15/02/2018 23:00 GMT+7

Tha hương, tôi đã thương nhớ cái mùi vị đặc trưng của Tết

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

TTX - Thời khắc giao thừa chạm ngõ ở quê hương, chúng tôi đã đứng cạnh nhau ở bancông, vai tựa vai, hướng về quê nhà tít tắp phía chân trời.

Tha hương, tôi đã thương nhớ cái mùi vị đặc trưng của Tết  - Ảnh 1.

Quê hương xa nhưng đã về rất gần cùng hơi ấm của nồi bánh chưng giữa mùa đông nước Bỉ - Ảnh: LÊ NGỌC HÀ

npqm

Tác giả qua nét cọ của Thế Thông

Nguyễn Phan Quế Mai là tác giả của tám quyển sách ở các thể loại thơ, du ký và truyện dài. Hai tác phẩm viết bằng tiếng Anh của chị - tiểu thuyết The mountains sing (Những ngọn núi ngân vang) và quyển sách Searching for earth cakes and sky cakes (Đi tìm bánh chưng, bánh giầy) - đã được Nhà xuất bản Algonquin Books và Benchmark Education mua bản quyền để phát hành tại Mỹ. Quế Mai tốt nghiệp chương trình thạc sĩ viết văn, Đại học Lancaster (Anh) và hiện đang nghiên cứu tiến sĩ.

Tôi hiểu được rằng mỗi con người, nếu có sự lựa chọn, không ai muốn bị bứt ra khỏi quê hương bản xứ. Và tôi cũng tin rằng mỗi người Việt tha hương đều mong ước được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn vào dịp Tết cổ truyền

Nguyễn Phan Quế Mai 

Mỗi năm, khi những cơn gió mùa xuân lồng lộng thổi về, tôi lại như một cái cây bị những cơn gió ấy lay cho rụng lá, tôi lại run lên trong cái lạnh của sự tha hương. Và tôi đã luôn phải sưởi ấm mình bằng sự trở về.

Vào cái Tết xa xứ đầu tiên của tôi đầu những năm 1990, khi còn là một sinh viên 19 tuổi nghèo rớt mùng tơi, lẻ loi giữa thành phố Melbourne (Úc) sầm uất, tôi chỉ có thể trở về bằng ký ức. 

Tôi đã chắt chiu tiền học bổng định mua vé máy bay về Sài Gòn rồi đón một chiếc xe đò về với cha mẹ tôi ở Bạc Liêu, nhưng chương trình học dày đặc không cho phép tôi làm như vậy.

Khi Tết đã cận kề, tôi ngồi đó giữa ký túc xá bốn bề vắng lặng, thao thức thèm hít đầy lồng ngực mùi khói bếp cay xè sống mũi bay trên những ngôi nhà mái lá của xóm tôi, mùi bùn mượt như nhung khi tôi cùng các anh tôi tát nước, bắt cá, bán cho những người hàng xóm để rồi những đồng tiền đẫm ướt mồ hôi của chúng tôi líu ríu theo chân mẹ tôi ra chợ chuẩn bị cho Tết. 

Tôi thèm được hít hà mùi thơm ngậy của mứt dừa, mứt gừng tỏa lên từ bập bùng bếp lửa của mẹ tôi, cùng mùi thơm dịu ngọt đẫm vào không gian từ nồi bánh chưng của cha tôi. 

Tôi thèm được tan mình vào hương thơm của những nén nhang khi đứng trước bàn thờ của tổ tiên tôi hoặc khi lon ton cùng mẹ đến chùa cầu mong cho một năm mới an bình.

Vào mùa xuân xa xứ đầu tiên ấy, tôi đã cùng bạn bè - những du học sinh người Việt - cố gắng chuẩn bị một bữa tiệc Tết thật thịnh soạn để thết đãi thầy cô và những người bạn đến từ các quốc gia khác. 

Chúng tôi đã săn lùng thực phẩm và gia vị từ các cửa hàng ở vùng Footscray, nơi có nhiều người Việt sinh sống và cách ký túc xá của chúng tôi hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Chúng tôi đã cùng nhau gói bánh chưng và nấu những món ăn truyền thống của cả hai miền Nam Bắc. Đó là một bữa tiệc ấm áp và đầy ắp tiếng cười.

Nhưng bữa tiệc đó không thơm hương vị Tết như tôi mong đợi: không có mùi hương trầm tỏa từ bàn thờ của tổ tiên tôi, không có mùi thơm của đồng tiền mừng tuổi từ cha mẹ tôi hay mùi của tà áo mới mà mẹ đã dành dụm cả năm để may cho tôi. 

Cũng không có mùi rộn rã của đất trời và cỏ cây hoa lá tràn trề nhựa sống, đang căng mình đợi giao thừa đến để đâm lộc nảy chồi.

Tôi đã thương nhớ cái mùi vị đặc trưng của Tết trong suốt 5 năm ở Úc. Những năm ấy vì vừa đi học vừa đi làm, hầu như tôi đã không thể trở về quê hương đón mùa xuân mới cùng gia đình. 

Trong những cái Tết ấy, tôi đã có cơ hội dự nhiều bữa tiệc Tết do các sinh viên hoặc cộng đồng người Việt tổ chức, với đầy đủ các món ăn truyền thống. 

Nhưng trong tôi vẫn nôn nao một sự trống trải. Sự trống trải đó chỉ được lấp đầy vào ngày ba mươi Tết của một năm, khi tôi đến thăm cặp vợ chồng người Việt đã lớn tuổi có ba đứa con đang làm việc ở các tiểu bang khác và không thể đón Tết ở nhà. 

Bên họ, tôi cảm thấy như được về bên cha mẹ - những người cũng phải đang phải một mình giữa mùa xuân mới bởi ba anh em tôi đều đi học xa.

Hôm đó, khi giao thừa sắp đến, cặp vợ chồng bắt đầu kể với tôi về chuyến hành trình vượt biển của họ vào đầu những năm 1980 trên một con thuyền nhỏ chơi vơi như một chiếc lá giữa những con sóng cao ngút của đại dương. 

Họ kể cho tôi nghe về cái màu tím thẫm của nước biển; tím bởi đói khát và tuyệt vọng, cho đến nỗi cả chân trời và bầu trời cũng tím. Rồi họ nói với tôi rằng ước nguyện cuối đời của họ là được về Việt Nam vào dịp Tết, được quỳ trước ngôi mộ tổ tiên.

Tha hương, tôi đã thương nhớ cái mùi vị đặc trưng của Tết  - Ảnh 5.

Tết là lúc người Việt xa xứ hướng về quê hương với lòng thương nhớ và tự hào - Ảnh: LÊ NGỌC HÀ

Càng đi, tôi cànghiểu rằng Tết không chỉ thiêng liêng, mà Tết trao tặng người Việt xa xứ cơ hội hướng về quê hương với niềm tự hào và kiêu hãnh.

Nguyễn Phan Quế Mai

Thời khắc giao thừa chạm ngõ ở quê hương, chúng tôi đã đứng cạnh nhau ở bancông, vai tựa vai, hướng về quê nhà tít tắp phía chân trời. 

Biết rằng không nên khóc, nhưng nước mắt của chúng tôi không thể không rơi. Lúc đó, hơn bao giờ hết, tôi mới hiểu được rằng mỗi con người, nếu có sự lựa chọn, không ai muốn bị bứt ra khỏi quê hương bản xứ. 

Và tôi cũng tin rằng mỗi người Việt tha hương đều mong ước được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn vào dịp Tết cổ truyền.

 Từ năm ấy, Tết trong tôi còn có mùi thương cảm đối với những người Việt xa xứ. Tôi thương các bạn tôi phải đón Tết ở Bangladesh, ngay trong công sở, giữa tiếng nguyện cầu văng vẳng từ các nhà thờ Hồi giáo. 

Tôi thương những giọt nước mắt của các kiều bào trong bữa tiệc mừng xuân do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại Philippines, những giọt nước mắt ấy đã rơi khi một ca sĩ đến từ Việt Nam cất lên tiếng hát về một mùa xuân xa xứ. 

Tôi thương bàn tay của các chàng trai cô gái ở những xứ sở mà tôi đã qua, những bàn tay chưa quen bếp núc nhưng đã hội tụ về bên nhau mỗi dịp Tết đến để cùng làm giò chả, gói bánh chưng, bánh tét.

Càng đi, tôi càng hiểu rằng Tết không chỉ thiêng liêng, mà Tết trao tặng người Việt xa xứ cơ hội hướng về quê hương với niềm tự hào và kiêu hãnh. Tết là sợi dây nối chúng tôi với cội nguồn và với cộng đồng người Việt. 

Tôi chạm vào sự dẻo dai của sợi dây ấy vào Tết Bính Thân năm 2016 khi vừa chân ướt chân ráo tới Brussels, thủ đô nước Bỉ. Quanh tôi là mùa đông vần vũ. Thật may, cánh cửa của đại sứ quán Việt Nam đã mở ra, đón tôi trở về quê nhà qua một cái Tết đầm ấm và đầy xúc động.

Ở đó, nơi cách xa quê hương ngàn dặm, tôi lại được trôi trong tiếng Việt trầm bổng, được tan vào Tết qua bao món ăn truyền thống mà các nhân viên đại sứ quán tự chuẩn bị để thết đãi cộng đồng. 

Ở đó, tôi đã ùa vào những vòng tay rộng mở, để rồi trở thành một chấm nhỏ trong vòng tròn những người Việt ở Bỉ. 

Tết Đinh Dậu năm 2017, tôi được quây quần với những người bạn mới ở xứ sở sôcôla, bàn tay của chúng tôi ngượng nghịu gói ghém nhớ thương vào những chiếc bánh chưng vuông như cánh đồng xanh ngát của quê nhà, để rồi khi nồi bánh chưng được đặt lên bếp, bùng lên trong tôi mơ ước về cái Tết đoàn tụ của mọi người Việt, dù họ đang sống ở đâu trên trái đất này.

Những năm gần đây, Tết với tôi lại nồng nàn thơm khi ở những nơi cách Tổ quốc nhiều ngàn cây số, tôi được thấy những người cha ấp đôi tay khắc khổ của họ lên đôi tay mơn mởn của những đứa con, dạy cho chúng cách gấp lá dong, lá chuối để bánh chưng vuông và bánh tét tròn. 

Tết thơm mùi yêu thương khi tôi gặp những người mẹ quỳ xuống trước mặt con mình, giúp chúng cài khuy áo dài, niềm hãnh diện rạng rỡ trong đôi mắt. Và Tết có mùi hạnh phúc khi tôi gặp những đứa trẻ bập bẹ nói những câu chúc Tết bằng tiếng Việt, để rồi nhảy cẫng lên vui sướng khi nhận được bao lì xì.

Trong những lần được trở về đón Tết tại dải đất hình chữ S, tôi mơ hồ cảm nhận rằng hương vị Tết đang dần phai nhạt với nhiều người Việt trong nước. 

Ít ai tự gói bánh chưng, bánh tét, làm bánh giầy để cúng tổ tiên như nhiều người Việt tại hải ngoại. Và trong khi nhiều gia đình người Việt xa xứ đang cố gắng sum vầy vào dịp Tết, một số bạn trẻ trong nước chọn cách rời xa cha mẹ để rong ruổi trên những chuyến du lịch xa tít tắp.

Về nước vào dịp Tết, lòng tôi chùng xuống khi bắt gặp những đứa trẻ vẫn đắm mình vào thế giới của máy tính và điện thoại thông minh. 

Trong tôi trỗi lên ước muốn được đưa chúng về Tết của tuổi thơ tôi: trèo cây hái quả giúp mẹ làm mứt, cùng cha ra vườn cắt lá dong, lá chuối để gói bánh, xuýt xoa nếm thử những sợi mứt thơm lừng từ chiếc chảo đang bốc khói. 

Tôi tin hương thơm và mùi vị của những cái Tết như thế sẽ làm màu mỡ tâm hồn của những đứa trẻ. Điều đó thật cần thiết trong đời sống xô bồ, khô cằn và nhiều áp lực hiện nay.

Tháng 8-2017, gia đình tôi chuyển về sống và làm việc ở Indonesia. Khi đến thăm đảo Bali, những người dân nơi đây nói với tôi rằng ngày quan trọng nhất vào dịp Tết của họ có tên gọi là Nyepi - ngày hoàn toàn yên tĩnh. 

Vào ngày đó, cả hòn đảo yên ắng, không có chuyến bay nào hạ cánh hoặc khởi hành. Tất cả các gia đình tắt đèn và thắp nến. Không có ôtô, xe máy hoặc người đi bộ ngoài đường. Tất cả cửa hàng đóng cửa. 

Các khách sạn được yêu cầu phải kéo rèm che kín cửa sổ. Người Bali không làm gì vào ngày Nyepi. Họ chỉ giữ cho tâm trí trong trẻo và yên bình. Sự yên tĩnh đó thanh tẩy họ, giúp họ sẵn sàng cho một khởi đầu mới.

Và tôi mong ước vào Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 năm nay, sẽ có những gia đình người Việt đâu đó trên trái đất này tắt Internet, cất điện thoại. Họ sẽ quây quần bên nhau, tận hưởng sự gắn kết với tổ tiên, giữa con người với con người. 

Tâm trí náo động lo toan của họ sẽ lắng xuống, để rồi trong cái yên tĩnh trong như ngọc của Tết, họ có thể cảm nhận được mùi rộn rã của đất trời đang dâng lên quanh họ, nâng họ lên một bình minh mới và một năm mới an lành.

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên