28/01/2019 12:57 GMT+7

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 4: Tình yêu màu tím

THÀNH NHƠN - MẬU TRƯỜNG
THÀNH NHƠN - MẬU TRƯỜNG

TTO - Tại làng hoa Sa Đéc có một người đàn ông yêu màu tím kỳ lạ. Tất cả vật dụng trong gia đình ông đều có màu tím từ nhà cửa, quần áo, điện thoại, phích nước, đồng hồ, mắt kiếng...

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 4: Tình yêu màu tím - Ảnh 1.

Người tím và hoa cũng tím

Thị trường hoa tết ngày càng khó tính, khách ngày nay quan trọng hoa phải đẹp, lạ, do đó người trồng hoa cũng phải thay đổi để phục vụ thị hiếu của người chơi hoa.

Ông TRẦN VĂN TIẾP

Ông là Trần Văn Tiếp (68 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc), hay còn được gọi với cái tên thân thuộc là "Giáo Tiếp". Người ta ví ông như người tình của hoa bởi tình yêu của ông dành cho hoa.

Cái gì cũng tím

Đi dọc tuyến tỉnh lộ 848 từ Khu công nghiệp HIDICO về hướng cổng chào TP Sa Đéc, ít ai có thể rời tầm mắt khỏi căn nhà màu tím độc nhất trên đường đi. Không phải chỉ bởi màu sắc của căn nhà mà còn bởi cách bố trí hoa, dây leo, bàn ghế đẹp mắt và khoa học.

Những cây hoa mua tím rộ bông khoe sắc cả một góc vườn, những chậu tuyết sơn phi hồ cũng tím rịm treo trên giàn. Bên cạnh nhà là hàng trăm chậu lúa tím, dưa Pepino tím trĩu quả đang chờ khách hàng đến "đón" vào những ngày tết.

Sau vườn là vô vàn chậu ổi, sả, lan, chuối và dĩ nhiên tất cả đều có... màu tím!

"Tôi yêu màu tím vô cùng, đến nỗi mọi người cứ kêu tui hâm, khùng. Hồi mới sơn cái nhà màu tím, ai cũng dừng lại xem rồi cười lớn. Thậm chí tấm bảng lớn màu tím với dòng chữ Giáo Tiếp cũng khiến mọi người thắc mắc về chủ nhân của khu vườn.

Có lẽ cũng chính vì sự độc lạ nên mỗi dịp tết, khách thập phương ghé nhà tui nườm nượp tiếp không xuể" - ông Tiếp vui vẻ cho biết.

Ông Tiếp từng là giáo viên dạy văn cấp 2, tuy nhiên chính tình yêu to lớn với hoa khiến ông gác lại công việc để đi theo nghề "làm đẹp cho đời". Nói về cơ duyên với màu tím, ông bảo người tác động nhiều nhất đến việc chọn màu tím là vợ ông.

"Từ trước đến giờ bả yêu màu tím lắm. Đến khi tôi quyết định chọn hướng đi riêng trong làng hoa thì mới tự vấn mình: Tại sao mình không chọn màu tím? Thế rồi tôi tự đặt ra câu hỏi nhưng cũng đã có sẵn câu trả lời.

Hơn nữa, mấy chục năm trồng hoa, lăn lộn nếm trải đủ ngọt đắng với nghề, tôi mới nghiệm ra một chân lý là người trồng hoa cần phải có hướng đi riêng, cần có cái độc quyền mà khi nhắc đến nó người ta nghĩ ngay đến mình.

Sẵn có tình yêu với màu tím, tôi nghĩ sao ta không kinh doanh, trồng trọt những loại hoa, cây có màu tím".

Ấy vậy, lần lượt những cây tuyết sơn phi hồ, cúc Zinnia, hoa mua, lan, hoa sao nhái lần lượt được ông chọn trồng và tất cả đều mang màu tím, nhằm khẳng định thương hiệu của ông với người yêu hoa.

Năm nay, dù đã gần bước sang tuổi thất thập nhưng ông vẫn kịp sưu tầm thêm giống lúa tím, ổi tím, sả tím, dưa Pepino vào gia tài vốn đã ngót nghét vài chục giống hoa màu tím của mình.

"Tình yêu đối với màu tím chỉ kết thúc khi tui nhắm mắt xuôi tay, chứ còn sống là tui nhất quyết sẽ sưu tầm thật nhiều giống hoa màu tím cho khu vườn của mình" - ông Tiếp chia sẻ.

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 4: Tình yêu màu tím - Ảnh 3.

Căn nhà màu tím của ông Tiếp

Chinh phục hoa độc, lạ

Giống hoa ôn đới đầu tiên được ông Tiếp chọn trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới là cát tường. Sau nhiều lần trầy trật thất bại, ông cũng ép thành công giống hoa này tỏa hương nơi miền đất nóng Sa Đéc.

Tiếp đến là các giống hoa như cúc Zinnia, lily trồng chậu, trúc mai... lần lượt được ông thuần hóa thành công. Có giống ông phải nhập hạt tận Nam Mỹ, Hà Lan, sau đó tự mày mò nghiên cứu và không ít lần thất bại cay đắng, tiêu tốn cả chục triệu đồng.

"Thị trường hoa tết ngày càng khó tính, khách ngày nay quan trọng hoa phải đẹp, lạ, do đó người trồng hoa cũng phải thay đổi để phục vụ thị hiếu của người chơi hoa. Mình cứ giậm chân tại chỗ với các giống hoa cũ kỹ thì thất bại sớm muộn cũng sẽ tìm đến" - ông Tiếp chia sẻ.

Hiện nhiều giống hoa như cát tường, lily trồng chậu đã trở nên phổ biến và được nhiều nông dân làng hoa Sa Đéc chọn trồng. Ông không bao giờ giấu nghề, có giống nào mới là ông đi chia sẻ với mọi người.

"Mục đích tui chia sẻ là vì tình yêu quê hương, để làng hoa Sa Đéc thêm phong phú" - ông Tiếp giãi bày.

Theo ông Tiếp, điều mà ông tâm đắc nhất chính là ý chí của người trồng hoa tại quê hương mình. Dù trải qua nhiều mùa hoa tết đầy nước mắt, thậm chí có người lỗ hơn trăm triệu đồng, nhưng nông dân vẫn gắn bó với hoa tết năm này qua năm khác.

Tết năm trước, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã đề tặng ông dòng chữ: "Người của hoa, của đam mê khát vọng / Đất người tình thêm nữa một bài ca". Ông trân trọng, gìn giữ nó như tài sản lớn nhất trong nhà mình.

Hội quán màu tím

Được sự khơi gợi của bí thư tỉnh ủy cùng với cái tâm muốn người trồng hoa có một nơi để giao lưu học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm nghề cũng như tìm nguồn cung kết nối với doanh nghiệp lớn, hội quán "Tôi yêu màu tím" ra đời vào những ngày đầu năm 2018.

Hội quán tập hợp hơn 20 nông dân có tình yêu với hoa kiểng, đặc biệt là những giống hoa độc lạ, với tâm huyết xây dựng Sa Đéc thành điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương, trở thành TP hoa miền đồng bằng trong tương lai gần.

Hiện hội quán sinh hoạt hằng tháng, nông dân trong hội sẽ cùng bàn bạc thị hiếu khách hàng cũng như chia sẻ các giống hoa cho nhau để cùng phát triển kinh tế. Thời gian gần đây, các hội viên đã chủ động tìm bạn hàng cung ứng hoa tết, thay vì ngồi chờ khách hàng tìm tới.

Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, ông Tiếp và các hội viên đã nhận được nhiều đơn hàng cung ứng hoa tết cho Kiên Giang, TP.HCM, Đồng Nai... với số lượng vài trăm ngàn cây.

"Trồng hoa truyền thống rất bấp bênh, lái không mua thì phải đem ra chợ bán lẻ. Khách hàng mua lẻ chê nữa thì nông dân chỉ có nước đổ bỏ, khóc ròng. Giờ mình trồng hoa theo đơn đặt hàng có đầu ra, được ứng một phần chi phí sản xuất thì quá thuận lợi.

Làm ăn theo hướng này, nông dân sẽ bớt cảnh được mùa thất giá" - ông Tiếp nhận định.

Lúa tím và dưa Pepino Tết Kỷ Hợi 2019

tim2

Áo, đồng hồ, mắt kính, điện thoại đều màu tím

Tết này, ông Tiếp đưa ra thị trường khoảng 600 chậu lúa tím và 500 chậu dưa Pepino tím, là các dòng cây được ông sưu tầm từ khắp nơi.

Dưa Pepino tím có nguồn gốc Nam Mỹ, trọng lượng 200 - 250g, vị ngọt thanh, giá bán dự kiến dịp tết là 250.000 - 300.000 đồng/chậu.

Trong khi lúa tím có đặc điểm là thân tím, lá tím, bông có màu xanh và dần chuyển sang tím khi chín, giá bán dao động 100.000 - 150.000 đồng/chậu.

Kỳ tới: Đưa hoa lên giàn

THÀNH NHƠN - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên