04/03/2013 06:00 GMT+7

"Tháng ba biên giới": đồng tiền nặng nghĩa nặng tình

P.VŨ
P.VŨ

TT - Mấy hôm nay, Làng trẻ em SOS Bến Tre xôn xao. Các mẹ, các cô, cậu ở các nhà, khu lưu xá, văn phòng bận rộn hơn vì phải sưu tầm báo, lên mạng tìm kiếm thông tin trả lời đủ loại câu hỏi của các con.

Đứa nhỏ hỏi biên giới là gì, có nhiều bạn nhỏ không, các bạn có đi học, có nhà ở như con không? Tại sao lớp học ở đó lại không có tường, không có cửa? Đứa lớn hỏi các chiến sĩ ở biên giới hôm nay có còn phải hi sinh không, ở nơi xa ấy đang diễn ra chuyện gì, có giống chuyện tháng 2-1979 báo vừa đăng lại...

vgfLXNK0.jpgPhóng to
Những tấm thiệp của các bạn Làng trẻ em SOS Bến Tre gửi tặng các bạn, các chiến sĩ vùng biên giới - Ảnh: Thuận Thắng

Tất cả diễn ra sau khi bác Bình (Huỳnh Công Bình, giám đốc Làng trẻ em SOS Bến Tre) đọc cho các con nghe lời phát động chương trình “Tháng 3 biên giới” trên báo Tuổi Trẻ và photo các bài báo, hình ảnh liên quan đưa xuống các nhà.

Các bạn bàn nhau cách đóng góp. Ở làng SOS, mỗi bạn được phát 50.000 đồng/tháng để tiêu vặt, ngoài ra còn tự sản xuất và tiết kiệm được bằng cách trồng luống cải, giàn bí. Vậy là góp tiền lại để đóng góp gửi đến các bạn vùng biên giới. 141 bạn góp được 2.445.000 đồng, và đại gia đình cử ra mấy họa sĩ tài năng nhất để thiết kế nên hai tấm thiệp thật đẹp: “Mừng xuân nơi biên giới 2013 - Chúng tôi gửi tất cả tình cảm đến với các bạn. Các bạn mãi mãi là những người bạn tốt. Chúng tôi yêu các bạn”...

Hai tấm thiệp, khoản tiền tiết kiệm cùng rất nhiều chữ ký của các em nhỏ làng SOS Bến Tre được gửi đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ, gặp thêm ở đây những khoản đóng góp của rất nhiều bạn nhỏ khác. Là những tờ tiền lì xì tết còn mới tinh của một bạn nhỏ giấu tên học lớp 5 Trường Đặng Văn Ngữ, của bé Hải Quỳnh - lớp 3 Trường Nguyễn Thái Sơn, bé Hoàng Khôi ở Phú Nhuận, hai bạn nữ lớp 12 Trường Marie Curie... Những câu chuyện về những ngôi trường thừa nắng rát, gió lạnh mà lại thiếu bảng, thiếu phấn, thiếu bàn ghế, thiếu dụng cụ học tập, thiếu cả chỗ che mưa ở nơi biên giới đã lan đi như thế.

Hôm nay, ở phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ lại gặp lại những nhà mạnh thường quân quen thuộc. Chị Nguyễn Thị Quí với chiếc nón lá, chiếc xe đạp lủng củng bao bị ve chai đến vào cuối buổi chiều. Chị gom số tiền tiết kiệm vừa tích được trong mười mấy ngày “mua may bán đắt” sau tết với cả số tiền nhuận ảnh đầu tiên trong đời của tấm hình chị chụp ngoài đảo Trường Sa được đăng trên báo Xuân Tuổi Trẻ: “Vậy là được 1 triệu đồng. Tuần trước đọc báo đã muốn tới ngay, mà tính đi tính lại thấy mình ít tiền quá, trường xây chắc cần nhiều nên cứ lần lữa. May có thêm khoản nhuận bút...”. Nhận mấy tờ bạc của chị Quí mà những người làm chương trình chúng tôi nghe nặng trong lòng.

Ngôi trường xây lên từ những đồng tiền nặng tình nặng nghĩa như thế này ắt sẽ phải vững chân, vững mái, vững tâm, vững lòng để trang bị được hành trang tốt nhất cho những em học sinh nơi biên giới, những người đầu tiên sẽ đứng lên bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày mai.

Bán sách góp xây trường

Một cuộc điện thoại gọi đến: “Bác Dương Quang Thiện đây. Sao? Trường học ở Pò Hèn sẽ xây mấy phòng, quy mô ra sao, dự toán kinh phí có chưa? Rồi có làm thêm học bổng, trợ vốn, nhà lưu trú cho học sinh, giáo viên không? Tình hình đóng góp nhanh hay chậm?...”, hàng loạt câu hỏi khiến người tiếp nhận không kịp trả lời và cả ban tổ chức cũng đành phải hẹn sẽ thông tin sau khi đoàn khảo sát có báo cáo chi tiết. Và bác Dương Quang Thiện, người cả đời “lấy giáo dục nuôi giáo dục”, cho cái hẹn: “Tháng sau tôi thu tiền bán sách, sẽ đóng góp xây trường ở Pò Hèn 100 triệu đồng”.

Trường đại học FPT, Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, Công ty Dầu khí Việt - Nga - Nhật cũng gọi đến, cho biết chương trình quyên góp cho “Tháng 3 biên giới” đã bắt đầu khởi động.

P.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên