kinh mạn tính trên nền tiền sử sử dụng bóng cười tần suất cao. Cụ thể bệnh nhân đã dùng bóng cười liên tục khoảng 10 quả/tuần trong 1 năm gần đây.
Theo bác sĩ Tuấn, khí N2O có trong bóng cười được gọi là "khí cười" vì sau khi hít, khí này gây ảo giác, kích thích, gây hưng phấn khiến người dùng cười nhiều. Hiện nay các quán cà phê, quán bar, thậm chí quán vỉa hè cũng cung cấp bóng cười, thu hút nhiều thanh thiếu niên. Giới trẻ coi bóng cười như một thú vui an toàn và đang lạm dụng.
Bác sĩ Tuấn cũng cho biết trước đây N2O được sử dụng trong y tế do tác dụng giảm lo âu, tuy nhiên khi sử dụng quá liều sẽ gây tác hại đến hệ thần kinh và tim mạch, gây tổn thương thần kinh ngoại biên và làm ảnh hưởng quá trình chuyến hóa vitamin B12.
Lạm dụng N2O còn dẫn tới rối loạn thần kinh như co giật, mất kiểm soát, trầm cảm, tổn thương thần kinh trung ương, ngay cả khi sử dụng nồng độ thấp thì người dùng sẽ bị giảm nhận thức, tầm nhìn và thính giác. Người bị bệnh tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan đường hô hấp nếu sử dụng khí N2O có thể bị nguy hiểm tính mạng. N2O cũng gây ảo giác, có dấu hiệu như ma túy tổng hợp.
Gần đây Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, thông báo đề xuất cấm sử dụng "bóng cười" có chứa khí N2O cho mục đích giải trí ở Hà Nội cũng như toàn quốc. Tuy nhiên Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế khác vẫn thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh liên quan đến bóng cười và yếu 2 chân, tê bì chân tay... là các dấu hiệu thường gặp.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo giới trẻ không nên sử dụng bóng cười vì các tác hại rất rõ ràng, đồng thời nên có lối sống lành mạnh để tránh những tác động từ các sản phẩm như bóng cười.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận