25/08/2020 18:37 GMT+7

Tập trung cho vay doanh nghiệp lớn, bất động sản,Techcombank có ‘ngược đường ngược nắng’?

MINH THÀNH
MINH THÀNH

Dù có nhiều lo ngại về việc Techcombank quá tập trung cho vay khách hàng lớn, tuy nhiên TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng đây là chiến lược giúp ngân hàng này có cơ hội tăng lợi nhuận, giảm rủi ro khi kiểm soát hoạt động tín dụng một cách dễ dàng.

Tập trung cho vay doanh nghiệp lớn, bất động sản,Techcombank có ‘ngược đường ngược nắng’? - Ảnh 1.

TS Lê Xuân Nghĩa - Ảnh: T.C.B

Ông Nghĩa nói: cả ba lĩnh vực là cho vay doanh nghiệp lớn; hoạt động dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp và kinh doanh nguồn vốn (ngoại tệ, hoạt động trên thị trường phái sinh); tài trợ thương mại - xuất nhập khẩu Techcombank đều đang có tốc độ tăng trưởng tốt. Đây là những lĩnh vực mà các ngân hàng đi đầu trên thị trường đang tập trung.

Tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Chủ tịch Techcombank cho biết ngân hàng chỉ lựa chọn lĩnh vực tốt nhất để tham gia, đồng thời lựa chọn một số khách hàng tốt để tập trung phục vụ. Điều này có tác động như thế nào đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, thưa ông?

Tôi rất đồng ý với quan điểm cần tập trung trong việc lựa chọn. Có nghĩa, thay vì làm việc với 10 khách hàng, ngân hàng chỉ cần tập trung vào 3 khách hàng tốt nhất, lớn nhất để kiểm soát được rủi ro.

Việc tập trung vào một số lĩnh vực như vậy không những có nhiều cơ hội tăng lợi nhuận, mà còn giảm thiểu được rủi ro, khi kiểm soát được các hoạt động tín dụng một cách dễ dàng hơn. 

Tôi cho rằng đó là tầm nhìn rất tốt, khi nhận ra và hợp tác với các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh, đệm tài chính an toàn. Nhưng cũng phải nhận thấy rằng, những ngành đó có rủi ro lớn, bởi cạnh tranh rất khốc liệt. 

Techcombank định hướng sẽ phát triển thêm về FMCG, ô tô, viễn thông, du lịch… Ông nhận xét thế nào về chiến lược này?

Có thể thấy thời gian qua Techcombank đã đi theo định hướng này khi tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có quan hệ truyền thống tốt, ví dụ như Vingroup, Sun Group, Masan Group. Đó đều là những tập đoàn có liên quan nhiều đến thị trường bất động sản, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm và đều là những DN có đòi hỏi rất cao về công nghệ. 

Với việc đi theo định hướng này, tôi cho rằng Techcombank muốn trở thành ngân hàng số một về công nghiệp và dịch vụ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng hiện đại là công nghiệp hóa, dịch vụ hóa của Việt Nam. 

Tuy nhiên, khi lựa chọn một đối tượng phục vụ như vậy, Techcombank cũng phải nghiên cứu kỹ các khía cạnh về kinh tế vĩ mô, về chính sách. Cũng phải hỗ trợ, đầu tư cho các cơ quan nghiên cứu của mình tìm hiểu, phân tích về mức độ cạnh tranh của những lĩnh vực đó trên thị trường quốc tế và nội địa, với mục tiêu xuất khẩu được các sản phẩm ra bên ngoài. 

Techcombank có thể tăng cường hỗ trợ cho các tập đoàn công nghiệp thực hiện những nghiên cứu toàn diện cả vĩ mô và vi mô, cả nội địa và xuất khẩu, giúp cho các tập đoàn đó có đường hướng phát triển rõ ràng, cũng là cách giúp ngân hàng quản trị rủi ro trong trung hạn và dài hạn tốt hơn. Bởi những lĩnh vực Techcombank đang tập trung cho vay thường là đầu tư trung và dài hạn.

Tập trung cho vay doanh nghiệp lớn, bất động sản,Techcombank có ‘ngược đường ngược nắng’? - Ảnh 2.

Chiến lược tập trung cho vay khách hàng lớn, bất động sản của Techcombank được đánh giá là giúp ngân hàng có cơ hội tăng lợi nhuận, giảm rủi ro - Ảnh: T.C.B

Trong thông điệp tại Đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo Techcombank khẳng định tiếp tục tập trung phát triển, kiểm soát tốt rủi ro trong lĩnh vực ưu tiên là cho vay bất động sản. Điều này có rủi ro gì ở thời điểm hiện nay không, thưa ông?

Bất động sản là lĩnh vực có cơ hội lớn và dài hạn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất cao, thuộc nhóm hàng đầu trên thế giới. "Mảnh vải" còn lại, có nhiều cơ hội trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị trường của Việt Nam khi chưa mở toang, là bất động sản.

Hiện tại, có thể phân ra hai phân khúc có xu hướng phát triển tương đối nhanh, đó là bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp. Về lâu dài, có một phân khúc khác sẽ phát triển khá nhanh, đó là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng – mỏ vàng tiềm năng rất lớn của Việt Nam – sẽ được phát huy khi đi sâu vào kinh tế dịch vụ và thu hút khách quốc tế.

Các lĩnh vực trên đều cần đến những nhà tài trợ cho vay, đó là những ngân hàng lớn và có tầm nhìn. Bởi, thị trường còn gặp quá nhiều khó khăn, nhất là khi nhà đầu tư thiếu vốn, vướng các thủ tục về đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Nếu không có những nhà tài trợ trong trung và dài hạn, làm xong thủ tục trong vài ba năm, doanh nghiệp có thể hết vốn để phát triển.

Hay như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, vừa đầu tư, vừa phải chờ đợi cơ hội từ khách hàng và việc tháo gỡ pháp lý cho thị trường. Đây cũng là lĩnh vực tài trợ an toàn về phương diện tài sản, an toàn khi thị trường được bảo hộ. Nhưng sẽ đòi hỏi lượng vốn trung và dài hạn rất lớn. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước lại đang có những khống chế về cho vay bất động sản.

Điều này có mâu thuẫn gì với định hướng "Rủi ro thấp, lợi nhuận cao" mà Techcombank hướng đến không, thưa ông?

Thị trường bất động sản đóng băng, hay bong bóng có liên quan đến chu kỳ kinh tế, thậm chí có những rủi ro không thể dự đoán trước, ví dụ như COVID-19.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cho vay nhà ở chiếm một tỷ trọng rất lớn trong hoạt động cho vay của ngân hàng. Ở Châu Âu, tỉ lệ này là 20%, ở Mỹ là 30%... 

Danh mục bất động sản của Techcombank tương đối lớn nhưng so với các tổ chức tín dụng khác lại không quá cao, và đáp ứng các chỉ số an toàn. Hoạt động cho vay lĩnh vực bất động sản cũng được phân định rõ ràng đâu là cho vay kinh doanh đầu tư, đâu là cho vay để mua nhà. Như với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản đều được ngân hàng áp dụng hệ số rủi ro 200 - 250%, từ đó tác động tới các chỉ số an toàn vốn. Hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của Techcombank lên tới 16%, cao nhất hệ thống.

Thực tế, Techcombank đang phát huy khá tốt các lĩnh vực tư vấn tài chính khác, để tạo ra một dòng tiền dương mạnh, ví dụ thông qua hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu, tài trợ thương mại, tăng vốn cấp hai…

Chính nhờ việc tập trung vào chất lượng dịch vụ, Techcombank vẫn việc tăng tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA). Đây chính là cơ sở để đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay. Tỉ lệ an toàn vốn (CAR) cuối kỳ của Techcombank, theo Basel II, vẫn đạt 16,9%, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của trụ cột I Basel II (8%) và cao hơn mức 15,5% tại thời điểm cuối năm 2019. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) tại Techcombank đang cao nhất trong hệ thống ngân hàng. 

MINH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên