24/08/2020 08:11 GMT+7

Tháng 7 không phải 'tháng cô hồn', tháng 7 nuôi dưỡng hiếu đạo, khơi nguồn sẻ chia

TẤN KHÔI thực hiện
TẤN KHÔI thực hiện

TTO - Không ít người quan niệm tháng 7 âm lịch là "tháng cô hồn", gắn với những điều xui rủi, từ đó sinh ra lo lắng.

Tháng 7 không phải tháng cô hồn, tháng 7 nuôi dưỡng hiếu đạo, khơi nguồn sẻ chia - Ảnh 1.

Du khách tìm hiểu về lễ Vu lan và tục bông hồng cài áo tại chùa Xá Lợi, TP.HCM - Ảnh: TÂN PHẠM

Tuy nhiên, điều ý nghĩa của tháng 7 chính là Vu lan, mùa hiếu hạnh, là dịp nhắc nhớ mỗi người hướng về ông bà tổ tiên, suy ngẫm về hiếu đạo...

Cũng với quan niệm "tháng cô hồn", việc cúng cô hồn, đốt vàng mã cho người cõi âm trong tháng này cũng được đẩy mạnh. Nhưng thay vì đốt nhiều vàng mã, chúng ta có thể tặng quà cho người nghèo, làm những điều thiện lành mang giá trị sẻ chia thực tế hơn.

Tuổi Trẻ trò chuyện với TS DƯƠNG HOÀNG LỘC, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo - đạo đức (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM), về văn hóa của tháng 7 âm lịch...

Mua sách vở tặng học sinh nghèo thay vì đốt vàng mã

anh ts duong hoang loc 1(read-only)

TS DƯƠNG HOÀNG LỘC


* Vì sao nhiều người có quan niệm tháng 7 là "tháng cô hồn", thưa ông?

- Đây là quan niệm dân gian trước nay và có tính phổ biến. Vi Lê Minh - nhà nghiên cứu văn hóa ở Trung Quốc - cho rằng một số địa phương ở nước này còn gọi đây là "Quỷ tiết", "Thi cô", là thời điểm cầu nguyện cúng vái.

Niềm tin ấy vốn bắt nguồn từ Đạo giáo, sau đó ảnh hưởng mạnh trong dân gian Trung Quốc. Theo đó, lưu truyền quan niệm cõi âm do Địa Quan Đại Đế quản lý.

Rằm tháng 7 trùng với ngày sinh nhật của ông nên cửa địa ngục sẽ mở, các cô ma hồn quỷ sẽ từ địa ngục lên cõi trần gian.

Vào ngày này, dân gian Trung Quốc bày hương án cúng tế ma quỷ, thả đèn trôi sông nhằm chỉ lối dẫn đường cho các linh hồn ma quỷ bị chết oan từ nhiều kiếp trước bước qua cầu Nại Hà để đầu thai.

Còn ở Việt Nam, tương tự, người ta cho rằng Tết Trung nguyên tháng 7 là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian.

Vì vậy, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn. Còn ở các chùa thường thiết lập trai đàn chẩn tế để "tài pháp nhị thí" cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng, đồng thời đây là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã qua đời.

Phong tục này hướng con người mở rộng tấm lòng bi mẫn, thể hiện qua sự quan tâm, chia sẻ đối với những người kém may mắn, bất hạnh, gặp khó khăn trong cuộc sống.

* Thực tế, có nhiều người đốt kha khá vàng mã khi "cúng cô hồn" và nghĩ càng cúng nhiều càng yên tâm; ông có lời khuyên nào với suy nghĩ, cách làm này?

- Ngày nay, tục đốt vàng mã được khuyến cáo làm ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ra cháy nổ và nhất là lãng phí. Vì vậy, trong việc xây dựng xã hội văn minh, đốt vàng mã cho thấy sự bất hợp lý, cần tuyên truyền để người dân ý thức rõ điều này để giảm dần.

Gần đây, các tự viện Phật giáo, các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn tín đồ hạn chế đốt vàng mã và đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Tôi được biết, một số nơi vận động tín đồ, người dân thay vì mua vàng mã đã dùng số tiền đó mua sách vở ủng hộ học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa hoặc là đóng góp các hoạt động thiện nguyện cho cộng đồng.

Theo tôi, khi một ai đó có những việc làm đem lại niềm vui cho người khác, mang ý nghĩa thiết thực cho xã hội thì chính bản thân người đó cảm nhận được sự vui vẻ, an bình và hiểu rõ nhất giá trị của lòng nhân ái, điều lương thiện.

Báo hiếu cha mẹ, tri ân cộng đồng

* Tháng 7 còn là dịp diễn ra lễ Vu lan của Phật giáo với ý nghĩa tri ân, báo hiếu tổ tiên, ông bà cha mẹ. Theo ông, cần đưa ý niệm báo hiếu - tri ân vào đời sống con người như thế nào để nó trở thành nét đẹp trong ứng xử không chỉ riêng tháng 7?

- Lễ Vu lan ăn sâu và ảnh hưởng lớn trong văn hóa Việt Nam, giáo dục con người tinh thần hiếu đạo - một giá trị cao đẹp của văn hóa Phật giáo cũng như dân tộc ta.

Ngày nay, tháng 7 hằng năm không chỉ nhắc nhở chúng ta về đạo hiếu mà còn về lòng nhân ái. Tháng 7 còn là dịp để nhiều người tích cực làm từ thiện xã hội, lan tỏa lối sống tương thân tương ái đến cộng đồng.

Việc tôn vinh và lan tỏa tinh thần báo hiếu - tri ân đến cộng đồng là rất cần thiết. Tôi cho rằng các phương tiện thông tin cần giới thiệu những tấm gương hiếu thuận với cha mẹ như những bài học sống động, dễ lay động lòng người, từ đó khơi gợi và vun đắp lòng hiếu thuận của con cái đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ.

* Vâng, hẳn ai cũng mong muốn xã hội ngày càng có nhiều tấm gương người con hiếu thảo, nhưng theo ông, cần làm gì để làm đẹp hơn cho đời sống cá nhân cũng như đời sống văn hóa của cộng đồng?

- Tôi nghĩ, muốn cuộc sống này tốt đẹp, bình an thì trước hết mỗi người gắng làm những điều thiện, điều lành với người thân trong gia đình mình, với những người cần được giúp đỡ trong xã hội.

Trước đây, cha ông chúng ta rất quan tâm đến việc giáo dục con người, góp phần hình thành những cá nhân thấm nhuần đạo lý, nhân nghĩa và nhất là đạo hiếu để giữ gìn giềng mối gia đình lẫn xã hội ngay trong mỗi gia đình bằng nề nếp gia giáo.

Để con cái hiếu thảo với cha mẹ, theo tôi, trước tiên vẫn ở môi trường gia đình với nền tảng yêu thương và hạnh phúc, biết quan tâm lẫn nhau. Cha mẹ phải là tấm gương hiếu thuận với ông bà, biết cách dạy dỗ con cái hợp lý, tôn trọng và chia sẻ những tâm tư, gieo những tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc trong tâm trí con cái mình.

Mùa Vu lan nhớ mẹ Mùa Vu lan nhớ mẹ

TTO - Mùa Vu lan thúc giục lòng người nhớ về đấng sinh thành. Và như có hẹn trước vậy, thời gian này Tuổi Trẻ nhận được nhiều bài viết của bạn đọc trên cả nước với đong đầy nỗi nhớ về mẹ.

TẤN KHÔI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên