22/07/2023 16:15 GMT+7

'Thám tử lừng danh Conan' và suy thoái của những cái tên đình đám

Sau thành công của phần phim đầu tiên, nhà sản xuất thường tận dụng lợi thế này để làm các phần tiếp theo, tạo nên thương hiệu thu hút khán giả.

Phần phim thứ 26 của Conan vừa khởi chiếu tại Việt Nam - Ảnh: CGV

Phần phim thứ 26 của Conan vừa khởi chiếu tại Việt Nam - Ảnh: CGV

Thành công trong phần 1 giúp các phần sau của phim trong thương hiệu được chú ý nhanh hơn, dễ dàng lan truyền rộng rãi thông tin trên báo chí và mạng xã hội.

Không chỉ gây tò mò về nội dung, dàn diễn viên tham gia hoặc các nhân tố mới đều được công chúng hào hứng dự đoán.

Tuy nhiên, nhận được sự chú ý không đi kèm với chất lượng mỗi dự án được đảm bảo.

Chất lượng phim không đi kèm số lượng

Mới đây, phim điện ảnh thứ 26 của thương hiệu nổi tiếng Thám tử lừng danh Conan có tên Thám tử lừng danh Conan: Tàu ngầm sắt màu đen ra mắt khán giả Việt.

Phim lấy bối cảnh tại Pacific Buoy - một trụ sở hàng hải của Interpol có nhiệm vụ kết nối các camera an ninh trên toàn thế giới. Nhóm của Conan cũng đến đảo Hachijo để xem cá voi. Tại đây, Conan nhận được thông tin về một nhân viên Europol bị ám sát.

Hình ảnh gây tranh cãi của Conan movie 26 - Ảnh: CGV

Hình ảnh gây tranh cãi của Conan movie 26 - Ảnh: CGV

Cùng với đó, tính mạng Haibara Ai (cựu thành viên Tổ chức Áo đen với mật danh Sherry) bị đe dọa, buộc Conan phải bước vào thử thách khó khăn để bảo vệ cô bạn của mình.

Bộ phim tạo được phần mở đầu đáng chú ý, nhưng càng về sau, cách giải quyết, xử lý vấn đề càng lỏng lẻo, dễ đoán. 

So với truyện tranh gốc, phần phim điện ảnh không có gì quá mới lạ, thực sự khác biệt, thu hút, khiến người xem phải bất ngờ và cảm thấy xứng đáng với thời gian gần 2 tiếng.

Bên cạnh đó, phim cố gắng nhồi nhét nhiều thông điệp về nạn phân biệt chủng tộc, màu da nhưng khá hời hợt và không mang đến nhiều ý nghĩa nhấn mạnh.

Trước đó, tại quê nhà Nhật Bản, dù có doanh thu khá ổn nhưng phản ứng của khán giả với bộ phim lại gây tranh cãi. Phim nhanh chóng bị chỉ trích vì tình tiết được cho là gán ghép không hợp lý giữa Conan và Haibara.

Một số người hâm mộ của bộ truyện không khỏi tiếc nuối vì tình tiết phim đã phần nào phá hỏng ký ức đẹp của họ.

Đặt trong tổng thể chung thương hiệu, phim không thực sự nổi trội về mặt chất lượng so với các phần trước đó.

Tương tự, Insidious: The Red Door (tựa Việt: Quỷ quyệt: Cửa đỏ vô định) - phần phim tiếp nối của thương hiệu kinh dị đình đám Insidious cũng không được đánh giá cao.

Insidious: The Red Door là bước lùi của thương hiệu phim kinh dị nổi tiếng - Ảnh: Sony Pictures

Insidious: The Red Door là bước lùi của thương hiệu phim kinh dị nổi tiếng - Ảnh: Sony Pictures

So với những phần trước, mức độ đầu tư của tác phẩm này có phần kém hơn. Yếu tố kinh dị không được cài cắm xuyên suốt, nên có thể khiến một bộ phận khán giả là fan của dòng phim này cảm thấy hụt hẫng sau khi rời rạp.

Tuyến nhân vật chính xây dựng theo mô típ cũ kỹ, không mang đến sự bất ngờ. Ngoài ra, cõi vô định sau 10 năm có phần trở nên lỗi thời, sơ sài, chưa đủ sự nguy hiểm để khán giả phải cảm thấy lo lắng, bất an cho tính mạng của nhân vật.

Hay Indiana Jones 5 dù là phần kết hoài niệm của thương hiệu phim gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ khán giả, vẫn chật vật ở phòng vé vì nội dung còn rườm rà, lê thê.

Những câu đố trong phim còn "nhẹ đô" khi phần lớn thử thách đều được các nhân vật giải quyết dễ dàng.

Indiana Jones 5 gây hụt hẫng vì câu chuyện cũ kỹ, thiếu tính bất ngờ - Ảnh: Screen Rant

Indiana Jones 5 gây hụt hẫng vì câu chuyện cũ kỹ, thiếu tính bất ngờ - Ảnh: Screen Rant

Indiana Jones 5 chỉ nhận được 66% bình luận tích cực từ giới chuyên môn trên Rotten Tomatoes, đạt 57/100 điểm trên Metacritics và trở thành phần có điểm số thấp nhất trong thương hiệu.

Phim dở ảnh hưởng đến cả thương hiệu

Tiếp nối một bộ phim thành công sẽ là liên tiếp những phần hậu truyện, tiền truyện và ngoại truyện khác.

Không chỉ trên thế giới, ngay cả Việt Nam cũng không thiếu những thương hiệu điện ảnh kéo dài năm này qua năm khác như Lật mặt (đạo diễn Lý Hải), Gái già lắm chiêu (đạo diễn Nam Cito, Bảo Nhân), Nắng… 

Nhưng chỉ một số ít cái tên giữ được phong độ, bên cạnh hàng loạt series có chất lượng đi xuống.

Hình ảnh trong Lật mặt 6 - thương hiệu trăm tỉ của đạo diễn Lý Hải - Ảnh: CGV

Hình ảnh trong Lật mặt 6 - thương hiệu trăm tỉ của đạo diễn Lý Hải - Ảnh: CGV

Với bối cảnh doanh thu trồi sụt, dễ hiểu cho việc giới làm phim chọn "cày xới" lại những đề tài, bộ phim từng ăn khách hay ghi dấu ấn trước đó nhằm tìm kiếm một sự đảm bảo.

Tuy nhiên, nếu không cẩn thận chăm chút chất lượng để dự án sau khác biệt và có độ thu hút hơn dự án trước, nhà sản xuất sẽ chỉ nhận lại sự quay lưng của công chúng. 

Không chỉ một phần phim, niềm tin với cả thương hiệu vất vả gây dựng cũng dần bị mai một.

Theo The Guardian, sự thành công có phần dễ dàng có thể khiến nhiều nhà sản xuất sa lầy trong vũng bùn thương hiệu điện ảnh, vắt kiệt những di sản cũ để rồi lại thất bại từ chính sự vội vàng, lười biếng trong sáng tạo.

Nhà làm phim cũng như nhiều công việc khác, phải luôn tự đổi mới thực đơn mang đến cho khán giả, thoát ra khỏi vùng an toàn của mình để bắt kịp thời đại và tạo ra những thành công lớn hơn.

Phim điện ảnh Thám tử lừng danh Conan: Tàu ngầm sắt màu đen ra mắt khán giả Việt từ ngày 21-7.

Tại Nhật Bản, chỉ sau ba ngày đầu tiên của tuần khởi chiếu, phim thu về 23,48 triệu USD, trở thành phim điện ảnh có doanh thu ba ngày đầu công chiếu cao nhất từ trước đến nay của series.

Tuy nhiên, tác phẩm cũng gây ra nhiều ý kiến tranh cãi về các tình tiết ngôn tình so với bản gốc. Đồng thời, phim nhận sự chê bai vì nội dung thiếu đột phá, chưa giải quyết các tuyến truyện triệt để.

Phim lỗ hàng trăm triệu USD, thương hiệu Disney xuống dốcPhim lỗ hàng trăm triệu USD, thương hiệu Disney xuống dốc

Chuỗi phim thất bại liên tiếp như Strange World, Lightyear, Elemental... khiến Disney lỗ hàng trăm triệu USD và dần đánh mất vị thế số một.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên