13/09/2021 13:27 GMT+7

Tên lửa hành trình mới của Triều Tiên qua mặt được các thiết bị do thám?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Các quan chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về tên lửa hành trình mới có tầm bắn tới 1.500km của Triều Tiên. Việc 3 nước lên tiếng sau khi Bình Nhưỡng loan tin làm dấy lên lo ngại họ đã không phát hiện được sự việc.

Tên lửa hành trình mới của Triều Tiên qua mặt được các thiết bị do thám? - Ảnh 1.

Hình ảnh truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố về vụ bắn thử tên lửa hành trình mới - Ảnh: REUTERS/KCNA

Vụ phóng thử tên lửa diễn ra trong hai ngày 11 và 12-9, tức chỉ vài ngày sau Quốc khánh Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng vũ khí mới được tiết lộ của Triều Tiên giống với tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ và Hyunmoo-3C của Hàn Quốc.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết các tên lửa hành trình đã "di chuyển trong 7.580 giây theo quỹ đạo bay hình bầu dục và hình số 8 trong không phận Triều Tiên. Tên lửa sau đó "đánh trúng mục tiêu cách 1.500km".

Hãng thông tấn AFP dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng đây là một bước tiến rõ rệt trong công nghệ vũ khí của Triều Tiên. Loại tên lửa mới được cho có thể tránh được các hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) nhận định loại tên lửa mới là mối đe dọa nghiêm trọng.

"Hệ thống tên lửa này được thiết kế để bay dưới tầm quét của hệ thống radar phòng thủ hoặc bay vòng để tránh bị bắn hạ", Hãng tin AFP trích lời ông Lewis.

Giáo sư Park Won Gon - người chuyên nghiên cứu về Triều Tiên - thì cho rằng động thái này là cách Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự với Mỹ và Hàn Quốc mà vẫn giữ tình hình ở mức có thể kiểm soát.

Việc Bình Nhưỡng chọn tên lửa hành trình thay vì tên lửa đạn đạo có thể do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sắp đến Hàn Quốc vào ngày 14-9, theo ông Park.

Tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn và di chuyển nhanh hơn tên lửa hành trình cùng kích cỡ, theo Hãng thông tấn Yonhap. Tuy nhiên, tên lửa hành trình vẫn đặt ra mối đe dọa đáng kể vì không bay theo quỹ đạo cố định và bay ở tầm thấp, khiến chúng khó bị phát hiện.

Theo các chuyên gia, tên lửa hành trình cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân. "Nếu Triều Tiên thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân, rất có thể họ sẽ gắn nó lên tên lửa hành trình", ông Park nhận định.

Tên lửa hành trình mới của Triều Tiên qua mặt được các thiết bị do thám? - Ảnh 2.

Tên lửa hành trình Hyunmoo-3C của Hàn Quốc - Ảnh: DỰ ÁN MISSILE THREAT

Mỹ - Nhật - Hàn bị động?

Ngay sau khi Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên loan tin, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã gọi vụ bắn thử tên lửa là mối đe dọa đối với khu vực và thế giới.

"Chúng tôi đã biết thông tin vụ phóng tên lửa hành trình của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và đang tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, đối tác. Cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chắc chắn", quân đội Mỹ nhấn mạnh.

Trong thông cáo trưa 13-9, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết Chính phủ Nhật Bản "lo ngại" trước thông tin Triều Tiên đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa. Theo ông Kato, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để theo dõi tình hình.

Trước đó, Văn phòng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết quân đội đang tiến hành phân tích chuyên sâu với sự hỗ trợ từ các cơ quan tình báo Mỹ.

JCS từ chối xác nhận thông tin chi tiết, bao gồm nơi tiến hành vụ thử và liệu họ có phát hiện trước các vụ phóng hay không.

Vụ bắn thử của Triều Tiên diễn ra trong hai ngày cuối tuần rồi, nhưng việc Mỹ và các đồng minh không lên tiếng ngay lập tức làm dấy lên suy đoán các hệ thống của họ không phát hiện được vụ việc.

Việc Bình Nhưỡng thử tên lửa hành trình mới cũng được cho là nhằm gửi thông điệp đến cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ - Nhật - Hàn phụ trách vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Cuộc gặp dự kiến diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 13 đến 15-9.

Triều Tiên lách được luật?

Nghị quyết số 2094 năm 2013 do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua cấm Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Theo truyền thông quốc tế, Bình Nhưỡng dường như đã lách luật vì nghị quyết không cấm việc thử tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Duyeon Kim, Mỹ và đồng minh vẫn có thể cáo buộc Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt. Bà Kim giải thích trong nghị quyết 2094 có một đoạn nghiêm cấm Bình Nhưỡng "tiến hành các hoạt động khiêu khích khác".

KCNA: Triều Tiên đã thực hiện thành công các vụ thử tên lửa hành trình tầm xa KCNA: Triều Tiên đã thực hiện thành công các vụ thử tên lửa hành trình tầm xa

TTO - Hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết Triều Tiên đã thực hiện thành công các vụ thử tên lửa hành trình tầm xa vào cuối tuần qua.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục