UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) về việc nghiên cứu dự án tổ hợp kinh tế tuần hoàn Thaco tại tỉnh này. Đồng thời giao các sở ngành nghiên cứu đề xuất về nội dung liên quan.
Dự án 100.000 tỉ đồng
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Thaco về dự án tổ hợp kinh tế tuần hoàn Thaco, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp với các sở Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, UBND các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, TP Bảo Lộc và các đơn vị liên quan xem xét đề nghị của Thaco.
Trước đó, Thaco đã gửi UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tổ hợp kinh tế tuần hoàn trên cơ sở đồng ý của địa phương này về việc thu thập thông tin, khảo sát thực địa và nghiên cứu lựa chọn vị trí đặt tổ hợp nhà máy tuyển bô xít và chế biến alumin, lập kế hoạch tổng thể để triển khai dự án.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được hình thành theo hướng "tổ hợp kinh tế tuần hoàn" tạo thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn từ khâu khai thác quặng bô xít - chế biến alumin - nhôm và hoàn thổ, phục vụ môi trường - trồng cây nông nghiệp - hệ thống nhà máy chế biến nông sản...
Trên cơ sở nghiên cứu, Thaco đề xuất dự án nhà máy alumin Lâm Đồng 2 tại huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, TP Bảo Lộc của Lâm Đồng. Đây là nhà máy khai thác quặng bô xít, nhà máy chế biến alumin có công suất 4 triệu tấn/năm.
Công nghệ nào để giải bài toán môi trường?
Dự kiến nhà máy sẽ được triển khai từ năm 2023 - 2033 với ba giai đoạn, có tổng mức đầu tư là 103.024 tỉ đồng (tương đương 4 tỉ USD). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 30.907 tỉ đồng, vốn vay là 72.117 tỉ đồng. Dự án được hoạt động trong 50 năm, riêng thời gian khai thác quặng bô xít là 20 năm. Đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, theo Thaco, số tiền nộp ngân sách từ dự án này dự kiến khoảng 4.800 tỉ đồng/năm, cung cấp việc làm ổn định cho 4.000 người lao động.
Thaco cũng cho hay dự án sẽ sử dụng phương pháp tuyển rửa - trọng lực cho giai đoạn tuyển quặng bô xít. Công nghệ sản xuất alumin là Bayer sản xuất bằng phương pháp thủy luyện, công nghệ hiện đại, tiên tiến, phù hợp để có sản phẩm alumin đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Để xử lý bùn đỏ là chất thải nguy hại trong quá trình chế biến quặng, dự án sẽ sử dụng phương pháp thải khô theo công nghệ châu Âu, phù hợp với phát thải CO2 bằng 0. Bùn đỏ sẽ được dùng để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung, vật liệu san lấp nền đường... Thaco sẽ tiếp cận công nghệ xử lý bùn đỏ của Trung Quốc, Ấn Độ, Úc hoặc kết hợp với các nhà khoa học vật liệu Việt Nam để nghiên cứu lựa chọn sản phẩm đầu ra phù hợp.
Để thực hiện dự án, Thaco đề nghị thực hiện các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Trong đó, để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với quỹ đất mỏ khoáng sản đã được quy hoạch, Thaco kiến nghị chấp thuận cho nhà đầu tư thuê toàn bộ diện tích đất mỏ bô xít sau khi được cấp phép khai thác, sử dụng phần đất chưa khai thác khoáng sản để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ khai thác khoáng sản sang phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sau khi đã khai thác phù hợp với định hướng. Đó là thực hiện các dự án nông nghiệp, công nghệ cao, du lịch sinh thái xanh, tái định cư, cụm nhà ở.
Dự án chồng dự án?
Dự án khai thác quặng bô xít và chế biến nhôm của Tập đoàn Trường Hải ngay khi chuyển thông tin đến UBND tỉnh Lâm Đồng đã gây chú ý bởi quy mô đầu tư rất lớn và phạm vi tác động rộng. Hiện nay, trong vùng nghiên cứu dự án của Thaco đã có một dự án khai thác quặng bô xít và sản xuất alumin là tổ hợp bô xít Tân Rai (Công ty Nhôm Lâm Đồng - Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam). Tổ hợp này hằng năm tạo ra khoảng 600.000 tấn alumin. Tháng 12-2023, dự án này lần đầu tiên chạy thử và sau đó nâng dần công suất.
Thiếu điện nên chưa đầu tư sản xuất nhôm
Về dự án nhà máy điện phân nhôm từ nguồn alumin sản xuất từ quặng bô xít khai thác tại chỗ, Thaco cho hay hiện Việt Nam chưa sản xuất được nhôm kim loại nên phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài với giá thành cao. Vì vậy việc xây dựng nhà máy điện phân nhôm là cần thiết. Tuy vậy, để vận hành nhà máy điện phân nhôm công suất 450.000 tấn nhôm thỏi/năm, nhu cầu tiêu thụ điện là 800MW, song dự báo mạng lưới cấp điện đến năm 2030 mới chỉ 545MW. Do chưa đủ nguồn cung năng lượng phù hợp cũng như chưa đảm bảo về căn cứ pháp lý cho nhà máy này nên Thaco cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu dự án vào thời điểm phù hợp, tập trung nguồn lực cho dự án nhà máy alumin Lâm Đồng 2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận