25/01/2014 08:43 GMT+7

Thành hoàng của làng

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Viện Nghiên cứu lịch sử Đảng)
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Viện Nghiên cứu lịch sử Đảng)

TT - Cách đây hơn 80 năm, hai làng Thúy Bông và An Lạc thuộc xã Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình sống khổ cực vì đất chật, người đông lại hay bị thiên tai, bão lũ. Đời sống cơ hàn, khốn khó như không có lối ra. Cho đến một ngày kia, một ngày vào khoảng đầu những năm 1930.

Kỳ 1: Cuộc vượt ngục lừng danh

7cEiBHX0.jpgPhóng to
Dân làng chuẩn bị rước thành hoàng Nguyễn Tạo về thờ tại đình làng - Ảnh tư liệu

Tìm đất lập làng

Sau cuộc vượt ngục một thời gian ngắn, ông Nguyễn Tạo về vùng này hoạt động cách mạng. Theo lời kể của dân làng cao niên, thấy dân tình điêu đứng, chàng trai Hà Tĩnh mới ngoài 20 tuổi noi gương người đồng hương ngày xưa là doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tìm cách khai khẩn đất mới lập làng. Ông vận động dân hai làng Thúy Bông và An Lạc tiến ra cửa biển Thái Bình khai hoang lập ấp để thay đổi cuộc đời, mới mong có đủ cơm ăn áo mặc.

Nhưng để người dân rời quê cha đất tổ, bỏ mảnh đất hương hỏa gắn bó bao đời để khai phá một miền đất mới đầy gian nan, thử thách không phải là chuyện giản đơn. Nhưng ông Nguyễn Tạo bằng uy tín của mình đã vận động thành công nhiều gia đình quyết định ly hương xa nơi chôn nhau cắt rốn. Nói thì dễ nhưng quãng đường ngày xưa từ huyện Hưng Hà về cửa biển Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình dài gần tám 80 cây số cũng là một sự gian nan.

Theo ông Tạo đi tiên phong mở đất có hai lý trưởng của hai làng là Trần Tiến Địch và Trần Nguyên Tín cùng ba dân làng là Trần Xuân Sinh,Trần Bá Thọ và Phạm Thế Ri. Họ đã đến vùng đất gần cửa biển hoang sơ tìm chốn sinh cơ lập nghiệp. Ông Nguyễn Tạo đã chọn một nơi đất cao bổ nhát cuốc khai khẩn đất hoang đánh dấu sự mở đầu ở đoạn cuối sông Hồng trước khi chảy ra biển cả. Rồi ông chọn gò đất cao nhất để người dân về sau dựng đình làng.Không những thế ông còn cắm vè để quy hoạch đường đi ngang dọc thẳng tắp trong thôn xóm. Chính ông đã thuyết phục quan lại địa phương vùng này hỗ trợ một con trâu và một ít dụng cụ nông nghiệp để giúp người dân bớt phần gian lao khi cải tạo vùng quê mới. Xong việc giúp dân khởi nghiệp, ông lại lên đường tiếp tục hoạt động cách mạng.

Làng mới được đặt tên là Thúy Lạc, ghép của hai cái tên Thúy Bông và An Lạc. Người dân lạ nước lạ cái khi mọi việc vạn sự khởi đầu nan. Lúc ấy, theo lời ông Nguyễn Văn Kỉnh, trưởng ban khánh tiết của làng, thì bà con chỉ trồng lúa được một mùa, còn mùa kia nước đồng ngập mặn chỉ kiếm thêm con tôm con cá. Công cuộc lấn biển ngăn mặn phải kéo dài suốt mấy mươi năm. Tinh thần kiên cường, chịu khó của người dân thật vô bờ bến. Ông Trần Tiến Cảnh, trưởng thôn, kể với chúng tôi năm 1939 dân làng xây đình bằng những viên gạch được nung liên tục suốt bảy ngày bảy đêm chỉ bằng... lửa rơm. Đình cũ đã không còn dấu vết nhưng hiện tại làng vẫn còn có ngôi nhà xây bằng cách nung gạch như vậy được làm cách đây đúng 40 năm.

Thật là một kỳ công về tinh thần chịu khó của những người đi mở đất. Từ mươi hộ ban đầu về sau làng cứ đông dần đúng như người xưa vẫn nói: đất lành chim đậu. Khi cuộc sống tạm ổn, bà con thờ một thân vương họ Trần có công đánh giặc là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Nhưng dân làng vẫn nhớ đến người có công tìm đất lập làng. Người ấy biệt vô âm tín. Không ai hay rằng ông Nguyễn Tạo bị Pháp bắt lại đày đi nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) rồi sau đó đưa tiếp vào giam ở nhà tù Đắk Mil thuộc tỉnh Đắk Nông ngày nay.

yNjb9WIw.jpgPhóng to
Bàn thờ đức thành hoàng Nguyễn Tạo ở đình làng Thúy Lạc - Ảnh: Xuân Dũng

Người trong cõi nhớ

Người dân làng Thúy Lạc, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình không hề quên công ơn người giúp bà con khai khẩn mảnh đất nằm trước cửa biển Đông. Dù làm lụng vất vả quanh năm, dù chiến tranh giặc giã thì trong tâm thức họ vẫn không nguôi nhớ đến người có đại công đại đức với dân làng. Đạo lý ấy được đời cha gửi gắm lại cho đời con, đời con để lại cho đời cháu và cứ lưu truyền. Năm 2010 đình làng được xây dựng lại khang trang, người dân lại càng nhớ đến vị ân nhân khai lập vùng quê Thúy Lạc ở cửa sông Ba Lạt năm xưa. Họ cho rằng người đó nếu sống là hiền nhân, nếu chết là phúc thần và cất công đi tìm tung tích ngài.

Cho đến một hôm, ông Cao Vĩnh Hải, một chuyên gia tài nguyên môi trường, về công tác vùng này. Khi biết được nguyện vọng tha thiết của dân làng, ông Hải liền cung cấp thông tin về ông Nguyễn Tạo hiện đang an nghỉ tại nghĩa trang Mai Dịch ở Hà Nội. Bà con Thúy Lạc mừng khấp khởi liền cử ngay người lên thủ đô tìm hiểu. Khi biết đích xác người có công lớn tìm đất lập làng, người dân Thúy Lạc mới tìm đến nhà riêng ông Nguyễn Tạo ở 125 Lò Đúc, Hà Nội. Trước tâm nguyện chính đáng của bà con Thúy Lạc mong muốn thỉnh chân nhang trên bàn thờ ông Nguyễn Tạo và lập bài vị rước về làng tôn làm thành hoàng, gia đình bất ngờ nhưng cảm kích đồng tình. Kể lại chuyện này, cả đại tá Nguyễn Thanh Sơn, con trưởng ông Nguyễn Tạo, nói: ”Gia đình chúng tôi thật bất ngờ. Không ai biết chuyện ngày xưa bố mình lại về tận Thái Bình mở đất lập làng ở vùng quê giáp biển”.

Ngày 11-8-2011, dân làng Thúy Lạc vui như tết. Họ tổ chức lễ rước bài vị và chân nhang từ bàn thờ ông Nguyễn Tạo ở Hà Nội về Thái Bình, đưa vào chánh điện của đình làng, tôn vinh là Đức bản cảnh thành hoàng làng. Ngày đại hỉ có sự đoàn tụ của họ hàng ông Nguyễn Tạo từ quê hương Hà Tĩnh cùng ra chung vui. Gia đình ông cũng từ Hà Nội về đây đông đủ. Ông Trần Tiến Đạc, cán bộ Đảng ủy xã Nam Phú, cho chúng tôi biết thêm hôm ấy đội kèn xứ đạo cũng hào hứng tham gia. “Họ hòa tấu bài gì anh biết không, bài Vì nhân dân quên mình đấy”, ông Đạc nói.

Ngày cuối năm 2013, chúng tôi về thăm Thúy Lạc. Trong đình làng, ngoài tấm ảnh nhà cách mạng mới được suy tôn, bà con còn đúc một tượng bằng đồng khắc họa chân dung ông Nguyễn Tạo. Một tấm bia ghi: “Bia thờ Đức Thánh Trần ngài Trần Khánh Dư, làng suy tôn cố bộ trưởng Nguyễn Tạo, bản cảnh thành hoàng, các cụ tiên công Trần Tiến Địch, Trần Xuân Sinh, Trần Nguyên Tín, Trần Bá Thọ, Phạm Thế Ri cùng nhân dân làng Thúy Lạc”. Cổng vào đình làng hai bên khắc câu đối chân tình, mộc mạc: “Thánh thần ban phúc muôn đời thịnh. Dân làng hưởng lộc vạn tuế xuân”.

Ông Nguyễn Văn Kỉnh, một người cao tuổi, tâm sự rằng dân làng còn đang mong mỏi các ngành chức năng trung ương và lãnh đạo các cấp tỉnh Thái Bình xem xét, sớm công nhận đình làng Thúy Lạc là di tích lịch sử văn hóa, địa chỉ gắn liền với tên tuổi nhà cách mạng Nguyễn Tạo, một người tận hiến đời mình hộ quốc an dân.

Tại buổi lễ chia tay với cán bộ, công nhân viên ngành lâm nghiệp vào năm 1971 của ông Nguyễn Tạo, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu: ”Ở đây các đồng chí chắc chắn phần lớn là đảng viên. Tôi không biết rõ tất cả các đồng chí, nhưng có một người tôi biết rất rõ, người đó đã suốt đời hi sinh, phấn đấu tận tụy đến cùng cho sự nghiệp cách mạng hơn 40 năm nay. Người đó là đồng chí Nguyễn Tạo thân yêu của chúng ta”.

________________

Kỳ tới:Giữ lấy rừng vàng

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Viện Nghiên cứu lịch sử Đảng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên