“Dù đời sống còn khổ nhưng đây đó vẫn có những người tốt bụng như tiếp thêm nghị lực cho tôi trên đường mưu sinh” - chị Huỳnh Thị Thuận - Ảnh: Hà Mi |
Không như ngày ấy, tết này chị lại phải xa con.
Sau cái tết năm ấy, người phụ nữ quê Khánh Hòa vẫn ngồi trên xe lăn bán vé số ở ngã tư Tân Phong, P.Tân Phong, TP Biên Hòa (Ðồng Nai) để tiếp tục cuộc mưu sinh của chính mình.
Dù được nhiều người giúp đỡ nhưng sau lần bị lừa đổi vé và bị giật mấy trăm tờ vé số, cuộc sống của chị chưa có gì thay đổi lớn. Chị vẫn bám trụ ở ngã tư bán vé số kiếm đồng lời để nuôi bản thân và chắt chiu ít tiền gửi về quê cho con ăn học.
Gặp lại chúng tôi, chị Thuận tâm sự: “Mình tật nguyền tay chân nên chẳng ai thuê ai mướn, chỉ biết bán vé số để kiếm sống qua ngày”.
Khi được các nhà hảo tâm hỗ trợ, chị đã gom góp trả nợ, mua được miếng đất mấy chục mét vuông ở quê Ninh Hòa (Khánh Hòa), giờ chị vẫn để đó cho con trai. “Muốn về quê để ổn định, gần con trai nhưng nếu về cũng không biết làm gì để đời sống khá hơn”, chị nói.
Trở lại nơi chị Thuận bán vé số từng bị cướp, nhắc “chị Thuận vé số” ở ngã tư Tân Phong hầu như ai cũng biết. Vẫn đôi chân, đôi tay dị tật bẩm sinh, chị Thuận tự xoay xở cuộc sống bằng chính mồ hôi của mình.
Người dân ở đây kể trời hừng sáng đã thấy chị Thuận lụi cụi đồ đạc, che chiếc dù rồi nhờ người bồng lên xe lăn, bày vé số ra bán. Chị ngồi đấy với chiếc nón che nắng và đón khách dừng chân mua vé số. Ðến giờ ăn, chị nhờ người quen mua đồ rồi ngồi trên xe ăn uống cả những lúc mưa, lúc nắng.
Chị Thuận tâm sự cuộc sống còn khổ nhưng có lúc thấy tình người mênh mông như tiếp thêm nghị lực cho chị vượt qua những lúc trăn trở, khốn khó. Chị kể có hôm khách mua vé số thấy chiếc xe lăn của chị bị mục, không đẩy được nên kiếm đâu một chiếc xe cũ giúp chị mưu sinh.
“Những lúc đó tôi thấy ấm lòng vì biết trên đời này còn nhiều tấm lòng, còn nhiều hoàn cảnh cơ cực hơn mình nữa” - chị nghẹn giọng.
So với hai năm trước chị hốc hác, đen đúa hơn. Chị nói bán vé số cũng ít khách, ít tiền lời nên không còn thuê nhà trọ ở huyện Vĩnh Cửu vì đi - về rất cực nhọc. Chị thuê một căn nhà trọ gần nơi bán vé số có giá rẻ hơn để ra vào cho tiện, không phải tốn tiền xe ôm chở đi.
Ngày nào bán vé số ế ẩm không đủ trang trải cuộc sống, chị lấy thêm vé số rồi thuê người đẩy chị đi bán dạo vào ban đêm. “Mỗi ngày kiếm trên 100.000 đồng mới đủ tiền ăn uống, tiền nhà trọ”- chị tâm sự. Ðã lâu chị cũng không có điều kiện về quê. Lúc nhớ con, chị gọi điện hỏi thăm và dặn dò con cố gắng học hành.
Hỏi năm nay có về quê ăn tết không, chị nhìn xa xăm rồi bảo đi lại khó khăn, tốn kém nên đã quyết định ở lại TP Biên Hòa bán vé số ba ngày tết kiếm thêm tiền. Vậy là sau lần về tết 2013, chị đã hai năm liền ăn tết xa con.
Hỏi đã chuẩn bị tết ra sao, chị bật cười: “Ở trọ mà tết cái gì! Vừa rồi phường Tân Phong có ghé thăm cho gạo, quà tết là đủ rồi”.
Số báo tất niên tết 2013 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận