Những cành hoa nhấp nháy là mối nguy cơ tiềm tàng cho các bé. Ảnh minh họa. Nguồn: ru.aliexpress.com
Tai nạn khi dọn nhà
Cuối năm, ai cũng muốn dọn dẹp nhà cửa khang trang để đón Tết. Thế nhưng, nếu sơ ý rất dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc.Thường xảy ra nhất là bị bong gân, rách da, thậm chí là gãy xương khi chùi rửa nhà cửa, trượt chân do xà bông lau sàn; té từ trên ghế hay thang xuống đất khi quét dọn mạng nhện, lau cửa… Cũng có trường hợp khi lau bông sắt cầu thang bị chỗ sắt nhọn làm xước tay chảy máu hoặc làm rớt đồ thủy tinh hay lư đồng vào chân khi dọn dẹp.
Việc bưng bê các chậu cây cảnh trang trí trong ngày Tết nếu quá nặng hoặc sai tư thế cũng dễ dẫn đến việc đau lưng, nặng hơn nữa có trường hợp sau khi bưng chậu mai rất nặng không đúng tư thế đã bị thoát vị đĩa đệm.
Để phòng ngừa đau vùng thắt lưng do vận động sai tư thế, bạn ôm chắc đồ vật đó bằng hai tay, nhấc đồ vật lên trong tư thế thẳng lưng (không được khom lưng), giữ đồ vật đó sát vào bụng, ở mức ngang ngực - thắt lưng. Khi di chuyển luôn giữ cột sống thẳng, bước đi bình thường, thoải mái. Nếu vật rất nặng thì cần nhiều người hợp sức và mọi người khi bưng đều cùng áp dụng cách trên.
Tai nạn trẻ em từ những vật tưởng chừng vô hại
Đón xuân về, trong mỗi nhà không thể thiếu cành mai, hay nhành đào được trang trí hệ thống đèn nhấp nháy cho thêm phần lộng lẫy lúc về đêm.
Nguồn điện để thắp sáng các bóng đèn này là mối nguy cơ tiềm tàng cho các bé. Bé có thể bốc tay vào các bóng đèn, những chỗ ráp nối điện bị hở, hoặc thậm chí có trường hợp bé đút cả ngón tay hoặc vật dụng bằng kim loại vào ổ cắm điện.
Giật điện rất nguy hiểm, có thể gây ngưng tim, tử vong tại chỗ. Ngoài ra, vết thương do phỏng điện, nhìn bên ngoài tuy rất nhỏ, nhưng thật sự tổn thương bên trong rất sâu, lâu lành.
Chú ý không nên đặt các chậu cảnh ở nơi thường xuyên qua lại vì trẻ có thói quen nắm bất cứ thứ gì trong tầm tay khi đi qua. Các đồ trang trí có thể chứa chì – một kim loại độc hại với trẻ nếu chúng lấy được và cho vào miệng ngậm.
Lưu ý không sử dụng các đồ trang trí sắc nhọn, dễ vỡ hoặc được ghép lại từ nhiều miếng nhỏ. Nên hạn chế các mối nối dây đèn trang trí và không bao giờ mắc dây điện chạy dọc cửa hoặc dưới thảm. Các ổ cắm điện cần được che phủ chắc chắn.
Phỏng cũng là một tai nạn thường gặp trong dịp Tết. Có trường hợp trẻ bị phỏng cả bàn tay do người lớn để những tô thức ăn nóng sau khi nấu xong trên bàn, vừa tầm với của trẻ.
Ngoài ra, do cha mẹ để những vật dụng đựng nước, đựng thức ăn nóng trên bàn ăn có trải khăn rủ xuống, khi trẻ nghịch ngợm kéo khăn trải bàn sẽ làm đổ thức ăn vào người. Nguy hiểm cũng có thể đến với bé khi té ngã vào nồi bánh chưng, bánh tét đang sôi sùng sục trên bếp hay nồi nước nóng để làm gà, vịt…
Ngoài ra hóc dị vật đường hô hấp ở trẻ khi sặc hạt dưa, hạt bí hoặc tiền xu... cũng khá nguy hiểm. Nếu trẻ đang chơi đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái có thể trẻ đã bị hóc dị vật. Nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám và gắp dị vật ra.
Chấn thương do tai nạn giao thông
Trong những ngày Tết, trẻ thường được bố mẹ chở đi chúc Tết hoặc đi chơi. Nhiều ông bố, bà mẹ chở con nhưng không chú ý nên để trẻ ngủ gật. Ngày Tết có nhiều phương tiện lưu thông ẩu nên dễ va chạm sẽ làm các bé ngã và bị chấn thương. Phòng ngừa, khi chở con đi du Xuân, bố mẹ cần tuân thủ tốt luật giao thông, cho trẻ ngồi trên ghế riêng, có dây an toàn buộc ngang người đề phòng bé ngủ gật.
Năm nào cũng vậy, khoa cấp cứu của các bệnh đều quá tải khi tiếp nhận bệnh nhân do tai nạn giao thông, phần lớn là do say xỉn khi uống rượu bia, chở ba, chở bốn lạng lách trên đường, không đội nón bảo hiểm… Thương vong trong những ngày thường đã là sự mất mát lớn, trong những ngày Tết lại càng đau lòng hơn.
Đôi khi chỉ một sự bất cẩn, một chút thiếu ý thức, bồng bột, hay phút nóng giận có thể chịu hậu quả cả đời. Đặc biệt là rượu, có thể thấy nó góp mặt thường xuyên nhất trong các ca thương vong, đó là thứ nên tránh xa, nhất là trong những ngày Tết đừng vì quá vui mà sa đà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận