Việt Nam giành 3 huy chương vàng Olympic toán quốc tế
Hoàn tại vườn nhà - Ảnh: Nguyệt Cát |
Từ hôm biết Hoàn nhận giải, dân làng xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà kéo đến chơi chật kín nhà, rôm rả chuyền tay nhau chiếc huy chương “oách nhất làng” mà Hoàn mang từ tận Nam Phi về. “Tuyệt!” - ông Nguyễn Xuân Việt, (70 tuổi, làng Bỏng Thôn, xã Hòa Bình) móm mém hả hê.
Mê chữ, mê con số
Nhớ mãi lúc Hoàn lên 3 tuổi khiến cả nhà một phen giật mình thon thót. Cầm tờ báo trên tay, bà Thảnh - mẹ Hoàn -hoảng sợ, không tin vào những điều mắt thấy tai nghe khi con mình đọc chữ vanh vách mà chưa từng đi học bất cứ một trường lớp nào. Rồi nhìn lên đồng hồ, Hoàn đọc chính xác cả giây, phút, giờ…
Lớp 1, lớp 2 rồi đến lớp 9, Hoàn liên tục đứng đầu trong phong trào học tập của trường, lớp. “Lúc nào trên tay cháu cũng kè kè quyển sách cả kể khi đi chơi bi với bạn ngoài ngõ hay sang nhà ông ngoại” - bà Thảnh kể.
Mọt sách từ khi còn nhỏ xíu nhưng những con số mới là niềm đam mê bất tận của Hoàn. Say sưa đến nỗi thức trắng đêm giải toán, thậm chí trong giấc mơ dãy số vẫn lởn vởn hiện về mỗi khi gặp một bài cực kỳ khó không làm được.
11 năm liền Hoàn đạt học sinh giỏi, giải nhất tỉnh năm lớp 2, giải nhì toán cấp tỉnh lớp 9, giải nhì kỳ thi Olympic toán quốc gia năm lớp 11. Đặc biệt, Hoàn xuất sắc vượt qua 600 học sinh trở thành một trong 46 người trên thế giới đoạt HCV toán quốc tế vừa qua tại Nam Phi. Hoàn liên tục giành học bổng của trường, học bổng của các tổ chức đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Singapore…
Chia sẻ bí quyết học, Hoàn cho biết dành thời gian tự học ở nhà là chính, hầu như không đi học thêm ở bên ngoài. Ngoài kiến thức thầy cô truyền đạt, Hoàn lên mạng đọc tài liệu tham khảo trên các diễn đàn toán học thế giới như Mathlinkf.ro hay các diễn đàn trong nước: toanhoc.net, mathscope.org, tạp chí khoa học, chỗ nào không hiểu Hoàn nhờ thầy dạy toán trợ giúp.
“Mình yêu toán học, rất thần tượng giáo sư Ngô Bảo Châu. Mình thường xuyên lên mạng đọc những bài giải toán của thầy từ cách trình bày, giải thích” - Hoàn chia sẻ.
Hoàn và em trai bên bàn học - Ảnh: Nguyệt Cát |
Phụ hồ cho con ăn học
Ngày Hoàn đỗ trường chuyên cũng là ngày gia đình thêm một phen “chột dạ” khi phải quyết định với lựa chọn cho con về thành phố trọ học. Ông Hòa, ba của Hoàn, nói: “Cả nhà năm miệng ăn trông vào hai sào ruộng cấy, nuôi con học ở trường quê đã khó, lấy đâu ra tiền lên thành phố. Nhưng nó ham quá, tối nào đi ngủ cũng tỉ tê, thấy con khóc sưng mắt thương quá đồng ý luôn”.
Với số tiền vay họ hàng vài triệu đồng, năm 2012 vợ chồng ông Hòa khăn gói đùm bọc quần áo cùng con về thủ đô. Sau khi tìm được phòng trọ cho con trai ở ký túc xá Mễ Trì, ông Hòa - bà Thảnh ở lại luôn Hà Nội, đi khắp nơi xách xô vác xi, phụ hồ kiếm tiền nuôi con ăn học.
Trong túp lều dựng chênh vênh giữa công trường đầy nắng gió, vợ chồng ông Hòa ở cùng với gần chục nhân công đều là hàng xóm cùng quê Thái Bình, đùm bọc nhau sống qua ngày. Những hôm mưa gió thất nghiệp, bà Thảnh tranh thủ nhặt giấy vụn bán kiếm đồng ra đồng vào. Cuối tuần nghỉ học, Hoàn bắt xe buýt sang với bố mẹ và phụ giúp mọi người nấu cơm ăn. Bữa cơm công nhân mỗi người chỉ có 7.000 đồng một bữa cả mắm muối và thức ăn.
“Mỗi ngày công hai vợ chồng tôi làm được 250.000 đồng, trừ ngày mưa nghỉ thì một tháng cũng được 5 triệu đồng, đủ tiền chi tiêu ăn uống cho cả vợ chồng và tiền học cho cháu. Nhiều hôm hết tiền mà phải đóng tiền học cho cháu, tôi lại ứng trước tiền công từ chủ thầu rồi làm trả sau. Ở nhà còn một cháu nhỏ học lớp 8 ở với bà nội, thi thoảng cóp chút tiền gửi về quê cho hai bà cháu, coi như phân chia ra hai nơi để sống” - bà Thảnh nói.
Hôm biết tin con đoạt giải, bà Thảnh bất ngờ, mừng mừng tủi tủi. “Nhận tin thông báo Hoàn đoạt giải vàng từ đứa cháu họ, vợ chồng tôi bỏ làm chạy vụt ra tiệm net nhờ xem hộ. Xin nghỉ làm đưa cháu về nhà chơi với mọi người luôn, từ hôm đến giờ điện thoại kêu suốt là chúc mừng từ họ hàng ở xa - bà Thảnh nói - Ít bữa nữa cháu lên học, vợ chồng tôi cũng lên, không lên giữ chỗ làm là họ tìm người khác, mình mất việc là chết dở ngay”.
Trong đội tuyển toán quốc tế gồm sáu người đến từ Việt Nam, Hoàn là người trẻ nhất so với các anh chị trong đoàn.
“Hoàn là học sinh ham học, thích tìm tòi, không chỉ riêng môn toán mà tất cả các môn khác em cũng thể thiện sự thông minh và nhận thức nhanh. Với đam mê và nỗ lực của Hoàn, tôi tin rằng em sẽ thành công trên con đường toán học, không chỉ dừng lại ở HCV toán quốc tế” - thầy Phạm Văn Quốc, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp giảng dạy môn toán của Hoàn, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận