Giữa nhà gươl đốt một bếp lửa lớn. Đêm ấy, đàn ông của 52 nóc (nhà) đều có mặt. Đàn bà không được phép lên nhà gươl nhưng vẫn bồng con nhỏ đứng dưới đất dự thính. “Bị cáo” chính trong phiên tòa là thằng Briu Nhanh, 20 tuổi, người Cơ Tu ta. Briu Nhanh bị ông Alăng Xuân cáo buộc đã ăn trộm đôi dép mới của cô Alăng Thu, con gái ông.
Phóng to |
Đôi dép
Ông Xuân nói ngắn gọn chuyện thằng Nhanh ăn cắp đôi dép của con gái ông nhưng chân hắn to, không mang được nên mới đem đến nhà ông trả lại. Luật lệ của người Cơ Tu rất nghiêm, không ai được xâm phạm vật gì của ai. Ông đề nghị già làng phạt thằng Nhanh.
Già làng nghiêm khắc nhìn vào mặt Nhanh, buộc Nhanh trả lời có ăn cắp dép của Alăng Thu không. Nhanh cúi mặt, nuốt nước miếng ừng ực. Già làng hỏi đến lần thứ ba, anh lắc đầu nói: “Mình không ăn cắp”. Già làng hỏi vặn: “Rứa đôi dép từ mô mà mi có?”. Cả làng chờ đợi, cuối cùng Nhanh phải khai ra sự thật.
Cách đó mấy hôm, buổi trưa Nhanh đi dọc bờ suối hái rau dớn. Mới hái được một nắm Nhanh nghe có tiếng động trên mặt nước. Ngỡ là có con thú đến uống nước, Nhanh se sẽ bước tới chỗ bụi cây nhìn ra suối. Hóa ra tiếng động đó là cô Alăng Thu... đang tắm. Alăng Thu là học sinh trường dân tộc nội trú. Hôm ấy cô được nghỉ học, từ trên thị trấn P về nhà, đi tắm suối.
Nhanh thú nhận trước nay anh chưa hề được nhìn thấy thân hình con gái nên... tò mò, chừ có dịp phải ngó thử coi hắn ra răng. Anh níu tay lên một nhánh cây, định nhìn cho rõ hơn thì rắc một tiếng, nhánh cây gãy, đầu chạc cây cứa vào bắp tay anh. Sảng hồn, anh “á” lên một tiếng.
Biết có người nhìn lén mình tắm, Alăng Thu hoảng hốt quơ lấy cái xà lùng mặc vào người đi về ngay, bỏ quên đôi dép mới bên bờ suối. “Mình lượm đôi đép của Alăng Thu đem về định đưa lại cho hắn, nhưng nếu mình đưa thì lòi ra cái tội... ngó hắn tắm, nếu không đưa thì cũng phạm tội ăn cắp. Xấu hổ quá, mình xin thú thiệt trước làng chỉ mới ngó được cái lưng của hắn chớ chưa ngó được cái chi hết”.
Lời “thú tội” của Briu Nhanh làm mấy chục người đàn ông sảng khoái cười ha hả. Đến cả ông Alăng Xuân cũng khoái tỉ vì nghĩ con gái mình đẹp nên hắn mới lén xem.
Già làng vỗ tay ra hiệu cho mọi người ngưng cười. Ông hỏi: “Trong anh em, có ai chưa hề dòm lén bọn con gái tắm suối thì giơ tay lên”. Từ ông già già cho đến ông tre trẻ không có ai giơ tay cả. Briu Nhanh thở một cái khì, rất sướng cái bụng.
Già làng kết luận: “Cái chuyện dòm mấy đứa con gái tắm suối thì anh em hồi trai trẻ cũng đã từng dòm, kể cả mình. Cái vụ này không phạm tội chi hết. Nè Briu Nhanh, nói mẹ mi kiếm con heo, con gà sang nhà ông Alăng Xuân đi. Nói vậy Alăng Xuân có thông không?”. Alăng Xuân gật đầu nói có, hí hửng cười.
Tình già gãy gánh
Ông K. sinh năm 1920, ngụ tại buôn Đuk, xã Chư Gu, huyện Krong Pa, tỉnh Gia Lai. Ông sống buồn chán trong cảnh đơn độc sau khi vợ bị sét đánh chết năm 1993. Chín người con đã trưởng thành cũng không làm ông K. vui được.
Bà H. sinh năm 1947, cũng ngụ tại buôn Đuk, xã Chư Gu, cũng sống trong cảnh buồn chán từ khi chồng bị bệnh chết năm 1992, mặc dù bà đã có bảy đứa con. Tình cờ một ngày đầu xuân năm 1996, ông K. đi rẫy gặp bà H.. Cả hai cùng người dân tộc Jarai nên thân nhau liền. Ba hôm sau gặp nhau trên rẫy bà H. hỏi: “K., tao muốn bắt mày làm thằng chồng. Mày ưng cái bụng không?”. Ông K.: “Ưng. Nhưng nhà tao nghèo lắm”. “Mày về nhà tao ở, nhà tao cũng nghèo”. Thế là họ cưới nhau, chỉ đốt có một con bò, không làm lễ cưới.
Ngày 10-4-1996, ông K. ra chợ Chư Gu mua một bản sao giấy chứng nhận kết hôn, nhờ ông thầy giáo trong buôn biết cái chữ người Kinh viết giùm, ký tên luôn cho cả hai vợ chồng, rồi đem tới... nhà ông chủ tịch xã chứng nhận. Chủ tịch xã ký tên, đóng dấu cái rụp. Sống chung được sáu tháng, cuối năm 1996 bà H. dứt khoát đuổi ông K. ra khỏi nhà! Họ không muốn nằm chung với nhau nữa.
Nghe nói người Kinh có cái tòa chi đó giải quyết chuyện ly hôn, ông K. bèn nhờ người làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân huyện Krong Pa xin ly hôn. Tòa mời hai bên lên hòa giải đến bốn lần không thành.
Tòa hỏi ông K.: “Vì sao muốn bỏ bà H.?”. Ông K. đáp: “Nó đối xử không công bằng với con ta. Tính ta và tính nó không hạp nhau; con riêng của ta và con riêng của nó đông quá. Nó không để cho ta “bắt cái nước”, đêm nào cũng đạp ta rớt xuống khỏi giường và đuổi ta ra khỏi nhà”.
Tòa hỏi bà H.: “Vì sao muốn bỏ ông K.?”. “Thằng K. lấy ta mà không ngủ ở nhà, cứ ra ngoài rẫy ngủ miết. Con riêng của ta bị đau, ta gọi thằng K. về làm lễ cúng Giàng mà nó vẫn không chịu về cúng theo phong tục người Jarai. Ta bị bò cạp cắn tay, ngón tay sưng vù như cái ống nứa, thằng K. cũng không hỏi han một lời nên ta muốn bỏ nó”. Tòa hỏi: “Hồi trước có thương không?”. “Thương”. “Còn bây giờ?”. “Ta ghét, không thèm nhìn mặt nữa”.
Ông K. yêu cầu bà H. phải đốt bò bồi thường danh dự cho mình theo tập quán người Jarai. Ngược lại, bà H. cũng đòi ông K. bồi thường danh dự 15 con bò sống mới chịu ly hôn. Trong lần hòa giải thứ tư, bà H. hạ giá: “Nó phải đốt một bò chết và đưa hai bò sống thì ta mới ký bản thuận tình ly hôn”.
Tòa đi xác minh, hỏi ông chủ tịch ủy ban xã Chư Gu tại sao ký vào bản sao giấy chứng nhận kết hôn như vậy. Chủ tịch xã trả lời: “Trước năm 1996 xã không có cán bộ tư pháp chuyên lo việc đăng ký kết hôn. Ai muốn kết hôn cứ tự mua giấy viết sẵn đem đến cho chủ tịch hay phó chủ tịch xã ký vào là xong”!
Ngày 25-8-1998, Tòa án huyện Krong Pa đưa vụ kiện xin ly hôn ra xét xử sơ thẩm. Tòa nhận định: việc chủ tịch xã ký chứng vào bản sao giấy chứng nhận kết hôn cho ông K. và bà H. là không đúng quy định Luật hôn nhân và gia đình và các quy định về đăng ký hộ tịch. Giấy chứng nhận này không có giá trị pháp lý. Tòa tuyên: hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn, giữa ông K. và bà H. không có quan hệ vợ chồng theo pháp luật. Ông K. không phải bồi thường tiền bạc cho bà H.. Bà H. làm đơn chống án.
Trong phiên xử phúc thẩm ngày 6-11-1998, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai nhận định: Việc kết hôn giữa ông K. và bà H. không được ghi vào sổ lưu; mẫu giấy chứng nhận được dùng là bản sao, không phải bản chính. Đã vậy ông K. làm bản đăng ký không có sự tự nguyện đồng ý của bà H.. Ông K. nhờ người khác viết và ký tên; bà H. không biết được việc đăng ký kết hôn này. Giấy chứng nhận kết hôn này do vậy không có giá trị pháp lý. Giữa hai người không có con chung, không có tài sản chung. Cho nên án sơ thẩm hủy bản sao giấy chứng nhận kết hôn là đúng.
Tòa cũng thấy không có cơ sở để kết luận ông K. xâm phạm danh dự của bà H. nên không thể buộc ông K. bồi thường. Tình già gãy gánh!
______________________
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Vụ án “chơi” con cọpKỳ 2:Rơchăm Sơn đi kiệnKỳ 3: Con rọ rạy
_______________________
Ở làng quê xóm núi, thỉnh thoảng cái đuôi con bò hay vụ mất tích con trâu con nghé cũng gây ra lắm chuyện tức cười.
Kỳ tới: Chuyện trâu bò
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận