Táo Quân 2018 đã được phát sóng lúc 20h đêm 15-2. Trước đó chương trình này đã diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội trong 3 đêm để ghi hình.
Chương trình diễn thực tế trên sân khấu dài gần bốn tiếng hôm đầu tiên (2-2) chỉ đem lại được một số tiếng cười lẻ, khó lấy được những tràng cười dài sảng khoái của khán giả như những mùa trước.
Táo Quân 2018 không có màn báo cáo, các Táo đã phải làm rất nhiều trò trước khi đến được với màn cuối cùng đặc sắc nhất của chương trình - Ảnh: VTV
Bản phát sóng đêm giao thừa được cắt gọt cho cô đọng hơn, nhưng với kịch bản như năm nay thì khó mà "gột lên hồ".
Phần đầu của chương trình phần lớn là những trò lẻ trước giờ vào chầu. Qua màn bắt nạt của Bắc Đẩu với Thiên Lôi để lộ ra vấn đề bạo hành ở nhà trẻ mầm non.
Nam Tào có đá qua hai câu về nhân vật Vũ "Nhôm" nhưng ngay lập tức tự nhận định đây là vấn đề "nhạy cảm" không nên nhắc tới nhiều.
Vấn nạn cực nóng của năm 2017 là các chốt BOT được thể hiện bằng trò tiểu xảo vượt qua trạm soát vé Thiên đình của các Táo, nhưng chỉ phản ánh bằng trò đổi tiền lẻ làm khó cho các trạm BOT và cảm giác hả hê của cánh lái xe thông qua câu nói của Táo Kinh tế: "Tôi vung tay tiêu hàng nghìn tỉ đồng không sao, lên trên đây trốn được cái vé thấy sung sướng thôi rồi".
Nhan sắc của "cô" Đẩu trở thành trò vui của năm nay. Đẩu liên tục bị các Táo trêu chọc, nhưng theo kịch bản thì Đẩu chẳng có màn nào đáp lại cho tương xứng với tính cách oái oăm của nhân vật này - Ảnh: VTV
Nhan sắc của "cô" Đẩu năm nay đã trở thành đối tượng nhận mọi búa rìu dư luận, để thông qua đó chương trình nhắc được đến hai vấn đề là scandal cuộc thi Hoa hậu Đại dương và có đá qua về cải cách tiếng Việt.
Màn trao đổi của Táo Hưu trí và con trai sau đó là tiền đề để nhắc đến câu chuyện con ông cháu cha, bổ nhiệm thần tốc vấn nạn lâu năm tại Việt Nam. Nhưng đây cũng là một màn trình diễn không có mấy câu thoại, trò vè gì đặc sắc.
Những từ khóa như "chạy xe ôm", "bán chổi đót", "nuôi lợn" nhắc cho khán giả nhớ đến câu chuyện xây biệt phủ của quan chức. Bản chất của những câu chuyện thật đã rất tức cười. Tiếc rằng màn chế giễu của các Táo không vượt qua được chất liệu hiện thực này.
Phần giới thiệu các Táo nhí dễ lấy được tiếng cười của khán giả, nhưng không ổn lắm với các cháu thiếu nhi khi các cháu phải chuyển tải đi thông điệp "cầm tiền thì sợ tiền rơi, cầm tờ A4 đời đời ấm no".
Táo Y tế chọn trang phục trắng tinh khôi cho màn trình diễn thời trang - Ảnh: VTV
Màn trình diễn thời trang của các Táo là một màn câu giờ nhạt nhẽo trước khi đến với hồi kết. May thay màn kết với trò chơi Giành ghế đã kéo lại được tiếng cười của khán giả.
Đây là phần làm nổi bật nhất vấn đề mà Táo Quân muốn phản ánh vào năm nay. Đó là tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm vì quan hệ thay vì bổ nhiệm đúng thực lực. Khi những người thiếu năng lực được đặt vào các vị trí quan trọng sẽ dẫn đến rối loạn hệ thống.
Trò giành ghế, màn đặc sắc nhất của chương trình - Ảnh: VTV
Thông qua trò chơi giành ghế, các Táo đã bộc lộ bản chất tham lam của họ. Chiếc ghế là biểu tượng của quyền lực đã được chương trình hiện thực hóa bằng mô hình một chiếc ghế khổng lồ. Đó là chiếc ghế tất cả các Táo phải đánh đu để leo lên, dẫm đạp lên nhau để trèo lên được tới đỉnh.
Chiều cao của chiếc ghế đã thể hiện thâm ý của Ngọc Hoàng: leo lên ghế đã khó, nhưng xuống ghế khó hơn. Thông điệp này thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Ngọc Hoàng, là lời răn đe nghiêm khắc của ngài, hướng tới cả những đối tượng muốn hạ cánh.
Táo Quân là chương trình bám sát các sự kiện thời sự trong năm. Những vấn đề bức xúc, nóng bỏng trong năm sẽ được người làm kịch bản biến báo, thông qua tài năng thể hiện của mỗi diễn viên sẽ tạo nên tiếng cười.
Năm nay dễ nhận thấy các vấn đề xã hội của năm 2017 được đề cập quá mỏng. Các Táo gần như chỉ nhắc đến như điểm danh cho có. Chưa có vấn đề nào được đặt ra và châm biếm cho ra ngô ra khoai, nên diễn viên cũng khó có thể chọc cười khán giả tới nơi tới chốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận