09/02/2021 17:06 GMT+7

Tết ở bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam tại Nam Sudan: Hồi hộp chờ gạo nếp

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Đón cái Tết thứ hai ở Nam Sudan là điều không ai ngờ đối với tập thể Bệnh viện dã chiến Việt Nam 2.2. Năm nay bệnh viện một lần nữa tổ chức gói bánh chưng, văn nghệ, trang trí đón Tết. Trong lòng ai cũng nhớ và thèm không khí Tết quê nhà.

Tết ở bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam tại Nam Sudan: Hồi hộp chờ gạo nếp - Ảnh 1.

Bệnh viện dã chiến Việt Nam 2.2 tại Bentiu, Nam Sudan tổ chức gói bánh chưng ngày 9-2 - Ảnh: TRỌNG NGHĨA

Ngày 5-2, trung tá - bác sĩ Lương Thương Nghiệp và trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thanh Tùng được giao nhiệm vụ lên thủ đô Juba mua đồ chuẩn bị Tết.

Do đoàn tiền trạm của bệnh viện số 3 không sang được như dự kiến, hàng tiếp tế từ Việt Nam gửi sang bị trễ, kế hoạch tổ chức liên hoan Tết của bệnh viện bị thiếu nhiều thứ.

Trước tình hình mới, trung tá - bác sĩ Võ Văn Hiển - giám đốc Bệnh viện dã chiến Việt Nam 2.2 - cho tăng cường mua thêm gà, dê, bò ở Bentiu để tăng cường bữa cơm ngày Tết cho đơn vị.

Từ Juba, ngày 27 Tết, anh Nghiệp báo về cho biết khả năng không có gạo nếp để mua hoặc nếu mua được thì số lượng rất ít. Nghe tin, toàn bộ bệnh viện chuẩn bị tinh thần ăn tết thiếu bánh chưng, một chút buồn không ai nói ra. 

Tại Juba, trung tá Nguyễn Bá Hưng - chỉ huy trưởng Lực lượng Việt Nam tại Nam Sudan - đã sắp xếp để bệnh viện có thể tìm cách đi vay gạo nếp của các đơn vị Thái Lan, Trung Quốc. Vào giờ chót, anh Nghiệp báo tin mừng là đã xoay xở được 25kg nếp.

Ở căn cứ Bentiu, mọi người tức tốc đi mua lá chuối. Ngày 28 âm lịch (9-2) nếp về, 15kg nếp được lấy để gói 30 chiếc bánh chưng, còn lại 10kg để dành.

Tết ở bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam tại Nam Sudan: Hồi hộp chờ gạo nếp - Ảnh 2.

Bệnh viện dã chiến Việt Nam 2.2 tại Bentiu, Nam Sudan tổ chức gói bánh chưng ngày 9-2 - Ảnh: TRỌNG NGHĨA

Năm 2020, khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chưa có ở Nam Sudan, tiệc năm mới của bệnh viện mời khá nhiều khách. Tuy nhiên, hoạt động đón tết năm nay chỉ gói gọn trong phạm vi bệnh viện và khoảng 3-4 quan sát viên quân sự người Việt Nam đang công tác tại Nam Sudan.

Theo kế hoạch, thời điểm giao thừa, trừ 2 người gác, trực cấp cứu và trực giám sát COVID-19 (các ca sốt nghi ngờ), các thành viên khác của bệnh viện sắp xếp tham dự xem văn nghệ và tiệc countdown theo thời điểm giao thừa Việt Nam (trước Nam Sudan 5 tiếng).

Một năm vượt khó

Sau hơn một năm công tác, trung tá Nguyễn Quang Chiến - phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện dã chiến 2.2 - chia sẻ với Tuổi Trẻ:

"Kể từ khi tiếp nhận bàn giao bệnh viện (tháng 11-2019), Bệnh viện 2.2 đã khám điều trị 1.700 bệnh nhân; thực hiện 28 ca mổ, trong đó có 11 ca mổ lớn; vận chuyển đường không lên trên 8 ca.

Trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề đại dịch COVID-19, bệnh viện luôn duy trì khám chữa bệnh không gián đoạn bất kỳ thời điểm nào, duy trì số hotline 24/7 tiếp nhận bệnh nhân, vừa chống dịch vừa khám điều trị".

Anh Lê Trọng Nghĩa - thượng úy, điều dưỡng khoa khám bệnh của Bệnh viện dã chiến 2.2 - chia sẻ tình hình thực tế: Đón cái Tết thứ 2 ở Nam Sudan là điều ít ai nghĩ sẽ xảy ra khi bước chân lên máy bay "ngựa thồ C17" của Không quân Hoàng gia Úc năm 2019. Năm 2020 là một năm khó khăn về mọi mặt do đại dịch COVID-19 với 63 cán bộ bệnh viện.

Phần lớn không được giải quyết đi phép; thời gian công tác kéo dài hơn 12 tháng. Hàng tiếp tế Tết Nguyên đán tới muộn; phải dùng mì tôm hết hạn; lương khô hết hạn; sữa, ngũ cốc cận hạn...

Mới đây, Cục Gìn giữ hòa bình thông báo ngày về của bệnh viện sẽ bị lùi lại thêm khoảng 1 tháng nên ngày Tết càng làm nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, Tổ quốc thêm cháy bỏng.

Dù vậy, anh Nghĩa cho biết: "Chắc chắn chúng tôi sẽ vẫn vui vẻ để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải khắc phục bằng được mọi khó khăn gian khổ".

Bệnh viện dã chiến Việt Nam tại Nam Sudan được trao huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Bà Hiroko Hirahara, trưởng căn cứ tiền phương Bentiu của phái bộ, cho biết bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch tại căn cứ Bentiu, đóng góp tích cực để triển khai các kế hoạch ứng phó, tuân thủ nghiêm các quy định của phái bộ cũng như Tổ chức Y tế thế giới.

"Các bạn đã thực hiện những biện pháp chuyên nghiệp và hiệu quả để ngăn chặn COVID-19 lây lan trong bệnh viện, bảo đảm môi trường an toàn cho các bệnh nhân đang được điều trị. Các nhân viên Liên Hiệp Quốc ở đây ghi nhận những nỗ lực của các y sĩ, bác sĩ Việt Nam.

Các bạn đã giúp họ cảm thấy an toàn và thoải mái khi tới Bệnh viện dã chiến 2.2 điều trị. Bất chấp những khó khăn do đại dịch, bệnh viện vẫn duy trì liên tục hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe và mang lại chỗ dựa tinh thần cho mọi người".

Việt Nam lần thứ 3 cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Nam Sudan Việt Nam lần thứ 3 cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Nam Sudan

TTO - Ngày 23-12, Cục Gìn giữ hòa bình (Bộ Quốc phòng) phối hợp Bệnh viện Quân y 175 khai mạc huấn luyện thực hành tổng hợp Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên