Giới nghệ sĩ dưới thảm họa soi mói hôm nay. |
Trên mạng ngày càng nhiều những tin tức giật gân về giới nghệ sĩ. Mức độ nhiễu loạn, nhố nhăng, thảm họa soi mói hôm nay không dừng ở chuyện "lộ hàng" mà còn là chuyện phòng the, scandal tình cảm được chính đương sự tung lên mạng...
Nhiều cư dân mạng một lần nữa lại bức xúc với những nội dung mang đậm tính giật gân câu khách về một nghệ sĩ hay chuyện đời tư của nghệ sĩ gần đây trên mạng.
Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến của nhà báo Mạnh Kim về vấn đề này.
"Không thể ngăn cản được các trang mạng nhảm nhí, vì những bản tin khai thác từng chi tiết đời sống người nổi tiếng, từ nụ cười đến giọt nước mắt, từ cái ví đến đôi giày, được chính ban biên tập khuyến khích bằng cách chấm nhuận bút cộng điểm tương ứng với số lượt view.
Có nghĩa, bản tin nào càng có lượt view cao càng được chấm nhuận bút nhiều. Điều này cũng có nghĩa, sự vô văn hóa và lối kiếm sống bất nhân đang được khuyến khích và được tưởng thưởng bằng tiền.
Đừng tiếp tục đổ lỗi cho thủ phạm “dân trí thấp”, về sự suy đồi văn hóa trong khi chưa bàn đến tác hại dẫn đến tình trạng dân trí thấp đến từ một số trang tin bẩn.
Một trong những vai trò báo chí là xây dựng xã hội, khơi dậy sự tử tế và tốt đẹp, kiến tạo và nhân bản sự lương thiện, đánh động nhận thức bằng những câu chuyện có lương tâm.
Xã hội không thể được xây dựng bằng những bài viết về “nụ cười ca sĩ X. trong tang lễ”, “ca sĩ Y tung ghi âm cây hài tỏ tình”, “vợ đại gia kim loại nhường chồng cho ca sĩ Z.”...
Những cách nói đại loại “gây bão mạng” hoặc "khiến cộng đồng mạng phẫn nộ” là sự quy chụp bừa bãi nhân danh số đông.
Số đông cộng đồng chắc chắn không vô văn hóa như thiểu số các cây bút bất lương và bất tài, kiếm tiền bằng những bản tin vô bổ và vô lương tâm.
Hãy tẩy chay và có thái độ quyết liệt với những trang online như thế. Hãy tẩy chay những bản tin nhảm nhí. Đừng bao giờ click vào chúng.
Mỗi cú nhấp chuột đã vô tình giúp những trang tin ấy tiếp tục sống và tiếp tục đầu độc xã hội.
Hãy nhắc con em chúng ta, nói với các bạn chúng ta, nói với những người xung quanh ta, rằng đừng bao giờ click vào chúng.
Chúng ta không có thẩm quyền để xóa sổ được những trang web ấy nhưng chúng ta có quyền trong việc không cho chúng phá hoại xã hội.
Mỗi một lần chúng ta phớt lờ không nhấp chuột là mỗi một lần chúng ta ngăn được một mầm độc đang gieo vào xã hội.
Chúng ta cần hành động đối với những câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhưng tác hại là vô lường.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Những thông tin giật gân, câu khách, khai thác tối đa đời tư của người trong lĩnh vực giải trí có đang làm bạn bận tâm suy nghĩ? Việc đọc những thông tin ấy thường xuyên có thể dẫn đến những hệ lụy gì? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa ở đâu trong "cơn bão" này? Mời bạn đọc tham gia ý kiến về chủ đề này bằng cách gửi ý kiến ở dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận