Hoàng cùng người nhà tại Giải vô địch cúp các CLB toàn quốc năm 2019 - Ảnh: T.V.
Nhưng ít ai biết có một đôi mắt dưới võ đài luôn lặng lẽ dõi theo từng cú đấm của anh. Đó cũng chính là tay đua đáng gờm Đỗ Thị Thảo - vợ của Hoàng, người từng thống trị các cự ly trung bình ở điền kinh khu vực.
“Thảo giúp tôi tìm được nguồn cảm hứng mới để đi tiếp con đường boxing đã lựa chọn của mình.
TRƯƠNG ĐÌNH HOÀNG
Cặp đôi vàng hoàn hảo
Đỗ Thị Thảo sinh năm 1992, kém Hoàng 2 tuổi. Anh kể duyên trời định họ gặp nhau khi cả hai đều nằm trong đội tuyển quốc gia.
"Trước năm 2011, tôi bắt đầu biết đến Thảo qua những màn chào hỏi ở các buổi họp của đội tuyển. Thảo lúc ấy đang theo đuổi môn điền kinh, sự ngoan ngoãn, lễ phép của em làm mình nhớ mãi" - Hoàng kể về cô gái lọt mắt xanh của mình giai đoạn ấy.
Gia đình Đỗ Thị Thảo ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Là con gái út trong gia đình ba người con, Thảo từ nhỏ đã rất chịu khó, tháo vát lao động. Sự nghiệp thể thao của cô bắt đầu từ những cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng cho đến lần theo học... taekwondo ở đội tuyển thể thao tỉnh Sơn La ngay từ tuổi 15.
Bắt đầu từ taekwondo, nhưng cô lại rẽ ngang sang điền kinh. "Trước sức bền thể lực được rèn giũa cùng năm tháng khổ cực trên triền đồi Mộc Châu, ban huấn luyện taekwondo lúc đó đã nhìn thấy và hướng tôi sang điền kinh. Bây giờ nghĩ lại các thầy đã nhìn đúng" - Thảo chia sẻ chuyện xưa.
Bước đệm ở đội tuyển thể thao tỉnh giúp Thảo tiến bộ khá nhanh, hai năm sau cô chính thức được gọi vào đội tuyển điền kinh quốc gia. Một chương mới mở ra với Thảo tại SEA Games 25 trên đất Lào, cả trong sự nghiệp lẫn tình duyên.
Đường đua quốc tế đầu tiên năm ấy cô đoạt huy chương đồng cự ly 800m. Thành tích đó kể ra "cũng làng nhàng" trước nhiều cái bóng quá lớn, nhất là "người chị cả" Trương Thanh Hằng lúc ấy.
Thế nhưng hình ảnh, phong cách thi đấu của cô đã làm Hoàng, một chàng trai tuổi đôi mươi mê mẩn nhớ. Hoàng không thể lý giải được sở thích của bản thân về việc thường xuyên theo dõi những cuộc đua có Thảo góp mặt.
Một bất ngờ khác anh chưa từng nghĩ tới, đó là những trận đấm cuồng nhiệt như "hoang dại" của mình cũng được cô gái tốc độ đưa vào "mắt xanh".
Trong bốn năm yêu nhau, Thảo liên tiếp đạt được những thành tích mà đến nay Hoàng vẫn cho rằng cô ấy "giàu hơn" anh. Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á 2013 ở Myanmar, chân đua Đỗ Thị Thảo nổi bật hẳn khi đoạt cú đúp 2 HCV điền kinh ở cự ly 800 và 1.500m.
Kế đến là đại hội ở Singapore năm 2015, cô tiếp tục bảo vệ thành công danh hiệu vô địch. Biệt danh "nữ hoàng tốc độ" cự ly trung bình mà người hâm mộ đặt cho Thảo kể từ đó.
Từ bén duyên cho đến chờ kết trái, cuối năm 2015 "nữ hoàng tốc độ" Đỗ Thị Thảo tuyên bố chia tay đường đua để kết hôn và chuyển hướng khởi nghiệp. Một tuyên bố có phần gây hụt hẫng cho những ai đang yêu thích Thảo bởi khi đó cô chỉ mới vừa tròn tuổi 24 lẫn sự nghiệp đang độ chín muồi.
"Trước khi đưa ra quyết định quan trọng ấy, tôi đã suy tính nhiều lắm. Tôi muốn dừng lại bởi một phần sức khỏe, phần nữa vì tôi muốn chọn ngã rẽ khác cho tương lai như theo nghề huấn luyện hoặc kinh doanh... Và sau này còn duyên, tôi sẽ quay trở lại chạy tiếp" - Thảo kể. Đầu tháng 11-2015, Thảo và Hoàng chính thức nên vợ nên chồng.
Hoàng cùng người thầy Lê Văn Hùng - Ảnh: T.V.
Cú "rẽ ngang" tuyệt vọng...
Bạn bè và người thân nói rằng 2015 là năm "bội thu" của Hoàng. Ngoài tấm HCV danh giá tại SEA Games 25, anh "lời" thêm về mình khi Thảo đang cõng trên vai một bảng thành tích vàng mà bao vận động viên thể thao mơ ước.
"Tay đấm vàng" kết hôn cùng "nữ hoàng tốc độ" đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của kể cả những người nước ngoài. Cặp đôi vàng này nhận được rất nhiều lời chúc bằng đường thư tay và cả thư điện tử.
Có nhiều người mà Hoàng chưa từng gặp mặt chia sẻ rằng những màn đấm máu lửa của anh là thứ mà cả gia đình họ háo hức xem trong mỗi bữa cơm chiều. Hay cả màn bức tốc của Thảo là cách mà một gia đình nọ dạy cho con mình biết đến sự nỗ lực và không ngừng cố gắng. Vợ chồng anh bội thu niềm vui.
Những niềm vui giản dị ấy cho Hoàng nguồn sức mạnh đáng kể trước những giáo án rất nặng mỗi khi vào mùa giải. Việc được tung những đòn đánh mạnh vào bao cát kéo anh rời khỏi chiếc giường trong những sáng mỏi mệt rã rời.
Cũng có vài thoáng chốc trên đấu đài, anh như hụt hơi, nhưng một năng lượng vô hình đã giúp anh lấy lại sức mạnh. "Hồi ấy có Thảo lui về hỗ trợ sau lưng chính là nguồn năng lượng tiếp sức cho tôi tập luyện và thi đấu như thể chẳng biết mệt mỏi" - Hoàng chia sẻ.
Cứ thế, Hoàng lao mình vào những bài tập để chuẩn bị cho mùa Olympic tại Brazil tháng 8-2016. Anh bước vào vòng loại với tâm lý thoải mái kèm giấc mơ có huy chương. Thế nhưng, chỉ vừa kết thúc ba hiệp đấu vòng loại không mấy căng thẳng và cũng chẳng dính đòn hiểm nào, Hoàng đã cần chăm sóc y tế.
Anh đấu trong ảo giác trước mắt có đến ba bóng của đối thủ. Hoàng kể: "Bạn biết không, lần đầu tiên tôi thấy cảnh tượng đó. Dù chẳng dính đòn nào nhưng mắt tôi lại không nhìn thấy rõ, có cả ba đối thủ trước mặt mình. Tôi cực kỳ hoang mang".
Về Việt Nam trong niềm hi vọng "sẽ vượt qua thôi", Hoàng bước vào một bệnh viện tại quận 7 (TP.HCM). Và rồi, cái lắc đầu của đội y bác sĩ như dập tắt tất cả, anh ngã quỵ. Một "rẽ ngang" bất ngờ giống như cách mà anh đến với boxing, Hoàng tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế ở tuổi 26 - độ tuổi chín muồi của sự nghiệp.
"Họ nói rằng chấn thương này rất khó gọi tên và buộc tôi tạm gác những giải đấu chuyên nghiệp có cường độ cao bởi nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, kể cả nếu như không muốn nửa phần đời còn lại phải sống trong bóng tối. Tôi cực kỳ tuyệt vọng!" - Hoàng lý giải.
Việc không được tiếp tục thi đấu tại các giải chuyên nghiệp đã phần nào lấy đi không ít nhuệ khí của tay đấm này. Hoàng bảo rằng chẳng biết nói thế nào để diễn tả lại hết cảm xúc, tâm trạng anh lúc ấy.
Nỗi buồn bực trong anh lần này còn gấp bội nếu so sánh với lần để thua ở trận đấu ê chề trước đối thủ Gia Lai vào 2009. Hơn nữa, xen lẫn nỗi buồn bực ấy là vô vàn nỗi lo sợ. Chẳng gì đáng sợ hơn khi ta sống mà chẳng thể xác định được mục tiêu, động lực...
Hoàng quay trở về TP Buôn Ma Thuột, phụ vợ mình bưng bê tại một quán bún đậu mà Thảo đã mở trước đó khi nhen nhóm khởi nghiệp.
"Việc buôn bán chỉ mới vào ổn định thì tháng 11-2016, vợ tôi sinh con trai Uy Vũ nên công việc kinh doanh bỏ ngỏ từ đó. Nhìn đứa con kháu khỉnh, tôi xác định được phần nào mục tiêu. Dĩ nhiên lúc ấy thi đấu không thể còn mục tiêu của tôi dù có nhớ tiếc thế nào" - Hoàng tâm sự.
“Vẫn biết ở môn này chấn thương là điều khó ai có thể tránh khỏi, chỉ là khi nào bị.
Thế nhưng, việc chấn thương đến quá sớm với một tay đấm trẻ đang say mê tập luyện, đang thể hiện tốt khiến ai nấy cũng buồn. Để tìm được một võ sĩ như thế cũng đâu phải chuyện ngày một ngày hai” - huấn luyện viên Lê Văn Hùng tâm sự về chấn thương của học trò mình lúc ấy.
Một võ sĩ qua tuổi 29, đang dính chấn thương, đã làm gì để có thể lên đấu đài chuyên nghiệp và hạ gục các tay đấm đến từ những cường quốc võ thuật Thái Lan, Hàn Quốc?
Kỳ tới: Lên đài đấu chuyên nghiệp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận