21/07/2023 11:28 GMT+7

Thạc sĩ Trần Mỹ Hải Lộc: Mê nghiên cứu, yêu hoạt động xã hội

Trần Mỹ Hải Lộc cho biết sẽ mang những dự án cộng đồng, các dự án xã hội điển hình tại Việt Nam giới thiệu với quốc tế.

Trần Mỹ Hải Lộc - Ảnh: NVCC

Trần Mỹ Hải Lộc - Ảnh: NVCC

Giữa tháng 7 này, thạc sĩ Trần Mỹ Hải Lộc - giảng viên khoa quan hệ quốc tế (Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) - là một trong ba diễn giả chính trình bày và phát biểu tại sự kiện Ngày kỹ năng thanh niên thế giới - UNESCO/UNEVOC được tổ chức trực tuyến.

Anh cho biết sẽ mang những dự án cộng đồng thực hiện cùng các đồng nghiệp, các dự án xã hội điển hình tại Việt Nam giới thiệu với quốc tế. Thạc sĩ Hải Lộc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ:

- Tôi chưa từng đặt mục tiêu phải chinh phục giải thưởng nào nhưng đam mê khoa học đã đem đến nhiều điều mà chính tôi có khi cũng bất ngờ. Tôi chỉ dám nhận mình mới chập chững vào con đường nghiên cứu khoa học và còn phải học hỏi rất nhiều từ người đi trước, đồng nghiệp, ngay cả sinh viên của mình.

Tôi thường ghi chép lại những gì mình thắc mắc, tìm xem thế giới đang quan tâm gì, tôi vẽ sơ đồ rồi bắt đầu nghiên cứu. Tôi tin cứ đi, cứ làm, cứ nỗ lực và chỉ cần mình làm thật tâm sẽ luôn được công nhận.

Thạc sĩ TRẦN MỸ HẢI LỘC

Bước khỏi vùng an toàn

* Nghiên cứu khoa học, làm dự án cộng đồng là sự nghiệp anh chọn?

- Tôi chưa từng nghĩ mình đam mê nghiên cứu khoa học và làm dự án cộng đồng. Rồi nghiên cứu đầu tiên về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của tôi đoạt giải nhì Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka (Thành Đoàn TP.HCM) năm 2013.

Nhờ đó tôi được khen thưởng Gương sáng tạo trẻ TP.HCM 2014 và còn được nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ. Tôi xác định đây chính là con đường mình phải đi.

Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, tôi tự nhìn lại và nghiệm ra sở dĩ cứ luẩn quẩn trong bộn bề suy nghĩ và thu mình lại là do chưa dám bước ra khỏi vùng an toàn. Tôi hình thành và thực hiện các dự án cộng đồng như một cách bước ra khỏi vùng an toàn, khám phá bản thân, cũng là cách cho đi để nhận lại.

* Giải thưởng một góc nào đó có thể xem là thước đo, ghi nhận và đánh giá thành quả của một người. Anh tự "định giá" thế nào đóng góp của mình cho khoa học, cộng đồng?

- Tôi nghiên cứu để có thêm kinh nghiệm, bài học thực tiễn rồi chia sẻ cho sinh viên mỗi giờ giảng.

Việc giảng dạy trên giảng đường lúc này không còn "thầy nói trò nghe" mà người thầy cần thay đổi mỗi ngày, mang kinh nghiệm thực tiễn đến sinh viên. Đây là lý do tôi chuyển qua giảng dạy sau thời gian cống hiến tại cơ quan ngoại giao của Ấn Độ.

Phải làm thật, liêm chính khoa học

* Bằng trải nghiệm cá nhân, anh cho rằng các bạn trẻ nếu muốn dấn thân vào nghiên cứu, làm các dự án quốc gia, quốc tế cần chuẩn bị gì?

- Đầu tiên phải là liêm chính khoa học. Phải làm thật, đạt thật và tôn trọng ý kiến của những người xung quanh. Tâm thế tích cực và đam mê là động lực quan trọng để các bạn vượt qua những thách thức trong quá trình nghiên cứu.

Bạn cần xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc trong lĩnh vực quan tâm. Phải đọc sách, tham gia khóa học trực tuyến hoặc tham gia các khóa học tại trường đại học. Rất cần áp dụng tư duy phản biện, tiếp cận vấn đề, tư duy logic, thu thập và phân tích dữ liệu mà mình đang thực hiện.

Điều cần khác là sự kiên nhẫn, sẵn sàng học hỏi và xây dựng mạng lưới kết nối. Những yếu tố này rất quan trọng khi dấn thân nghiên cứu các dự án quốc gia, quốc tế. Quan trọng nữa là phải biết cách đối mặt với thất bại, học hỏi từ sai lầm và phát triển. Việc này giúp chúng ta kết nối với các chuyên gia, những người có cùng đam mê để phát triển sự nghiệp nghiên cứu của mình.

* Sinh viên vừa phải đảm bảo việc học, vừa được khuyến khích nghiên cứu, trau dồi kỹ năng và cả tham gia hoạt động cộng đồng, có quá tải chăng?

- Tôi thường chia sẻ với sinh viên rằng bằng cấp đẹp sẽ là một trong những yếu tố tạo nên hồ sơ đẹp. Nhưng đó không là tất cả để quyết định ứng viên hoàn thành tốt công việc vì còn những yếu tố khác không kém phần quan trọng.

Các nhà tuyển dụng luôn muốn tìm người có thể triển khai được công việc ngay chứ họ ít khi muốn mất thêm thời gian để đào tạo lại mà không đảm bảo ứng viên sẽ làm việc lâu dài. Do đó, trong thời gian học, các bạn sinh viên nên biết chia sẻ thời gian, cân bằng giữa việc học, nghiên cứu, trau dồi kỹ năng và cả tham gia hoạt động cộng đồng.

Chúng ta có thể không thành công rực rỡ nhưng sẽ thành nhân toàn diện bằng những trải nghiệm sẻ chia của mình.

* Anh mang gì đến sự kiện Ngày kỹ năng thanh niên thế giới?

- Trong bài thuyết trình trực tuyến của mình, tôi nói đến các dự án cộng đồng do tôi cùng đồng nghiệp thực hiện suốt những năm qua cho giới trẻ tại TP.HCM, những dự án nổi bật trên các nền tảng mạng xã hội của các bạn trẻ, chẳng hạn như Sài Gòn Xanh...

Tôi cũng giới thiệu về chuỗi Ngày hội kỹ năng làm việc cho tương lai mà chúng tôi đang phối hợp cùng Viện Nghiên cứu ứng dụng và đào tạo Mekong và TP Hồng Ngự (Đồng Tháp) dành cho học sinh ở đây, phấn đấu đưa địa phương này vào mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO.

Ngoài ra còn một dự án cá nhân sắp tới liên quan về chủ quyền của Việt Nam bằng bốn ngôn ngữ để lan tỏa ra quốc tế.

Năm 2022, giảng viên trẻ Hải Lộc được Hội đồng quốc tế về giáo dục, nghiên cứu và đào tạo Ấn Độ trao ba giải thưởng quốc tế gồm: International Excellence Award-2022 in Research, Shiksha Ratan Award-2022 và Global Youth ICON Award-2022.

Anh cũng được nhà trường tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu và được hiệu trưởng khen thưởng khi có tổng số giờ nghiên cứu khoa học vượt trội trong hai năm liên tiếp.

Nhà hoạt động xã hội 13 tuổiNhà hoạt động xã hội 13 tuổi

TT - Năm McKenna Pope 13 tuổi, cô bé đã dám gửi bức thư kiến nghị với 45.000 chữ ký ủng hộ để thuyết phục hãng đồ chơi Mỹ Hasbro thay đổi mẫu thiết kế lò nướng bánh cho trẻ em.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên