Một người thuộc phe bảo hoàng đem theo ảnh Quốc vương Vajiralongkorn trong cuộc tuần hành ở Bangkok (Thái Lan) ngày 22-10 - Ảnh: Reuters
Hình ảnh đoàn người quỳ rạp dưới chân đức vua và hoàng hậu tối 23-10, với tôi, là một hình ảnh biểu tượng của triều vua này.
Thái Lan đã từng trải qua những thời khắc phức tạp hơn lúc này, như giai đoạn "tháng 5 đen tối" năm 1992. Cuộc đối đầu giữa hai phe do hai ông tướng dẫn đầu khiến có người lo lắng một cuộc nội chiến sắp sửa bùng nổ.
Một bên là tướng Suchinda Kraprayoon, người vừa tiến hành đảo chính và chuẩn bị làm thủ tướng; bên còn lại là Chamlong Srimuang, cũng là một tướng quân đội nhưng lại phản đối tướng Suchinda nắm quyền. Cả hai đều không chịu nhượng bộ và gần như không có cách gì để hai bên chịu ngồi xuống giải quyết khác biệt.
Cuối cùng, Quốc vương Adulyadej phải gọi cả hai đến hoàng cung. Hình ảnh hai ông tướng đầy uy quyền, chỉ huy hàng ngàn binh sĩ vũ trang giờ phải đi bằng gối và quỳ phủ phục nghe lời khiển trách của đức vua đã tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ.
Không nóng giận, nhà vua từ tốn giảng dạy: "Đất nước này thuộc nhân dân chứ không phải một hay hai người. Các anh tự nhận mình là người chiến thắng để làm gì khi chân các anh giẫm lên đống đổ nát?".
Người Thái chúng tôi xem tiên vương là Phật sống, là trung tâm của sự hòa giải dân tộc. Trong mỗi thời khắc binh đao loạn lạc, chúng tôi luôn hướng về đức vua vì ngài là biểu tượng của sự ổn định: bao nhiêu chính quyền lên rồi xuống, chỉ có ngài là luôn ở đó.
Tôi không dám đo đếm hay so sánh sự ủng hộ hoàng gia hiện nay và khi xưa khác nhau thế nào nhưng không quá ngạc nhiên khi chứng kiến "sự thách thức" vương quyền của phe biểu tình như mấy tuần vừa qua. Từ chỗ chỉ phản đối chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-ocha và đòi viết lại hiến pháp, phe biểu tình giờ đây còn yêu cầu hạn chế quyền lực của đức vua.
Tôi không nghĩ người biểu tình sẽ thành công với mục tiêu cuối. Dư luận Thái Lan mấy ngày nay cũng râm ran tin đồn chính quyền đã cố tình để đoàn xe của hoàng hậu gặp đoàn biểu tình hôm 14-10. Trong lúc cảnh sát đẩy người biểu tình ra xa, ai đó đã ném chai về phía đoàn xe.
Với những người theo chủ nghĩa bảo hoàng, đây là hành vi quấy rối không thể tha thứ ở một vương quốc có hiến pháp đòi hỏi sự tôn kính đối với đức vua.
Việc giải quyết cuộc khủng hoảng lần này ra sao sẽ còn chờ vào cuộc họp khẩn của Quốc hội Thái Lan hôm nay 26-10. Đảng Palang Pracharath, vốn thân quân đội và đang chiếm đa số trong Quốc hội, trước đó đã tổ chức các cuộc tuần hành cho phe áo vàng - tức phe bảo hoàng ủng hộ hoàng gia và Thủ tướng Prayut. Tôi không hiểu vì sao họ lại gộp như thế vì hoàng gia, theo truyền thống từ trước đến nay, luôn cố gắng đứng ngoài các vấn đề chính trị.
Sự ủng hộ của quân đội mới là điều quan trọng nhất với ông Prayut lúc này. Phần lớn truyền thông quốc tế đều dành sự chú ý cho cuộc biểu tình và hoàng gia, còn người Thái chúng tôi - vốn đã quá quen với các cuộc đảo chính - luôn nhìn về quân đội trong mỗi giai đoạn bất ổn.
Nụ cười và cái gật đầu của Tư lệnh lục quân Narongphan Jitkaewtae khi được một cựu binh yêu cầu "bảo vệ Thủ tướng Prayut" đến giờ vẫn còn là đề tài gây tranh cãi. Bangkok Post, một tờ báo lớn của Thái Lan, khẳng định đây là dấu hiệu cho thấy quân đội vẫn đang đứng sau ông Prayut.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận