Vấn đề nêu trên đã được các đại biểu thẳng thắn chỉ ra tại hội thảo “Thực trạng, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp” do Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức sáng 28-1 tại Hà Nội.
Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát VKSND tối cao đã chỉ ra một loạt hành vi tiêu cực của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, quản giáo như lạm dụng chức vụ quyền hạn, nhũng nhiễu nhằm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, nhận hối lộ, gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật.
Chỉ ra các hành vi tiêu cực trong ngành công an, ông Lê Văn Thư, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế, cải cách hành chính- Tư pháp, Bộ Công an lý giải nguyên nhân chính của tình trạng tiêu cực trên xuất phát từ nhận thức, suy thoái về tư tưởng, chạy đua với lối sống vật chất của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ.
Ngoài ra, ông Thư cho rằng tư duy làm việc theo “ê kíp” dẫn đến việc vun vén cá nhân, trù dập người không thuộc ê kíp trong một bộ phận cán bộ chiến sỹ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai phạm trong hoạt động tư pháp hiện nay.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, mỗi lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý đều có hoặc có thể tiềm ẩn tiêu cực như biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, "lobby" chính sách, lồng ghép lợi ích. Đặc biệt trong lĩnh vực Thi hành án dễ phát sinh tiêu cực từ phía người được thi hành án, người phải thi hành án và từ các chấp hành viên.
Lý giải phần nào nguyên nhân, ông Trần Văn Tú, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: “Quyền lực tư pháp được giao cho các cán bộ tư pháp nhưng pháp luật lại đang có nhiều kẽ hở, tạo tùy nghi rất rộng nên dễ ban phát, xin cho, nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Pháp luật tố tụng phải có qui định rành mạch, minh bạch để hạn chế các quan hệ “ngầm” dễ phát sinh tiêu cực”.
“Trong lĩnh vực tư pháp, tiêu cực, tham nhũng có mức độ nguy hại rất cao do xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhận diện, phát hiện, dự báo và đề ra giải pháp đấu tranh phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp còn có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc vì kỷ luật, kỷ cương của mỗi quốc gia phần lớn phụ thuộc vào chất lượng, hiệu quả và tính nghiêm minh của hệ thống các cơ quan tư pháp”- Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng tiêu cực làm méo mó hoạt động tư pháp, làm công lý “đội nón” ra đi.
“Phải chống tiêu cực bằng cách hạn chế kẻ hỡ trong hệ thống pháp luật để không ai lách luật vì vụ lợi khi thực hiện các hành vi tư pháp. Qui trình tố tụng phải công khai, minh bạch, dân chủ và tôn trọng quyền con người. Nếu tố tụng không tốt thì quá trình thực hiện sẽ có va vấp, tranh cãi”- ông Khánh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận