Cha mẹ và Kiều bên những thành tích cô đạt được - Ảnh: NVCC
Và bây giờ, người ta vẫn lan truyền những tấm ảnh xúc động về sự kiên cường của nữ cầu thủ mang áo số 03 này. Hình ảnh cô gái bị rách đùi, chảy máu nhưng nén đau để tiếp tục thi đấu giành chiến thắng...
“Nhiều lúc tôi nhớ nhà lắm nhưng không có tiền về. Tôi chỉ còn biết cố gắng, nghĩ đến cha mẹ ở quê nghèo là động lực để tôi có thể vượt qua.
"Bán con nhỏ rồi hả?"
Tìm đến nhà Kiều vào một sáng đầu năm, tôi được bà con chỉ dẫn tận tình vì Kiều giờ đã thành người nổi tiếng của quê hương. Men theo con đường mát mẻ trải dọc bờ kênh, căn nhà tường nhỏ hiện ra. Vui vẻ tiếp khách là ông Chương Út (50 tuổi) và bà Chương Thị Vân, cha mẹ Kiều.
Pha ấm trà, ông Út tâm sự về cô con gái cá tính của mình. Gia đình làm nông, Kiều là út trong ba người con. Từ nhỏ, cô đã lộ khả năng chơi thể thao bơi lội, đá banh và giành một số giải thưởng của tỉnh.
Thấy Kiều đam mê bóng, một đồng hương cũng là cầu thủ nữ rủ cô lên Sài Gòn học để được đào tạo bài bản hơn và kiếm tiền phụ giúp gia đình. Năm ấy Kiều mới 12 tuổi, vừa xong tiểu học.
Bận đầu, ông Út không đồng ý để con gái đi, nhất là con còn quá nhỏ, một thân một mình đến xứ lạ. Ông lo con gái khờ, sợ gặp chuyện.
"Cả đời tui có biết Sài Gòn là đâu đâu. Sợ nó lên trển hổng tự lo được hoặc bị lừa bán thì khổ. Nhưng má với bác nó động viên, kêu tui cho con đi học thử. Nếu không được thì về, còn được thì ở lại học tiếp, nên tui mới để nhỏ đi", ông Út chân chất kể quyết định để con xa nhà.
Chùng giọng, ông Út hồi tưởng khoảng thời gian "khủng khiếp" nhất trước giờ với gia đình vì họ tưởng chừng mất con. Sau khi đưa con gái ra bến xe rồi cho 120.000 đồng, vì nhà chỉ còn bấy nhiêu, trong đó tiền xe hết 90.000, họ bặt tin con từ đó.
Tôi thắc mắc vì sao không thể liên lạc với con. Ông Út nói lúc đó nhà chẳng ai có cái điện thoại dù loại rẻ tiền, mà ăn còn không đủ thì sao dám nghĩ đến điện thoại.
"Mần ruộng để nuôi mấy nhỏ nhưng đâu phải lúc nào cũng được vụ. Có năm thất mùa, mất giá, không có cơm ăn, phải vay mượn khắp nơi" - ông Út trải lòng đời nghèo quanh quẩn đồng bưng, không biết Sài Gòn là ở đâu, chỗ con sống thế nào.
Con gái nhỏ lại chẳng có phương tiện nào kết nối với cha mẹ. Cô cũng không có tiền về quê. Cứ như vậy suốt hai năm trời, ông Út chỉ biết con mình ở xa đang sống tốt bằng... niềm tin.
Nhớ con, vợ chồng ông khóc suốt. Xót xa hơn, có người còn cho rằng vợ chồng ông túng tiền nên bán con.
"Lúc nó đi được mấy tuần, có người hỏi "bộ mày bán con nhỏ rồi hả?". Tui với mẹ nó đêm nào cũng khóc, chỉ biết quanh quẩn ở nhà đợi coi con có tin tức gì không, có lúc tưởng như mất con thật" - ông nhớ lại.
Đằng đẵng hai năm dài bặt tin, Kiều và gia đình mới được đoàn tụ khi cô về thăm nhà lần đầu. Ông Út nói một phen nhớ đời sau cái quyết định liều lĩnh ấy, và tới nay vẫn còn ám ảnh, dù cô gái bé bỏng ra đi với 30.000 đồng dằn túi năm nào giờ đã thành một trong những "gương mặt vàng" của làng túc cầu nữ Việt Nam.
Lấy chiếc cúp trong tủ ra, bà Vân xúc động chia sẻ về đứa con gái mạnh mẽ: "Hôm coi tivi, thấy con bị thương chảy máu đầm đìa, tui với ba nó ở nhà khóc quá trời. Khóc vì xót con, nghĩ con mình chắc phải rời sân, không ngờ nó băng bó xong rồi đá tiếp.
Tui biết con nhỏ đau lắm nhưng vẫn cắn răng vượt qua. Mừng là đội tuyển mình chiến thắng rực rỡ, cả xóm tới chia vui, hỏi thăm con Kiều".
Ngồi bên, bà Lùng (60 tuổi, hàng xóm nhà Kiều) cũng nhận xét thiệt bụng: "Hồi nó còn nhỏ hay qua nhà tui chơi. Con bé coi vậy mà hiền lành, lễ phép với người lớn lắm. Bữa thấy nó té chảy máu mà băng bó rồi đấu tiếp, xóm giềng ai cũng thương".
Gia đình luôn là động lực để Kiều vượt khó - Ảnh: NVCC
Khó khăn mấy cũng "chấp hết"
Hôm tôi đến, Kiều không có nhà, cô đang ở Hà Nội tập luyện chuẩn bị cho vòng loại Olympic Tokyo 2020 sau khi về quê hai ngày để nhận khen thưởng từ UBND tỉnh.
Trò chuyện qua điện thoại, tôi hỏi sao trong trận đấu đó bị té rách đùi, chảy máu mà không ra nghỉ, Kiều cười trả lời lúc đó cô đang "máu", không dừng lại được.
"Thấy đồng đội mình ai cũng cố thi đấu hết mình, trên khán đài còn có khán giả nhiệt tình cổ vũ. Bấy nhiêu đó đã tiếp thêm động lực cho tôi, với lại lúc đó "máu" quá nên hổng thể bỏ giữa chừng".
Kiều chia sẻ đời cầu thủ thì chấn thương là không thể tránh khỏi, đã theo thì phải chấp nhận. Cô nói nghề cầu thủ mang đến cho mình rất nhiều thứ và lấy đi của cô cũng không ít. Cô hiểu còn nhiều gian truân ở phía trước nhưng chỉ cần được sống hết mình với đam mê, phụ cha mẹ trang trải và hơn hết là được mọi người yêu quý thì khó khăn mấy cô cũng... "chấp hết".
Kể về những khó khăn trong suốt hành trình "ăn với bóng, ngủ với bóng" của mình, Kiều nói hồi đó cô may mắn được một người chị lo chuyện ăn ở trong thời gian học ở trung tâm, chứ bản thân hổng có tiền. Nhớ nhà, Kiều chỉ biết khóc rồi lao vào tập luyện để "quên buồn"...
Mỗi ngày, cô cùng đồng đội phải ra sân từ 6h30 sáng, buổi tập kéo dài 2 - 3 giờ và chia làm nhiều đợt. Năm 2012, trong một lần tập, Kiều bị đứt dây chằng và sụn, phải nằm một chỗ suốt nửa năm. Chấn thương vừa khỏi, cô lại lao vào tập luyện. Rồi sự cố gắng của Kiều đã được đáp đền.
Năm 17 tuổi, tức một năm sau tai nạn, Kiều chính thức góp mặt ở đội tuyển nữ quốc gia. Cô cùng đồng đội giành nhiều giải thưởng qua những lần "chinh chiến" tại các cuộc thi từ trong nước đến quốc tế.
Thắng lợi là vậy, nhưng khi hỏi Kiều có chạnh lòng không khi bóng đá nữ trong nước không được khán giả ưu ái bằng các chàng trai, học trò HLV Mai Đức Chung cười: "Thiệt bụng thì cũng buồn, nhưng dù thế nào chúng tôi cũng thi đấu hết mình để không làm người hâm mộ thất vọng. Tôi và đồng đội vẫn hi vọng khán giả sẽ đến sân nhiều hơn để tiếp lửa cho thầy trò tôi".
Nhận xét về mình, Kiều ngắn gọn: "Ít nói, khéo tay và yêu bóng đá". Kiều cho biết sẽ gắng tập luyện để thể hiện tốt cho mùa giải tới. Ngoài ra, trong tương lai cô muốn được dạy bóng đá cho các bạn nữ và kiếm chút vốn buôn bán nhỏ...
Kiều vào top 30 người trẻ nổi bật nhất Việt Nam năm 2020
Kiều bị thương, chảy máu vẫn kiên cường cùng đồng đội giành chiến thắng - Ảnh: NVCC
Nữ cầu thủ Chương Thị Kiều (25 tuổi) góp mặt vào danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam năm 2020 ở lĩnh vực thể thao, do tạp chí Forbes Việt Nam công bố ngày 3-2-2020.
Mỗi năm, tạp chí uy tín này đều thực hiện danh sách tôn vinh những gương mặt trẻ đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có những ảnh hưởng tích cực trong ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của họ tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận