Dù vậy, cứ mỗi khi Tết đến xuân về, cộng đồng người Việt ở lục địa đen cùng quây quần ăn Tết Việt theo phong tục truyền thống như ở quê nhà.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người Việt ở châu Phi. Nam Phi có khoảng 100 người Việt trên khắp đất nước, bao gồm cả cán bộ các cơ quan đại diện (tập trung ở thủ đô Pretoria) và Việt kiều, phần lớn là vợ Việt lấy chồng Nam Phi tập trung ở Cape Town.
Còn mấy nước mà Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm khác như Namibia, Eswatini, Botswana thì rất ít. Khu vực Trung Phi, Tây Phi, Đông Phi có nhiều lao động người Việt không chính thức.
Ăn 12 cái Tết ở Tanzania
Sang lập nghiệp tại Tanzania từ những năm 2010, anh Nguyễn Văn Dũng, 46 tuổi, đã ăn 12 cái Tết tại đất nước Đông Phi này. Anh Dũng chia sẻ: "Các nước châu Phi không ăn Tết âm lịch nên vào dịp Tết của mình, người lớn vẫn phải đi làm, trẻ con vẫn phải đi học, cuộc sống thường nhật vẫn hối hả".
Tuy nhiên, cũng như rất nhiều kiều bào người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại các nước châu Phi khác, mỗi năm anh Dũng lại mong đến dịp Tết cổ truyền để có dịp quây quần, sum họp cùng với cộng đồng người Việt và cũng để có cái "cớ" liên lạc với người thân, bạn bè trong nước, trao cho nhau những lời chúc mừng năm mới, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Vào những ngày Tết, tranh thủ thời gian nghỉ ngoài giờ làm việc, anh Dũng và cộng đồng người Việt tại Tanzania lại quây quần cùng nhau đón Tết, tham gia Tết cộng đồng cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania, cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh chưng, gói giò, làm nem…
Tuy không có lá dong để gói bánh chưng nhưng có thể hỏi xin hoặc mua lá chuối của người dân dùng thay thế. Anh Dũng cho biết: "Bên này người dân ít dùng lá chuối để gói đồ ăn như ở Việt Nam, nên thấy chúng tôi vào hỏi mua lá chuối thì họ thấy lạ lắm và cứ hỏi mua lá chuối để làm gì".
Để có không khí Tết, anh Dũng còn tự chế cành đào từ cành cây khô, gắn hoa giấy và chăng đèn nhấp nháy suốt mấy ngày Tết như kỷ niệm những ngày thơ bé, đồng thời bật những bài nhạc xuân, nhạc Tết rộn ràng.
Hai cái Tết năm 2021 và 2022 khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, vợ con anh Dũng phải quay về Việt Nam tránh dịch. Anh kể những ngày đón Tết xa gia đình thời dịch bệnh làm anh nhớ lại những năm đầu tiên khi mới sang Tanzania, phải ăn Tết một mình, nhớ nhà, nhớ không khí Tết quê hương đến rơi nước mắt.
Anh Dũng nhớ lại: "Hồi đó phương tiện liên lạc tại Tanzania còn hạn chế. Tôi nhớ một phút gọi điện về Việt Nam đắt hơn cả một lít xăng, nạp cái thẻ 10 - 20 USD gọi về nhà lúc giao thừa vèo cái là hết".
Anh Dũng nhớ lại phải đến những năm 2014 - 2015, Internet tại đất nước châu Phi này tốt lên, lại thêm có sự xuất hiện của Công ty Halotel (Viettel Tanzania), việc liên lạc về Việt Nam mới thuận tiện hơn, giúp vơi bớt đi nỗi nhớ nhà của những người con xa xứ mỗi dịp Tết đến.
Đến nay khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, việc đi lại giữa các nước đã được khai thông, đối với anh Dũng "xuân này mới thật là xuân" khi không còn tâm lý phải ăn Tết xa nhà, xa người thân mà không biết đến lúc nào mới có thể thực sự quây quần, gặp gỡ đã không còn nữa.
Nỗi nhớ Tết 22 năm
Cũng giống như anh Dũng, chị Phan Thị Nhung, Việt kiều đang sinh sống tại Eswatini - quốc gia nhỏ bé phía nam châu Phi - cũng vui mừng khi tình hình dịch bệnh đã lùi xa, việc đi lại giữa các nước châu Phi đã được khôi phục bình thường.
Chị Nhung cho biết tại Eswatini (tên cũ là Swaziland), cộng đồng người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong hai năm vừa qua, do dịch bệnh COVID-19, rất nhiều người cũng đã về nước tránh dịch. Chính vì vậy việc cùng nhau tổ chức ăn Tết tại Eswatini thực sự là không thể.
Chị Nhung cho biết trước đây mỗi dịp Tết, chị thường đi sang Nam Phi, quốc gia giáp Eswatini, để cùng hòa chung với không khí ăn Tết cộng đồng tại đây.
Tuy nhiên Tết năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng toàn cầu, Nam Phi là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh khiến Chính phủ Nam Phi phải đóng cửa biên giới với tất cả các nước.
Chị Nhung không thể sang Nam Phi đón Tết mà chỉ có thể trang hoàng nhà cửa với hoa, nấu một vài món ăn đơn giản để cúng tổ tiên, thắp hương bàn thờ Phật vào ngày Tết.
Chị cho biết: "Bên này cũng có tiệm bán đồ châu Á nhưng rất ít đồ, thường thì chỉ mua được một chút gạo nếp, đỗ xanh về làm xôi vò, nấu món thịt kho trứng truyền thống của miền Nam mà thôi". Cộng đồng người châu Á cũng rất nhỏ nên hoàn toàn không có được không khí Tết như ở các nước khác.
Mùa xuân ở châu Phi thường rơi vào tháng 9, tháng 10. Chính vì vậy, không khí Tết quê hương đến với chị Nhung nhiều khi từ tháng 9, tháng 10, khi những cây hoa đào đâu đó bắt gặp trên đường phố nở rộ.
Chị Nhung kể cứ nhìn thấy hoa đào là nhớ Việt Nam, nhớ Tết quê hương. Có khi tình cờ nhìn thấy cành hoa lay ơn hay thấy trái thanh long bán ở chợ cũng phải mua bằng được mang về nhà chưng hay thắp hương để nguôi ngoai nỗi nhớ Tết Việt.
Tết Nhâm Dần 2022, khi những quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Nam Phi đã được nới lỏng đôi chút, chị Nhung cùng chồng (người Mali) và con trai (4 tuổi) qua biên giới vào Nam Phi để thăm, chúc Tết một số anh em cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Pretoria và thành phố Johannesburg.
Chị đã rất xúc động khi nhận được một cái bánh chưng do Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi tổ chức gói phục vụ cho Tết cộng đồng và làm quà Tết cho kiều bào sinh sống tại Nam Phi. Bánh chưng được gói bằng lá dong và buộc lạt "xách tay" từ Việt Nam sang từ trước Tết.
Nhận chiếc bánh chưng đậm hương vị và nguyên liệu truyền thống, chị Nhung không khỏi bùi ngùi nhớ lại những cái Tết quê hương. Chị nhớ những nồi bánh chưng, bánh tét, nhiều khi cả xóm nấu chung một nồi, ngồi quây quần chờ luộc bánh và cùng chơi bầu cua tôm cá, tú lơ khơ… đầy ắp tiếng cười.
Chị Nhung bày tỏ chị luôn mong mỏi ngày được về quê hương ăn một cái Tết Việt thực sự vì đã 22 năm nay chị chưa có cơ hội về nước vào đúng dịp Tết.
Gian nan tìm lá gói bánh chưng
Với những người con xa xứ, việc gói bánh chưng là một phần không thể thiếu mỗi khi đón Tết Nguyên đán. Thấy bánh chưng là thấy Tết về.
Tuy nhiên, việc gói bánh chưng với cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi không đơn giản, nhất là phần vật liệu để gói bánh. Các nguyên liệu làm bánh như gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, mắm, muối, tiêu thì đơn giản, nhưng tìm được thứ lá thay thế cho lá dong truyền thống là cả một câu chuyện dài.
Anh Anh Tuấn, hiện sinh sống và công tác ở thủ đô Pretoria, cho biết trước đây cộng đồng người Việt Nam thường chờ có dịp có người Việt Nam sang Nam Phi sẽ "xách tay" những tập lá dong và lạt sang để gói bánh chưng ngày Tết.
Tuy nhiên, nhiều khi thời điểm Tết và người từ Việt Nam sang lại không trùng khớp, đôi khi sang trước vài tháng phải mang lá dong và lạt sang trước để trữ đông rồi đến trước Tết mới mang ra rã đông gói bánh.
Chính vì vậy sau nhiều cái Tết ở Nam Phi, anh Tuấn luôn đau đáu tìm nguyên liệu thay thế cho lá dong để gói bánh chưng. Những tưởng thứ lá dân dã và gần gũi với người Việt Nam cũng có thể dễ dàng tìm thấy ở Nam Phi, nhưng hóa ra không giống như ở Tanzania, anh Tuấn hầu như không thấy cây chuối, lá chuối ở khu vực anh sinh sống.
Mãi đến khi có chuyến công tác xa đến tỉnh Mpumalanga, cách thủ đô Pretoria 400km về phía đông, anh Tuấn mới thấy bạt ngàn chuối của các trang trại thuộc hợp tác xã (lớn nhất tại Nam Phi) như trên phim thật.
Phấn khích vì nghĩ đến những chiếc bánh chưng Tết xanh màu lá chuối, anh Tuấn chạy xe hàng chục cây số tìm được cổng vào của trang trại trồng chuối và tặng bảo vệ một gói cà phê hòa tan Việt Nam để xin mua bằng được lá chuối tại đây.
Tuy nhiên, anh Tuấn kể: "Lá chuối ở Nam Phi rất dày, cứng, giòn, không giống như lá chuối ta nên khó gói và không có được màu xanh cho bánh chưng như mong muốn".
Không nản, anh Tuấn lại tìm hiểu những phương án thay thế khác, cứ thấy các loại lá cây tương tự như lá dong là tìm hiểu xem đó là loại lá gì, có độc không. Anh Tuấn và các anh chị em còn thử nghiệm gói bánh chưng bằng lá tre của Trung Quốc, lá chuối của Thái Lan được bán ở chợ châu Á hay chọn những lá nghệ, lá riềng bản to để gói bánh chưng.
Sau nhiều năm gói bánh chưng ở Nam Phi, anh Tuấn cho biết lý tưởng nhất vẫn là có được lá dong "xách tay" từ Việt Nam hoặc tìm được nguồn lá chuối ta mỏng và dai.
Tuy nhiên, để tạo không khí Tết khi không "xách tay" được, việc sử dụng những vật liệu khác cũng là một sự lựa chọn, nhất là khi mọi người được quây quần, cùng nhau rửa lá, vo gạo, đổ đỗ, ướp thịt và cùng chia sẻ với nhau những cách gói bánh chưng, kể cho con cháu những kỷ niệm về ngày Tết truyền thống, về những đêm ngồi trông nồi bánh chưng, về bánh pháo đỏ ngày Tết.
Dù ăn Tết ở châu Phi không đủ đầy như ở Việt Nam nhưng cộng đồng người Việt ở đây cứ mỗi dịp Tết cổ truyền không ngại đường xa đi chúc Tết, mừng tuổi, quây quần cùng nhau làm bánh chưng và các món ăn ngày Tết khác… Ấm áp như vậy phần nào giúp cho những người con xa xứ nguôi ngoai nỗi nhớ Tết quê nhà…
* Anh Dewald Jacobus Visagie (có vợ Việt ở Johannesburg, Nam Phi): Tết Việt thực sự rất thú vị
Tôi chưa bao giờ có cơ hội ăn Tết ở Việt Nam. Tôi và vợ đã nhiều lần có kế hoạch về Việt Nam ăn Tết, vì vợ tôi đã kể với tôi rất nhiều về Tết cổ truyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, hai năm qua dịch bệnh COVID-19 đã làm chúng tôi chưa thể thực hiện được kế hoạch này.
Rất may là đầu năm 2022 tôi và vợ được tham gia chương trình đón Tết mang tên "Xuân quê hương" do Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi tổ chức cho người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nam Phi. Đây là lần đầu tiên tôi được biết không khí Tết Việt Nam.
Vợ tôi đã giải thích cho tôi về hoa đào và hoa mai cũng như sự khác nhau giữa miền Bắc và miền Nam khi chưng hoa ngày Tết. Tôi được nếm thử những món ăn truyền thống ngày Tết ở Việt Nam như bánh chưng, giò thủ, nem rán và canh măng. Hôm đó tôi cũng được gặp rất nhiều người Việt Nam, mọi người đều rất vui vẻ và ăn mặc rất đẹp.
Tôi cũng được chứng kiến phong tục mừng tuổi cho trẻ em và người lớn tuổi. Mọi người đều rất hồ hởi, chạm cốc chúc mừng nhau. Tết của người Việt Nam thực sự rất thú vị. Tôi rất mong có thể được trải nghiệm ăn Tết ở Việt Nam trong những năm tới.
Chúc mừng năm mới!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận