11/06/2013 10:56 GMT+7

Tàu cổ Cù Lao Chàm - "mỏ" cổ vật Việt

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC

TT - Trên trang web của Đại sứ quán VN tại Mỹ còn lưu bản tin ngày 1-11-2000: “Theo phóng viên TTXVN tại New York, Công ty Butterfield đã tổ chức bán đấu giá đợt đầu tiên những đồ cổ vớt được ở vùng biển ngoài khơi Hội An trong ba ngày từ 11 đến 13-10 tại thành phố San Francisco (Mỹ), Số cổ vật mang ra đấu giá đã bán được với số tiền gần 3 triệu USD.

Bảo tàng Birmingham của Anh và Viện bảo tàng New South Wales của Úc mua một số cổ vật có giá trị khoảng 50.000 USD/chiếc. Nhiều người VN sống ở Mỹ đã tham gia đấu giá và mua tới 20% số cổ vật được bán ra để giữ gìn những di sản văn hóa quê hương”.

AmGuC7mz.jpgPhóng to
Nậm rượu hình rồng - cổ vật độc bản bằng gốm Chu Đậu được tìm thấy trong con tàu cổ Cù Lao Chàm - đã được dùng làm trang bìa cho cuộc bán đấu giá của Công ty Butterfield tại Mỹ. Nậm rượu này, theo tác giả Hồ Trung Tú, đã được bán với giá 200.000 USD - Ảnh tư liệu
EYp0uNNF.jpgPhóng to
Nậm rượu hình chim phượng - một cổ vật độc bản bằng gốm Chu Đậu tìm thấy trong con tàu cổ Cù Lao Chàm - được cất giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN - Ảnh tư liệu
7lWOBkdw.jpgPhóng to
Hình ảnh nam nữ ân ái vẽ trên chiếc đĩa cổ tìm thấy ở tàu Cù Lao Chàm - Ảnh tư liệu

Một bản tin về vụ đấu giá cổ vật rất đỗi bình thường, nhưng nếu ai đã biết về con tàu cổ Cù Lao Chàm sẽ thấy dòng tin cuối lại vô cùng đặc biệt: Những người Việt đã tham gia vụ đấu giá vì muốn giữ gìn cổ vật nước nhà! Bởi trong những con tàu cổ từng được khai quật ở vùng biển VN, cho đến nay tàu cổ Cù Lao Chàm là con tàu duy nhất chở số lượng hàng hóa thuần gốm Việt lên tới hàng trăm ngàn hiện vật, còn các tàu khác chỉ hầu hết chở gốm sứ có xuất xứ từ Trung Hoa hoặc Thái Lan.

“Ngư trường... cổ vật”

Cuộc khảo sát và trục vớt cổ vật đợt đầu từ con tàu cổ Cù Lao Chàm diễn ra trong hơn hai năm từ 1997-1999 với sự tham gia của các Công ty Saga Horizon (Malaysia) và Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ Visal (VN). Số lượng cổ vật tìm thấy lên đến 240.000 hiện vật, nhưng thật ra từ đầu những năm1990, nhiều ngư dân đánh bắt trên ngư trường này đã phát hiện và khai thác được một số cổ vật trên con tàu cổ này.

Cổ vật trên con tàu cổ này phát lộ lần đầu khi những ngư dân Quảng Nam đi lưới cá và bị sành sứ mắc vào lưới. Ban đầu nhiều người thấy sợ đã gỡ ra vứt lại xuống biển. Một ngư dân cho biết hồi đó nhiều lần bắt gặp cả pho tượng gốm cứ trôi nổi lềnh bềnh dạt vào mạn, với một chút mê tín, ai cũng thấy sợ, phải “cầu khấn” rồi đẩy trôi xa thuyền. Về sau có người thấy hay hay mới vớt lên mang về chưng chơi, không ngờ những tượng gốm này sau đó có người tìm mua với giá cao. Đôi khi kiếm được nhiều cổ vật giá trị nhưng những ngư dân nghèo khó không hề biết giá trị thực mà chỉ dùng nó để đổi lấy vài bơ gạo cho nồi cơm hằng ngày của gia đình mình.

Lang thang ở phố cổ Hội An, nhắc chuyện đồ cổ những năm 1990 có thể nghe nhiều giai thoại hấp dẫn về những món đồ “mua bạc đồng bán bạc triệu” với chút gia vị “mắm muối”. Ví như một vị du khách Tây đi ngang một nhà ngư dân ở vùng biển Hội An đang làm lễ cúng rằm. Vốn hiểu biết về cổ vật, du khách này phát hiện chiếc bát cắm nhang trên mâm cúng là một cổ vật rất có giá, và chỉ với 100 đôla chiếc bát ấy đã theo ông Tây về trời Tây. Không ai biết chiếc bát cổ kia sẽ là bao nhiêu ngàn đôla!

Những câu chuyện ấy là giai thoại, có thể khó kiểm chứng, nhưng giá của những cổ vật vớt lên từ con tàu cổ Cù Lao Chàm đã bán trong cuộc đấu giá của Công ty Butterfield vào tháng 10-2000 thì có thể kiểm chứng được. Theo tài liệu từ cuộc bán đấu giá này, các cổ vật được bán với giá cao nhất lần lượt là 79.500 USD-63.000 USD-57.500 USD và 40.250 USD, còn các cổ vật có giá từ 10.000 USD đến dưới 40.000 USD cũng khá nhiều với tổng số tiền lên đến 3 triệu USD.

“Vẽ gốm bằng trái tim”...

Tuy nhiên giá trị của con tàu cổ Cù Lao Chàm không chỉ ở mức giá tiền tỉ của những cổ vật mà đây là con tàu đầu tiên được khai quật với số lượng cổ vật lên đến hàng trăm ngàn hiện vật thuần Việt, hầu hết có nguồn gốc sản xuất từ Hải Dương và Thăng Long, phía bắc VN vào nửa cuối thế kỷ 15, chủ yếu là dòng gốm Chu Đậu (Hải Dương). Ngoài ra còn có một số hiện vật khác được tìm thấy trong khoang con tàu đắm là gốm sứ Trung Hoa và Thái Lan. Số lượng ít ỏi các dòng gốm khác biệt này được các nhà nghiên cứu nhận định chỉ là đồ dùng của thủy thủ đoàn, còn con tàu đắm này chắc chắn đã nhập hàng từ Đại Việt để mang đến bán ở một xứ sở khác và không may nằm lại dưới đáy sâu 72m nước.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ trước đây là trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Di tích và danh thắng Quảng Nam (nay đã nghỉ hưu). Vào thời điểm tổ chức khai quật khảo cổ con tàu cổ Cù Lao Chàm năm 1997, ông là cán bộ của Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Nam, được cử tham gia hỗ trợ việc đo vẽ các hiện vật trục vớt được. Tuy nhiên dịp ấy trưởng ban khai quật - tiến sĩ Phạm Quốc Quân - giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, do bị... say sóng nên ông Hỷ được ủy nhiệm thay mặt làm quyền trưởng ban.

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, hành trình trục vớt cổ vật và công việc nghiên cứu khảo cổ học dưới nước của con tàu Cù Lao Chàm trong những năm 1997-1999 mà ông trực tiếp chứng kiến và tham gia vẫn đậm nét trong ký ức của ông. Từ góc nhìn một họa sĩ, ông Hỷ cho biết: “Ví như muốn biết trang phục của VN thời điểm ấy như thế nào thì trong các hiện vật gốm cổ được trục vớt từ tàu Cù Lao Chàm có rất nhiều hình ảnh trang phục, đặc biệt trên đồ gốm Chu Đậu và ở miền Bắc. Đặc biệt hình ảnh nông thôn VN, con người VN, sinh hoạt VN, từ con gà, chó, heo cho đến các loài thú hoang dã đều được vẽ vào gốm. Con người thì có cả nam nữ thanh niên, ông già, bà lão, trẻ em, đầy đủ loại trang phục từ nông dân đến nho sinh. Tôi còn nhớ một người nước ngoài viết một câu trong sách về gốm VN rất hay, rằng “người Trung Hoa vẽ gốm bằng tay, còn người VN vẽ bằng trái tim”, tức là gốm Việt rất có hồn!”.

Có lẽ, cũng từ tâm hồn Việt trĩu nặng với quá khứ đó mà trong quá trình tìm hiểu về cuộc đấu giá đồ cổ trên tàu Cù Lao Chàm, chúng tôi may mắn được biết vợ chồng ông X., Việt kiều, vì vốn nặng lòng với di sản văn hóa quê hương nên khi nghe có cuộc đấu giá cổ vật của tàu Cù Lao Chàm ở Mỹ đã tìm cách gom góp tiền bạc tham gia đấu giá. Ông X. không nói rõ số lượng đồ cổ Chu Đậu ông đã mua từ cuộc đấu giá này, song qua trò chuyện chúng tôi biết số cổ vật Chu Đậu từ tàu Cù Lao Chàm này chiếm vị trí rất quan trọng trong sưu tập hiện vật xuất xứ từ VN rất đồ sộ của ông! “Rất may giá cả trong các cuộc đấu giá lúc ấy tương đối mềm nên chúng tôi đã nỗ lực mua được khá nhiều hiện vật. Điều này góp phần giữ gìn di sản văn hóa VN cho người VN!”, ông X. nói.

____________________

Kỳ tới: Hành trình “hậu” khai quật

-----------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “Nghĩa địa” tàu cổ trên biển Châu Thuận Kỳ 2: “Ma trận cổ vật” của tàu cổ Kỳ 3: “Tát biển” tìm tàu...

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên