05/02/2020 07:29 GMT+7

Thảm án từ xích mích nhỏ: ngăn ngừa cách nào?

VŨ TRUNG KIÊN - BẢO HƯNG
VŨ TRUNG KIÊN - BẢO HƯNG

TTO - Tết Nguyên đán đi qua, những vụ xung đột, bạo lực nghiêm trọng liên quan đến rượu bia có vẻ giảm. Nhưng lại nổi lên nhiều vụ bạo lực và thảm án vì xích mích không lớn, có thể hòa giải được. Đây không chỉ là chuyện những cá nhân hung hăng...

Thảm án từ xích mích nhỏ: ngăn ngừa cách nào? - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Tám Khỏe (ngụ ấp Bốn Phú, X. Trung An, H. Củ Chi) trở lại công việc đồng áng sau vụ xả súng tại một sòng bạc ở địa phương - Ảnh: M.HÒA

Hai ý kiến bạn đọc cùng hướng đến chuyện tìm thuốc cho tật "lờn luật".

Cần nhiều ràng buộc cộng đồng

Rất nhiều vụ việc về an ninh trật tự diễn ra gần đây, nhất là từ đầu năm tới nay, làm cho xã hội không thể không lo lắng, bất an.

Một số vụ án mạng giết người ban đầu chỉ là những nguyên nhân rất nhỏ nhưng vì bột phát tức thời hoặc để âm ỉ lâu ngày đến lúc bùng nổ. 

Cũng có những vụ án xảy ra chỉ vì một lời nói, một ứng xử nào đó trong đời sống, một va chạm nhỏ trên đường lưu thông hoặc chỉ là… nhìn thấy khó ưa. Giữa thanh thiên bạch nhật, sới bạc vẫn diễn ra sôi động và hậu quả là một kẻ thua bạc đã ra tay tàn độc, dùng súng sát hại một lúc mấy mạng người.

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra từ những biểu hiện xã hội bất ổn này cần có lời giải đáp từ công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, từ công tác tuyên truyền giáo dục về pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở đến trách nhiệm quản lý vũ khí, vật liệu nổ của các cơ quan có trách nhiệm, trách nhiệm quản lý địa bàn.

Không phải các cơ quan có trách nhiệm chưa tuyên truyền về pháp luật, về phòng ngừa tội phạm nhưng trong thực tế, nhiều khi chính các cơ quan ấy chưa thật sự quan tâm đến vấn đề ý thức của người dân và vấn đề phối hợp xử lý sau đó. 

Chẳng hạn, nếu người dân thật sự có ý thức về phòng ngừa tội phạm, họ sẽ báo ngay cho các cơ quan quản lý địa bàn khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật (một sới bạc chẳng hạn). Nếu như người dân từng trình báo rồi nhưng sới bạc vẫn hoạt động, đó chính là trách nhiệm trong quản lý địa bàn. Nếu cơ quan có trách nhiệm không lắng nghe, chưa giải quyết, người dân sẽ bàng quan, thờ ơ.

Vụ việc một kẻ ra tay tàn độc phóng hỏa giết hại cả một gia đình là hành động bột phát nhưng đã âm ỉ từ lâu, xuất phát từ việc không ai nhường ai. Kiểu này dễ thấy trong rất nhiều vụ việc khác, nhưng chúng ta không có nhiều những cuộc họp tổ, khóm để cùng nhau nâng cấp ý thức và hành xử cho nhau xung quanh những chuyện tương tự.

Một cộng đồng có những ràng buộc nhắc nhở thường xuyên về trách nhiệm cá nhân sẽ không có đất sống cho thói ích kỷ, cậy thế, chuyện xấu khó có thể dung thân. Ở đó, người dân sẽ cảm thấy pháp luật là phương tiện để bảo vệ mình, người dân sẽ tăng cường tố giác tội phạm, sẽ tự nguyện chấp hành, chứ không thể để số ít coi thường pháp luật, tác oai tác quái không bị ai "rớ" tới. 

Rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, nhường nhịn nhau giữa cộng đồng và chấp hành pháp luật, không gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

Ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ luật pháp

Vụ phóng hỏa đốt nhà khiến 5 người tử vong ở quận 9 (TP.HCM) được cho là xuất phát từ chuyện đậu xe lấn chiếm lối đi. Vụ dùng súng bắn trọng thương nhiều người trong cùng một nhà (Bình Thuận) có nguyên nhân chỉ là chuyện rượt đuổi đàn dê rồi bị gia đình người chủ đàn dê… rượt lại. Chỉ vì bị từ chối tình cảm, một người đàn ông đến tận nhà bắn bà mẹ đơn thân và hai đứa con… 

Không thể kể hết hàng trăm vụ va chạm nhỏ dẫn đến mâu thuẫn rồi tự giải quyết bằng nắm đấm diễn ra hằng ngày. Đôi khi đơn thuần là chuyện vô ý quẹt xe vào nhau, chuyện nhỏ bỗng hóa chuyện lớn.

Cũng phải nhắc đến tình cảnh nhiều ngôi nhà khóa cửa im ỉm suốt tết, không hẳn do gia chủ đi du lịch hay về quê mà chỉ là để "lánh nợ". Trước tết, họ bị các đối tượng cho vay tiền bên ngoài xã hội đòi nợ ráo riết, đe dọa, khủng bố tinh thần cả ngày lẫn đêm. 

Đây là chuyện ắt sẽ đến khi các kiểu nợ nần vì vay nặng lãi đang chồng chất với nhiều người và tình trạng sẽ càng lan rộng nếu không thể chặn đứng nạn cho vay "cắt cổ" này. Đây không còn là chuyện cá nhân, chuyện của từng nhà mà là vấn nạn xã hội.

Nếu xích mích nhỏ kịp thời được hóa giải, có lẽ đã không có ngọn lửa hại chết 5 người rạng sáng 27 tết. Nếu các sới bạc lớn ngay trong khu dân cư ngày tết sớm bị giải tán, có thể không có xả súng đẫm máu. Nếu chuyện rượt đuổi đàn dê được ngăn chặn từ đầu, có thể sẽ không đến mức có nổ súng… 

Tôi không bàn đến chuyện nguồn gốc những cây súng gieo kinh hoàng xã hội mấy tuần qua, chỉ muốn nói về chuyện tuân thủ pháp luật và ý thức cộng đồng trong xã hội.

Những kẻ tạt mắm, tạt sơn, khủng bố tinh thần người khác vẫn "sống khỏe", cờ bạc tiền tỉ giữa cộng đồng dân cư chỉ lộ ra khi có án lớn, mâu thuẫn nhỏ tẹo con người cũng có thể dễ dàng giết hại nhau… 

Nói gì thì nói, những vụ việc này cũng gây âu lo về câu chuyện trật tự xã hội, pháp luật chưa đủ sức mạnh để răn đe. Tôi muốn nói rõ thêm pháp luật mạnh hay yếu không phải ở chỗ những bộ luật, những quy định dưới luật mà ở khâu thực thi nghiêm túc những quy định đã có trong khi chờ những quy định mới phù hợp với tình hình mới.

Nhà nước có luật pháp, mọi kiểu hòa giải, tuyên truyền ngăn ngừa tội phạm trong xã hội đều trên nền tảng pháp luật và tinh thần tuân thủ luật pháp của mỗi người. Trật tự và bình yên của xã hội từ đó mà có. 

Hẳn nhiên, tội ai người ấy sẽ chịu trước pháp luật, nhưng mỗi người phải có trách nhiệm với trật tự chung. Trách nhiệm đó từ mỗi người dân hay từ chính quyền cơ quan chức năng cũng là từ con người cụ thể. Ai cũng phải có trách nhiệm giữ nghiêm và chấp hành nghiêm pháp luật.

Bạo lực và thảm án bắt nguồn từ xích mích không lớn, do đâu và ngăn ngừa cách nào? Chỉ có một cách là sống và hành xử tuân thủ theo pháp luật. Đây là giải pháp cơ bản nhất nhưng dân mình không ít người coi thường. Đó là một thực tế nhất định phải thay đổi. Không có kiểu tự ý hành xử vì cá nhân mình theo kiểu luật rừng, thích là làm! Không có kiểu ngang nhiên mang dao, súng, lựu đạn để hành xử với cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày! Mọi xích mích, mâu thuẫn đều phải được giải quyết theo đúng pháp luật. (MINH ĐỨC)

Mất mạng vì xích mích nhỏ Mất mạng vì xích mích nhỏ

TT - Ngày 5-4, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Cần Thơ cho biết đã bắt ba nghi can liên quan tới vụ án xảy ra chiều tối 3-4 tại khu vực Thới Thuận, P.Phước Thới, Q.Ô Môn, TP Cần Thơ. Đó là Võ Thanh Hải (27 tuổi), Hà Văn Biển (32 tuổi) và Lê Văn Tám (19 tuổi, cùng ngụ ở Q.Ô Môn).

VŨ TRUNG KIÊN - BẢO HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên