22/01/2023 09:46 GMT+7

Tết có nên uống và đãi khách bằng rượu bổ?

Tôi có mấy bình rượu bổ, muốn Tết mang ra tiếp khách nhưng mọi người nói mỗi loại rượu bổ phải phù hợp với từng người. Xin hỏi, dùng như thế nào để tốt cho sức khỏe? (Nguyễn Văn Tiến, TP.HCM)

Thầy thuốc nhân dân, lương y Trần Văn Quảng, Hội Đông y Việt Nam, cho biết: Rượu không chỉ được uống mỗi khi Tết đến Xuân về mà là quanh năm ngày tháng, không nhiều thì ít. Tuy nhiên, với rượu bổ phải đúng cơ chế bệnh.

Lương y Trần Văn Quảng giải thích: rượu có quan hệ mật thiết với y học cổ truyền. Tính của rượu: đại nhiệt, vị đắng ngọt, cay, có tác dụng thông lợi huyết mạch, phòng chống phong hàn thấp, trị chân tay đau nhức. 

Trong các pho sách của y học cổ truyền, từ xưa đến nay hầu hết đều có những bài thuốc bổ dưỡng và chữa bệnh cho những người cơ thể bị suy nhược, đồng thời nâng cao sức khỏe của người cao tuổi.

Muốn kháng lão suy (chống lại sự suy yếu của người già) phải vận dụng linh hoạt các bài thuốc bổ để phù hợp. Bởi bệnh của người già là tích lại từ khi còn trẻ cho nên nói về chữa bệnh, chữ "bổ" ở đây có nghĩa là bù đắp sự hao tổn, suy yếu về khí huyết, âm dương trong cơ thể người ta do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Có hàng ngàn bài thuốc bổ chữa bệnh suy nhược người già, trong đó có những chén rượu bổ đích thực, mà những người cao tuổi cũng như những người cơ thể suy nhược thường dùng vào mùa xuân hay 4 mùa trong năm, để mong dồi dào sức khỏe, ăn ngon cơm, ngủ ngon giấc. Đó cũng là một trong những phương pháp dưỡng sinh của người cao tuổi.

Trong mấy năm gần đây, có nhiều người thường cầm đơn chép tay hoặc photo đến hiệu thuốc để mua thuốc về ngâm rượu bồi bổ. Có người nói đó là bài thuốc "Nhất dạ ngũ giao" của Vua Minh Mệnh truyền lại… Xin không bàn về nội dung và xuất xứ bài thuốc.

Đương nhiên bài thuốc nào cũng có tác dụng nhất định trong bổ dưỡng và điều trị bệnh, không dám nói là thần hiệu nhưng phải đúng với cơ chế của bệnh thì có lợi, nếu không tác dụng sẽ ngược lại. 

Còn cơ chế của bệnh là do thầy thuốc khám và kết luận. Có người đi ngâm một thang thuốc bổ ngâm rượu, người ta đã cho vào thang thuốc đó không ít quế tâm và những vị tân nhiệt khác mà không phải khám bệnh, chỉ theo sở thích cá nhân, uống để cho "bốc".

Với thang thuốc này, nếu người thuộc thận dương hư, kiêm hàn thấp thì còn khả dĩ, nhưng lại thuộc thận âm hư, chân âm khuy tổn, uống vào quả là tai hại. 

Bởi lẽ, rượu trắng và thuốc là đồ cay nóng, men rượu phải dùng những vị thuốc cay nóng mới làm ra được, như đinh hương, hồi hương, quế thông, tế tân…

Rượu đã nóng, thuốc lại bốc hỏa, nhiệt ngộ nhiệt, dương dự càng "bốc" và thận tinh ngày càng khô kiệt, người bệnh sẽ suy sụp lúc nào không biết, nguyên nhân tại đâu cũng chẳng hay.

Ngoài ra, có người đã ngâm nhiều con tắc kè hoặc những vị kích dương khác vào bình rượu thuốc bổ của mình, hoặc ngâm riêng tắc kè để uống. 

Tuy là rượu bổ thật, song người nào thuộc thận âm hư, chân âm khô táo ho suyễn phong hàn hoặc thực nhiệt uống rượu này chắc sẽ không có lợi. 

Hơn nữa, không kể những ai rượu ngon quá chén, túy bão nhập phòng, có khi còn bị "mã thượng phong" là đằng khác. Thật tai hại khôn lường…

Thật khó có thể kiểm soát được mình trong những cuộc vui ngày Tết nhưng sức khỏe là vàng ngọc, bạn hãy hạn chế tửu lượng trong bữa nhậu vì những cuộc vui quá chén sẽ làm bạn mệt đến hôm sau. 

Rượu, bia là những thực phẩm có độ cồn cao. Độ cồn trong bia thường là 3%-6%, trong rượu nếp, rượu gạo và rượu màu độ cồn cao có thể tới 39%. Uống rượu thường xuyên có hại tới thận, gan dạ dày và nhiều cơ quan khác.

Săn lùng cách giải rượu: hiệu quả không?Săn lùng cách giải rượu: hiệu quả không?

Tiệc tùng nhiều vào dịp cuối năm và đầu năm khiến không ít người say xỉn, nôn ói, mất kiểm soát... Nhiều cách giải rượu được "săn lùng" và áp dụng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên