23/02/2021 09:59 GMT+7

Tạo tâm thế công bằng cho doanh nhân

Ông NGUYỄN HỒ NAM  (chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital)  - NGỌC HIỂN ghi
Ông NGUYỄN HỒ NAM (chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital) - NGỌC HIỂN ghi

TTO - Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư của thế giới. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư trong nước cũng rất dồi dào, rất cần được nỗ lực để khuyến khích, thúc đẩy đầu tư.

Tạo tâm thế công bằng cho doanh nhân - Ảnh 1.

Tại một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam - Ảnh: THANH HƯƠNG

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng, tôi mong rằng chính sách thu hút đầu tư vào nền kinh tế làm sao để tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp (DN) Việt và tập đoàn quốc tế.

Tiềm lực nay đã khác

Trong một thời gian dài, phần lớn chúng ta kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vì DN Việt lúc đó rất nhỏ, yếu và không đủ năng lực để triển khai các dự án lớn.

Chúng ta rất vui mừng, từ lãnh đạo đến các cá nhân, khi có những dự án FDI lớn vào. Điều này đúng, dù có dự án chỉ khoảng 100 triệu USD. Vì có thể đi theo đó là kinh nghiệm quản lý, là công nghệ… 

Trước đây hầu như không có DN nội đầu tư cả 100 triệu USD. Nhưng hiện tại tình hình đã thay đổi. Thống kê của Bộ KH-ĐT cho thấy tỉ lệ DN FDI đem công nghệ cao vào Việt Nam không nhiều. Đã có những DN lớn của Việt Nam có thể đầu tư cả tỉ USD vào nền kinh tế, lớn hơn DN FDI nhiều và công nghệ áp dụng cũng không kém nhiều DN FDI.

Trong khi đó, DN FDI khi vào Việt Nam vẫn dễ dàng được rất nhiều cơ chế ưu đãi trong chính sách như thuế, đất đai, lao động, thanh tra, kiểm tra… trong khi DN Việt quy mô tương tự nhưng ưu đãi vẫn chưa được "mở ra", đơn giản vì đó không phải là DN nước ngoài hoặc vì yếu tố kỹ thuật nào đó. 

Điều này tạo cạnh tranh bất công bằng giữa DN nội và DN FDI ngay trên sân nhà.

Tạo tâm thế công bằng cho doanh nhân - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: T.ĐẠT

Nhiều ngành mong chính sách rõ ràng

Suy cho cùng, DN FDI luôn tìm những bến đỗ hấp dẫn hơn, họ có thể đi khi một số lợi thế cạnh tranh của Việt Nam không còn. Ngay khi suy thoái, họ thường co cụm, trở về chính quốc.

Rõ ràng tính ổn định, dài hạn của FDI đòi hỏi Việt Nam phải củng cố nội lực, đảm bảo sức chịu đựng, tính ổn định của nền kinh tế. DN Việt có sống, có chết cũng phải ở trong nước, tạo ra giá trị đa số tái đầu tư trong nước. 

Do đó, chúng tôi mong muốn những người làm chính sách nên định hình lại các chính sách ưu đãi, bảo vệ cho các DN Việt phát triển, trở thành những tập đoàn có đủ sức cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu của thế giới.

Ví dụ ở những ngành mà chúng tôi đang đầu tư như ngành năng lượng, đặc biệt là bất động sản, nếu chính sách rõ ràng, thông thoáng, quá trình phê duyệt nhanh chóng, giảm đi các chi phí cơ hội thì không chỉ các DN mà cả ngành bất động sản cũng phát triển tốt, lành mạnh hơn. Bên cạnh đó, quy hoạch rõ ràng, dài hạn hơn thì các DN sẽ mạnh dạn rót vốn đầu tư, rót thêm nguồn lực cho nền kinh tế.

Với ngành năng lượng, nghị quyết 55 đã xác định chiến lược ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo và thu hút tư nhân tham gia. Nhiều dự án quy mô lớn đã đưa Việt Nam thành một trong những nước dẫn đầu châu Á, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc, về năng lượng tái tạo. Điều này cho thấy tiềm lực của các DN Việt đã lớn lên rất nhiều. 

Nhưng để tạo điều kiện cho DN, các chính sách liên quan từ chính sách giá, đấu nối, đất đai, quy hoạch... phải phù hợp, kịp thời, ổn định và có tính khuyến khích bởi đây là ngành cần vốn lớn, rủi ro cũng cao.

Thực tế DN rất ngại khi quá trình đầu tư gặp nhiều vướng mắc từ thủ tục hành chính, đền bù giải tỏa mặt bằng, nhưng hoàn thành lại gặp chính sách giá không ổn định, rất nguy hiểm.

Các doanh nhân Việt khi đã thành công ở mức độ nhất định, việc phát triển DN sẽ không còn cho cá nhân họ nữa, mà hướng đến những mục tiêu lớn hơn tạo giá trị cho cộng đồng, cho sự tự hào dân tộc. 

Đã đến lúc cần rà soát, điều chỉnh để thay đổi các chính sách, kể cả tâm thế của cán bộ, công chức trong xử lý công việc nhằm tạo sự công bằng trong các DN Việt, giảm đi những khó khăn không đáng có để nội lực Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn.

Ông Chu Tiến Dũng (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM): Chính sách cần khuyến khích DN nội

Các DN phản ánh rằng vẫn còn tư tưởng đánh giá cao nguồn lực ngoại, chưa tin DN trong nước có thể đảm đương mà hướng đến DN FDI nhiều hơn. Ở nhiều nơi, DN FDI khi gặp gỡ chính quyền, trao đổi vướng mắc thuận lợi hơn, trong khi với DN nội cũng có những vướng mắc chưa được quan tâm sát sao.

Đặc biệt với DN nội, nhiều kiến nghị của các hội đại diện cho DN chưa được lắng nghe, giải quyết rốt ráo như DN FDI.

Ngoài ra, việc xử lý các vấn đề phát sinh, Nhà nước cẩn trọng, dè dặt với DN ngoại nhưng lại mạnh tay với DN nội. Ví dụ hình sự hóa một vấn đề kinh tế, với DN FDI thì cân nhắc rất kỹ hoặc quyết định thanh tra một DN FDI cũng rất cẩn trọng, trong khi DN nội lại nhiều khi quyết định nhanh chóng, thậm chí vội vàng. Điều này dẫn đến nhiều DN nội cảm thấy dường như chưa có sự công bằng.

Mặt khác, việc quy hoạch những lĩnh vực thu hút FDI chưa rõ ràng, dẫn đến sự cạnh tranh giữa các địa phương trong khi có những lĩnh vực DN Việt hoàn toàn có thể đảm đương, thậm chí làm tốt thì lại trao cơ hội cho DN FDI.

Do đó cần phải có quy hoạch chỉn chu, những lĩnh vực DN trong nước thực hiện được thì cần mạnh dạn thu hút và có chính sách khuyến khích DN nội phát triển, bứt phá hơn nữa, đó cũng là khát vọng chính đáng của DN nội.

Doanh nhân Kim Chi: Khám phá khả năng bản thân từ COVID Doanh nhân Kim Chi: Khám phá khả năng bản thân từ COVID

Chính thời gian giản cách xã hội, chống dịch COVID 19, nữ hoàng doanh nhân Kim Chi đã phát hiện ra nhiều tài lẻ của mình cùng nguồn năng lượng tích cực, hướng đến một năm 2021 đầy hứa hẹn.

Ông NGUYỄN HỒ NAM (chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital) - NGỌC HIỂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên