Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Jin chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Báo South China Morning Post ngày 19-8 dẫn lại một báo cáo mới của các nhà nghiên cứu ở Úc nhận định rằng nếu một cuộc xung đột vũ trang nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, các tên lửa đạn đạo công nghệ cao của Trung Quốc có thể làm tê liệt các căn cứ quân sự và hạm đội hải quân Mỹ trên khắp khu vực tây Thái Bình Dương chỉ trong vài giờ.
Báo cáo này dài 104 trang, được Trung tâm nghiên cứu Mỹ (USSC) thuộc Đại học Sydney (Úc) công bố. Báo cáo đã đánh giá chiến lược và chi tiêu quân sự của Mỹ cũng như các đồng minh của Washington trong khu vực.
Các tác giả đặc biệt chú ý tới năng lực tên lửa của quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Theo ước tính, lực lượng này đã triển khai khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 450 tên lửa tầm trung, 160 tên lửa tầm xa hơn và hàng trăm tên lửa hành trình tầm xa phóng từ mặt đất.
Những loại tên lửa đạn đạo thông thường này có khả năng tấn công chính xác vào những mục tiêu cách xa Trung Quốc đại lục như Singapore - nơi Mỹ có một cơ sở hậu cần lớn - cũng như các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc hiện cũng sở hữu những tên lửa được xem là "sát thủ diệt tàu sân bay" như DF-21D, có khả năng tấn công các tàu sân bay đang di chuyển của Mỹ ở khoảng cách lên tới 1.500km.
Báo cáo của nhóm chuyên gia Úc nhận định "kho tên lửa tầm xa có độ chính xác ngày càng tăng của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa cho gần như tất cả căn cứ, đường băng, quân cảng và các cơ sở quân sự của Mỹ, đồng minh cùng các đối tác ở tây Thái Bình Dương".
"Vì những căn cứ này có thể bị các cuộc tấn công tên lửa làm cho vô dụng khi mở màn cuộc xung đột, nên mối đe dọa tên lửa từ quân đội Trung Quốc sẽ thách thức khả năng của Mỹ để vận hành tự do các lực lượng từ những vị trí thuộc tuyến trước trong khu vực" - báo cáo đưa ra phân tích.
Trong một kịch bản như vậy, quân tiếp viện của Mỹ có thể sẽ mất nhiều thời gian để đến hỗ trợ. Điều này có nghĩa nếu bước vào một cuộc xung đột với Trung Quốc, Mỹ sẽ đối mặt với "nguy hiểm và hao tốn tiền của to lớn".
Vừa qua, sau khi rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Matxcơva từ thời Chiến tranh lạnh, phía Mỹ đã bắn tín hiệu sẽ triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không rõ kế hoạch triển khai này được tiến hành với mục đích ngăn chặn Trung Quốc hay không.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc trong một lễ duyệt binh ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP
Trước những tiến bộ công nghệ nhanh chóng cùng việc tăng cường "sức mạnh cứng" của Trung Quốc, báo cáo trên cũng kêu gọi Mỹ và các đồng minh của Washington trong khu vực như Úc và Nhật Bản xem xét lại các kế hoạch đầu tư cũng như triển khai quân sự.
Báo cáo cảnh báo nếu không có các bước đi điều chỉnh, Mỹ và các đồng minh sẽ đối mặt với viễn cảnh "thế ưu việt quân sự" của Mỹ hao mòn trước sức mạnh của Trung Quốc.
Ông Ashley Townshend, tác giả chính của báo cáo, đánh giá sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực nên trở thành mối lo ngại của tất cả quốc gia ở châu Á vì việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng "chính sách đối ngoại hung hăng" vốn liên quan tới lợi ích của các nước này.
"Khi sức mạnh tăng lên, Trung Quốc có thể tự tin tiến hành các nỗ lực nhằm chiếm được các phần của chuỗi đảo thứ nhất, trong đó có Đài Loan. Điều này sẽ hạn chế nghiêm trọng ‘các chân trời an ninh’ của tất cả các bên liên quan" - ông Ashley Townshend, người hiện là giám đốc chính sách đối ngoại và phòng thủ của USSC, nhận định.
Chuỗi đảo thứ nhất mà ông Ashley Townshend đề cập là khu vực bao gồm các đảo lớn bên ngoài bờ biển lục địa Đông Á, trải dài từ Nhật Bản tới đảo Borneo ở Đông Nam Á.
Một số chuyên gia cho biết chuỗi đảo này đã được Mỹ xây dựng từ thời Chiến tranh lạnh, với 4 điểm quan trọng: Đầu chuỗi đảo là Hàn Quốc, đuôi chuỗi đảo là Philippines, khóa chuỗi đảo là Đài Loan, và trung tâm chuỗi đảo là Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận