21/12/2018 13:06 GMT+7

Thăng trầm của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis dưới thời ông Trump

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ra đi tiếp tục được nhìn nhận là điểm trừ cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Thăng trầm của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis dưới thời ông Trump - Ảnh 1.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) và Tổng thống Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Đêm 20-12 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump công bố thông tin Bộ trưởng Mattis sẽ rời khỏi cương vị vào đầu năm tới.

Trong bức thư từ chức, ông Mattis cũng không ngần ngại nói rằng quan điểm của ông và người đứng đầu Nhà Trắng có nhiều khác biệt, bao gồm cách hành xử với những đồng minh mà đơn cử là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Một đoạn trong đó viết như sau: "Quan điểm của tôi về việc đối xử với đồng minh bằng sự tôn trọng và cũng rõ ràng về những thế lực tinh vi và các đối thủ chiến lược, đều được giữ nguyên và thông báo một cách mạnh mẽ bằng bốn thập niên thấm nhuần về các vấn đề này.

Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để giành lợi thế trong trật tự thế giới vốn bồi đắp cho an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của chúng ta. Và chúng ta được củng cố các nỗ lực này bằng sự đoàn kết trong các liên minh".

Ông Mattis nhắc tới lập trường mà mình bảo vệ khi làm việc cùng các đối tác NATO, cũng như trong hướng xử lý với các đối thủ chiến lược như Nga và Trung Quốc.

Báo chí Mỹ lập tức liên hệ sự việc này với việc ông Trump bất ngờ ra quyết định rút 2.000 lính Mỹ khỏi Syria. Quyết định này nhận được sự đồng tình từ phía Nga, nơi đang ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà các phe nổi dậy do Mỹ bảo trợ đang muốn lật đổ.

Nói về ông Mattis, ông Trump ghi nhận bộ trưởng quốc phòng của mình về đóng góp trong việc "mua được các thiết bị chiến đấu mới", cũng như giúp ông buộc "các đồng minh và nhiều nước khác phải trả thêm tiền cho nhiệm vụ chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự".

Dẫu sao thì việc ông Mattis ra đi cũng sẽ đẩy chính quyền ông Trump vào tình thế hỗn loạn. Trang Vox (Mỹ) nhận xét lúc này, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ ít nhận được hỗ trợ hơn trong các đối sách cần cứng rắn với Triều Tiên, Iran và những vấn đề khác.

Trong số hàng loạt ưu tiên an ninh, ông Mattis là nhân vật có vẻ rất phù hợp để làm việc cùng ông Trump.

Theo đó, người đàn ông này thực chất đã bất đồng với ông Trump trong nhiều quyết định. Lấy ví dụ, ông phản đối việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, dời đại sứ quán Israel sang Jerusalem, việc thành lập lực lượng không gian Space Force, cũng như tiến hành "chiến tranh thương mại" với các đồng minh của Mỹ…

Bấy nhiêu khác biệt đã đẩy ông Mattis tới quyết định từ chức, bất kể ông được hiểu có mối quan hệ tốt với tổng thống.

Song đây có thể lại là điểm khiến giới quan sát cảm thấy tiếc nuối hoặc lo lắng. Cũng vì quan hệ tốt, ông Mattis đạt được một số thành công trong mắt người theo dõi tình hình Mỹ lâu nay.

Đáng chú ý nhất là việc ông Mattis được cho đã thuyết phục thành công ông Trump trong việc không ra lệnh ám sát Tổng thống Syria al-Assad. Ngoài ra, vị tướng bốn sao về hưu này còn ra sức kiềm chế, đảm bảo ông Trump giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng ngoại giao thay vì quân sự.

Trong khi ông Trump hiếm khi ngần ngại lấy tiêu chí "hòa hợp cá nhân" với mình làm ưu tiên, thì việc tìm ai đó thay thế ông Mattis lúc này có vẻ là chuyện không đơn giản.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên