01/06/2019 09:46 GMT+7

Thái Lan minh bạch hóa bệnh viện tư

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bắt đầu từ 30-5, bệnh viện tư nhân tại Thái Lan phải công khai giá thuốc cũng như phí các thiết bị y tế và dịch vụ cho bệnh nhân trước khi họ quyết định chấp nhận điều trị, trong nỗ lực minh bạch hóa chi phí y tế.

Thái Lan minh bạch hóa bệnh viện tư - Ảnh 1.

Nhiều bệnh viện tư Thái Lan đang tính giá thuốc chênh lệch lên đến hàng chục tới hàng trăm lần - Ảnh: Chiang Rai Times

Có hơn 30.000 loại thuốc được liệt kê trong danh sách thuốc y tế của Chính phủ Thái Lan. Tuy nhiên, các bệnh viện tư nhân trước nay chỉ buộc niêm yết giá của 10% trong số đó, chủ yếu là những loại được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp khẩn cấp.

Chính sách mới là một phần của chương trình Bảo hiểm toàn cầu cho bệnh nhân cấp cứu (UCEP) của Thái Lan.

“Các quy định mới của chúng tôi nhằm đảm bảo giá cả công bằng. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa con số các loại thuốc, vật tư y tế và dịch vụ vào quy định mới.

Ông Whichai Phochanakij (giám đốc Sở Thương mại trong nước)


Các lựa chọn khác

Chính sách áp dụng cho tổng cộng 353 bệnh viện tư tại Thái Lan, theo báo Bangkok Post. Ngoài ra, các bệnh viện tư cũng buộc phải cho bệnh nhân cơ hội mua thuốc từ các nhà thuốc bên ngoài hệ thống bệnh viện thông qua việc ước tính trước chi phí điều trị và kê đơn thuốc cho họ.

Theo ông Whichai Phochanakij - giám đốc Sở Thương mại trong nước Thái Lan (ITD), các bệnh viện tư phải công bố bảng giá thuốc trên trang web của mình hoặc qua mã QR trong vòng 45 ngày sau ngày có hiệu lực.

Những bệnh viện không tuân thủ sẽ bị phạt tiền tối đa 10.000 baht (khoảng 315 USD) và/hoặc phạt tù tối đa một năm.

Ngoài ra, bệnh viện tư nhân cũng phải thông báo trước cho Bộ Thương mại nội bộ trước khi tăng giá thuốc hoặc dịch vụ.

Đối với đơn thuốc, các bệnh viện tư phải đưa đơn trước cho những bệnh nhân cấp cứu và sau cho tất cả các loại bệnh nhân khác. Những đơn thuốc này phải ghi rõ cả tên thương mại và khoa học của các loại thuốc.

Việc không tuân thủ các quy định này cũng có thể bị phạt tù 5 năm và/hoặc phạt tiền lên tới 100.000 baht (khoảng 3.150 USD).

Những bệnh viện bị phát hiện đưa vào các điều trị không cần thiết hoặc "chặt chém" bệnh nhân sẽ đối mặt với án tù lên đến 7 năm và/hoặc tiền phạt 140.000 baht (khoảng 4.400 USD).

"Ủy ban trung ương về giá cả hàng hóa và dịch vụ (CPGS) đã cân nhắc những biện pháp này trên nguyên tắc công bằng, lựa chọn của người tiêu dùng và trách nhiệm" - quyền Bộ trưởng Y tế Thái Lan Chutima Bunyapraphasara nhấn mạnh.

Trước đó, các bệnh viện tư nhân giải thích rằng có nhiều yếu tố chi phối giá thuốc và việc áp dụng một giá cho tất cả không phải là việc dễ dàng.

Giá chênh lệch đến... 8.700%

Chính quyền Thái Lan khẳng định việc kiểm soát giá trong ngành y tế phải bắt đầu bằng sự minh bạch.

Nội các Thái Lan hồi tháng 1-2019 đã thông qua đề xuất của Bộ Thương mại về việc đưa chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe vào danh sách kiểm soát giá của nhà nước.

Đây là một phần trong nỗ lực kiềm chế sự chênh lệch giá trước những lo ngại ngày càng tăng về chi phí chăm sóc y tế tư nhân.

Các bệnh nhân tại Thái Lan thường chọn bệnh viện tư để tránh đông đúc và chờ đợi lâu. Nhưng nhiều người cảm thấy mình bị "chém" quá nhiều.

Hàng loạt khiếu nại đã được gửi lên cơ quan quản lý y tế nước này, trong đó một bệnh nhân đầu năm nay phải trả đến 23 triệu baht, khoảng 727.000 USD - Tổ chức Người tiêu dùng Thái Lan cho biết.

Một trường hợp khác, một người phải trả gần 30.000 baht, gần 1.000 USD, chỉ để điều trị tiêu chảy. "Nếu bệnh viện đưa nhiều chuyên gia vào khám các triệu chứng đơn giản như đau đầu, đau bụng chỉ để làm giá các bệnh nhân thì đó có thể là cơ sở để khiếu nại và khởi kiện" - báo Chiang Rai Times dẫn lời ông Whichai khẳng định.

Một phân tích mới đây của ITD trên khung giá của 3.892 loại thuốc được sử dụng rộng rãi hiện nay cho thấy 353 bệnh viện tư nhân đã tính giá thuốc chênh lệch từ 300% đến 900% so với chi phí sản xuất. Tại một số nơi, chênh lệch có thể lên hơn 8.700%.

Trong tuần này, CPGS cũng đã phê duyệt việc thành lập một tiểu ban để nghiên cứu khung chi phí phù hợp cho vật tư y tế và phí dịch vụ y tế trên toàn quốc. Hội đồng trung tâm sẽ do ông Whichai chủ trì, trong khi hội đồng cấp tỉnh do các lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm.

Nhiều nơi đã hành động

Dưới sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhiều bệnh viện tại Mỹ đã bắt đầu đăng tải giá các dịch vụ y tế lên trang web và cập nhật hằng năm, theo tờ The Epoch Times. Quy định có hiệu lực từ 1-1-2019. Trước đó, các bệnh viện chỉ cần cung cấp giá khi có yêu cầu.

Tại Hong Kong, từ năm 2016 chính quyền đã triển khai chương trình thí điểm minh bạch hóa chi phí tại các bệnh viện công nhằm bảo vệ người dùng và cho phép họ có thêm các lựa chọn.

Đánh giá sức cạnh tranh kinh tế: Indonesia, Thái Lan thăng hạng cực tốt Đánh giá sức cạnh tranh kinh tế: Indonesia, Thái Lan thăng hạng cực tốt

TTO - Đảo quốc Sư tử soán ngôi của Mỹ, trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, theo xếp hạng của Trung tâm Cạnh tranh thế giới thuộc Viện Phát triển Điều hành (IMD) ở Thụy Sĩ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên