14/10/2016 13:46 GMT+7

Tạo sức cạnh tranh cho xe buýt

TS VÕ KIM CƯƠNG - THU DUNG ghi
TS VÕ KIM CƯƠNG - THU DUNG ghi

TTO - Phải quy hoạch hệ thống giao thông công cộng có sự phối hợp giữa các phương tiện (từ MRT, buýt nhanh, buýt, đến taxi, xe ôm) để đưa được hành khách “từ cửa đến cửa”.

Từ nhu cầu của người dân, tuyến xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất - công viên 23-9 (TP.HCM) mới được đưa vào hoạt động phục vụ hành khách - Ảnh: TỰ TRUNG
Từ nhu cầu của người dân, tuyến xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất - công viên 23-9 (TP.HCM) mới được đưa vào hoạt động phục vụ hành khách - Ảnh: TỰ TRUNG

Đây là ý kiến của TS Võ Kim Cương - nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM - đề xuất một số giải pháp để tạo sức cạnh tranh cho xe buýt nhằm thu hút nhiều người bỏ xe máy để đi xe buýt.

Hiện nay, mạng lưới xe buýt ở các đô thị chưa cung cấp được những dịch vụ rẻ tiền và thuận lợi hơn xe máy dẫn đến việc người dân vẫn ưu tiên chọn xe máy để đi lại.

Vì vậy, chính quyền cần có các chiến lược tạo sự cạnh tranh lâu dài giữa xe buýt và xe máy.

Mục tiêu cao nhất của chiến lược là người dân chấp nhận từ bỏ xe máy và ôtô con để đi xe buýt và MRT (metro).

Phát triển xe buýt đưa rước

Trước hết, cần xác định xe máy là đối thủ cạnh tranh số 1 của xe buýt.

Mặt mạnh của xe máy là đi được “từ cửa đến cửa”, phù hợp với thu nhập và nhu cầu về tiện ích của dân chúng hiện nay, phù hợp với cấu trúc đô thị nhiều đường hẻm, dễ luồn lách khi có tắc nghẽn đường, tải trọng nhẹ, ít ô nhiễm hơn xe buýt và được miễn chi phí giao thông.

Tuy nhiên, người đi xe máy phải chấp nhận đây là phương tiện kém an toàn, phải chịu mưa nắng ngoài đường, thiếu vệ sinh và chiếm chỗ để xe trong nhà.

Trong khi đó, xe buýt có các điểm mạnh hơn xe máy (đối với hành khách) như an toàn hơn, tránh được mưa nắng, giá dịch vụ thấp, không cần chỗ để xe trong nhà...

Những điểm mạnh này phù hợp nhu cầu của đa số công nhân, học sinh - sinh viên, người có thu nhập thấp được Nhà nước hỗ trợ.

Chính vì vậy, những nhóm người này đều ưu tiên sử dụng xe buýt để di chuyển.

Trung tâm Quản lý và điều hành hành khách công cộng phải nắm bắt được nhu cầu này để nhanh chóng tiến hành các cuộc khảo sát, nghiên cứu cụ thể nhu cầu của từng đối tượng hành khách để phát triển mạng lưới xe buýt đưa rước ở các khu dân cư, khu công nghiệp, các trường học...

Bên cạnh đó là cần phải đẩy mạnh xây dựng một số chiến lược marketing hữu hiệu hơn, tiếp cận gần hơn các thị trường này để phát triển dịch vụ xe buýt đưa rước.

Tạo làn đường riêng cho xe buýt

Khó khăn không thể vượt qua để phát triển giao thông công cộng là cấu trúc đô thị hiện hữu ở TP.HCM không phù hợp cho xe buýt mà phù hợp với xe máy.

Việc cải tạo thành phố để phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) còn rất lâu dài và tốn kém.

Do đó rất cần một đề án tích hợp nhiều phương tiện trên hiện trạng đô thị hiện hữu đáp ứng nhu cầu đi lại của dân.

Đó là đề án quy hoạch hệ thống giao thông công cộng có sự phối hợp giữa các phương tiện (từ MRT, buýt nhanh, buýt, đến taxi, xe ôm) để đưa được hành khách “từ cửa đến cửa”.

Ví dụ, hành khách có thể đi xe máy hay taxi từ nhà ra bến xe buýt, khi xuống trạm lại có xe ôm hay taxi đưa đến đích.

Các ga MRT, xe buýt nhanh cách nhau khá xa nhưng đó là các tâm điểm hút khách.

Bên cạnh quy hoạch đô thị tập trung dân cư tại các tâm điểm này (theo TOD), cần quy hoạch và đầu tư hệ thống xe buýt thường, taxi, xe máy nối tiếp từ các ga, trạm đến đích mà hành khách cần đến.

Hiện nay chưa có quy hoạch hệ thống này, tại các bến xe chưa có chỗ gửi xe cho hành khách.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch và ưu tiên đầu tư thực hiện làn đường dành riêng cho xe buýt ở mọi nơi có thể.

Sự đúng giờ của xe buýt là yếu tố có tính quyết định trong việc chọn phương tiện của người dân (đường hỗn hợp rất khó đảm bảo yêu cầu đúng giờ).

Tuy nhiên, cấu trúc đô thị hiện nay khó bố trí đường (hay làn xe) dành riêng cho xe buýt.

Do đó, cần có nghiên cứu khảo sát thật kỹ khi lập quy hoạch giao thông công cộng. Có thể nghiên cứu áp dụng phát triển đường riêng cho xe buýt gắn liền với phát triển đường riêng cho xe máy.

Nghĩa là sẽ có một số đoạn tuyến giao thông chỉ dành riêng cho ôtô (trong đó có xe buýt) và cấm xe máy, đồng thời chọn một số đường hẻm và xây một số cầu nhẹ để bảo đảm có đường dành cho xe máy.

Kết hợp hạn chế xe cá nhân

Để phát triển giao thông công cộng, việc hạn chế ôtô con và xe máy là cần thiết.

Với ôtô, có thể áp dụng các giải pháp như hạn chế vào khu vực nội thành, chỉ cho đăng ký xe khi có chỗ để xe, “visa” ưu tiên mua xe cho một số đối tượng đặc biệt sinh sống và làm việc tại khu trung tâm, thu một số loại phí và thuế khi vào khu vực trung tâm, cấm đậu xe ở những tuyến đường có lưu lượng giao thông cao...

Với xe máy, cần thực hiện việc hạn chế ở những nơi đã có xe buýt (bao gồm cả xe đưa rước công nhân, học sinh - sinh viên).

Khi đã chắc chắn bảo đảm phương tiện đi lại công cộng thuận lợi (hoặc có xe đưa rước), nên cấm một số đối tượng như học sinh - sinh viên, công chức, công nhân công nghiệp đi xe máy đến trường hoặc nơi làm việc, không tổ chức để xe máy trong trường học, công sở, nhà máy...

TS VÕ KIM CƯƠNG - THU DUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên