12/04/2016 15:47 GMT+7

“Tập trung giải quyết những gì đe dọa đời sống người dân”

XUÂN LONG thực hiện
XUÂN LONG thực hiện

TTO - Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ chiều 11-4, tân Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chia sẻ: “Đã là bộ trưởng thì điều gì đe dọa đến đời sống của người dân thì đó là vấn đề phải tập trung ưu tiên giải quyết cao nhất”.

Tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh: Nguyễn Khánh

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: "Bộ TN-MT được Chính phủ giao quản lý 8 lĩnh vực chuyên ngành. Các lĩnh vực quản lý của bộ đều có tính nhạy cảm, phức tạp, liên quan mật thiết nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đã - đang và sẽ tác động to lớn không chỉ đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn đối với cả sự tồn vong của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Trong nhiệm kỳ này, với tư cách là bộ trưởng, đồng thời cũng là người đã nhiều năm công tác trong ngành, tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo bộ ưu tiên tập trung chỉ đạo, quyết liệt hành động.

Trước mắt, giải quyết được những vấn đề cấp bách, bức xúc, không thể trì hoãn, đang tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong đó, nổi lên hiện nay là tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường đang ở mức đáng báo động.

Thứ hai là biến đổi khí hậu đang có những tác động to lớn, nghiêm trọng như hạn hán, bão, lũ, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở nhiều vùng trên cả nước.

Thứ ba là vấn đề tài nguyên thiên nhiên đang có xu hướng cạn kiệt dần.

Về lâu dài, bộ sẽ nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách, công cụ quản lý để nâng cao giá trị tiềm năng và tính hữu ích của tài nguyên, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các giá trị thu được từ tài nguyên phải được sự chia sẻ công bằng đối với người dân, phù hợp với cơ chế thị trường".

* Bộ trưởng nói sẽ dành ưu tiên cho những vấn đề cấp bách ảnh hưởng tới người dân. Cụ thể, với vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, bộ trưởng xác định những giải pháp ưu tiên nào?

- Với một số vấn đề đang nổi lên như biến đổi khí hậu, hạn hán ở Tây nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi cho rằng đây là những ảnh hưởng rất nghiêm trọng, có thể nói là hiện tượng thảm họa về biến đổi khí hậu, về khủng hoảng tài nguyên nước đối với người dân.

Đây là những việc mà tôi coi rằng đó là cấp bách, chắc chắn tôi sẽ phải tập trung, ưu tiên trong chương trình công tác của mình.

Mặt khác, chúng ta cũng phải thấy rằng Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn do biến đổi khí hậu, do khí hậu cực đoan và do chúng ta chịu ảnh hưởng từ thực tế gần 70% lượng nước ở ngoài quốc gia Việt Nam.

Trước mắt, dân thiếu nước cho sinh hoạt, bằng mọi cách trong lĩnh vực của mình phải chỉ đạo các cấp, các cơ quan có liên quan cùng phối hợp giải quyết bài toán về nguồn nước cho người dân.

Trách nhiệm của chúng tôi là phải cung cấp các các bản đồ điều tra nước ngầm cho một số vùng ở Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long để trong những điều kiện bắt buộc sẽ phải khoan nước cho dân. Việc này đã làm và sẽ tiếp tục làm cấp bách ngay tới đây.

* Bộ trưởng có nhắc tới vấn đề cấp bách, thách thức đối với Việt Nam, đó là vấn đề nguồn nước xuyên biên giới. Hiện nay nhiều địa phương, người dân trông mong kết quả nghiên cứu, đánh giá tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra những tác động nghiêm trọng, thách thức ra sao đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thưa bộ trưởng?

- Nếu nói đúng thì Ủy ban sông Mekong quốc tế cũng đã có nghiên cứu, đánh giá tổng thể, từ đó đưa ra quy hoạch các thủy điện bậc thang trên sông Mekong.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên không chỉ Việt Nam mà một số nước như Lào, Campuchia và các chuyên gia hàng đầu của thế giới tiến hành khảo sát, nghiên cứu trên diện rộng để đánh giá tác động từ các công trình thủy điện lên toàn lưu vực sông Mekong.

Qua khảo sát, nghiên cứu, lần đầu tiên chúng ta đã có đánh giá tổng thể dựa trên những tác động khác nhau, kịch bản khác nhau ở thượng nguồn sông Mekong.

Kết quả đã tổ chức lấy ý kiến phản biện từ các cơ quan tư vấn của Mỹ, trong nước cũng đã lấy ý kiến tham vấn về kết quả nghiên cứu.

Đến thời điểm này đang ở giai đoạn tiếp thu kết quả nghiên cứu, nhưng kết quả chính là chúng ta đã có cơ sở dữ liệu khá đầy đủ về tài nguyên, về các công trình thủy điện.

Dựa trên các mô hình tính toán đã phần nào lượng được tác động từ các công trình đó đối với từng nước trong lưu vực sông Mekong.

Đặc biệt đối với VN, một nước ở hạ lưu sông Mekong, tác động được chỉ ra mang tính chất tổng hợp.

Chúng ta đã xác định với những công trình đó sẽ tác động ra sao tới dòng nước, tới lưu lượng phù sa, tới đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản.

Có thể nói chúng ta đã nêu những tác động rất cụ thể khi xây dựng những đập thủy điện này. Từ kết quả nghiên cứu, đánh giá đó đã đưa ra những kiến nghị có cơ sở khoa học nếu xây dựng những công trình này ở thượng nguồn sông Mekong sẽ gây ra những tác động mức độ ra sao.

Đương nhiên, đây là công việc bước đầu đưa ra các bằng chứng, cơ sở khoa học để phục vụ cho việc đàm phán với các nước trên lưu vực sông Mekong.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những tác động của các công trình là rất lớn, rất nghiêm trọng, từ đó có khuyến cáo, kiến nghị các quốc gia không xây dựng.

Thậm chí, trong nghiên cứu cũng đã đưa ra các khuyến cáo về mức độ phát triển, công nghệ phát triển các đập để giảm thiểu tác động, đưa ra các kiến nghị với một số công trình tác động rất lớn, rất nghiêm trọng và yêu cầu các quốc gia ở thượng nguồn không xây dựng.

XUÂN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên