Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bản dập đúc trên mặt trống đồng Đồng Sơn tại Bảo tàng Lịch sử VN (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN) vào năm 1961. Ảnh đang trưng bày tại triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân di", chào mừng Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 3 - Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Dịp này, Tuổi Trẻ trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng xung quanh hội nghị và những gì ngành văn hóa sẽ làm sau hội nghị.
Đảm bảo hàm lượng văn hóa trong kinh tế
* Ông có thể chia sẻ một chút về Hội nghị văn hóa toàn quốc sắp tới?
- Hội nghị trực tiếp sẽ có khoảng gần 600 đại biểu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và hầu hết các ủy viên Bộ Chính trị sẽ tham dự hội nghị. Tổng bí thư sẽ phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Nội dung trọng tâm của hội nghị là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa; tổng kết 35 năm đổi mới văn hóa đạt thành tựu gì, khó khăn gì, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Các tham luận sẽ không đi vào báo cáo thành tích của ngành, địa phương mình mà tập trung nêu những yếu kém lâu nay để cùng bàn cách khắc phục.
Hội nghị cho thấy sự quan tâm rất lớn của Bộ Chính trị và Ban Bí thư với văn hóa, coi văn hóa là động lực của phát triển. Sự quan tâm, quan điểm này của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ lan tỏa tới các đại biểu để có nhận thức đúng về vai trò của văn hóa. Khi có nhận thức đúng thì sẽ có hành động đẹp, tất cả vì khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.
* Là người đứng đầu trong quản lý văn hóa, ông kỳ vọng gì vào hội nghị này với sự phát triển của ngành mình?
- Chúng tôi kỳ vọng những người làm văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ, toàn đảng, toàn dân, toàn quân đều nhận thức đúng, sâu sắc, toàn diện quan điểm của Đảng ta về văn hóa, bên cạnh đó là kỳ vọng có thể xác lập, xây dựng một hệ sinh thái văn hóa sau hội nghị.
Để tạo dựng môi trường văn hóa, phải chọn việc, chọn lĩnh vực làm trước, như ưu tiên văn hóa doanh nghiệp bởi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế, làm sao đảm bảo hàm lượng văn hóa trong kinh tế.
Việc cần làm nữa là phát huy văn hóa được hun đúc từ hàng ngàn năm để xây dựng đời sống văn hóa thực chất hơn từ khu dân cư, từng cơ quan đơn vị, để nó thực sự là môi trường văn hóa cho con người được phát triển đó.
Phải thực hành văn hóa làm sao để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra - đó là con người yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước, cần cù, sáng tạo...
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: NAM TRẦN
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực làm văn hóa
* Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Bộ VH-TT&DL đang xây dựng có xác định phải xây dựng một nền công nghiệp văn hóa, bộ sẽ xây dựng thế nào?
- Bộ đang rà soát các chính sách pháp luật để thiết kế, xây dựng luật theo hướng khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa, mà trước mắt là chúng tôi đang sửa đổi Luật điện ảnh theo hướng này.
Chúng tôi tập trung ưu tiên cho các nhóm ngành văn hóa có điều kiện phát triển như điện ảnh, thiết kế sáng tạo... để tới đây có thể tăng tỉ lệ đóng góp vào GDP của công nghiệp văn hóa lên 7%.
Ngoài việc hoàn thiện chính sách pháp luật thì rất cần đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật mà hiện nay đang có nhiều khó khăn.
Đội ngũ làm văn hóa hiện nay chưa được như mong muốn, và điều này không chỉ riêng ngành văn hóa mà ở tất cả lĩnh vực khác. Đòi hỏi bức thiết là phải nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực làm văn hóa văn nghệ.
* Và còn nhiều việc khác phải làm để vực lại văn hóa, thưa ông?
- Bộ xác định phải nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, bao gồm cả những hoạt động của văn học nghệ thuật với tư cách bồi dưỡng xây dựng những giá trị chân - thiện - mỹ, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em trong chỉnh thể văn hóa Việt Nam, nâng cao chất lượng các đoàn nghệ thuật, phát triển song song cả nghệ thuật hàn lâm và văn hóa quần chúng.
Đồng thời xác định nỗ lực bảo vệ và phát huy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú của đất nước, coi đây là báu vật quốc gia. Bởi các di sản không chỉ là hồn cốt dân tộc kết nối con người từ quá khứ tới hiện tại, tương lai mà còn là báu vật để phát triển du lịch văn hóa.
Bạn bè quốc tế đến Việt Nam vì điều gì? Chính là vì giá trị văn hóa, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người - những giá trị độc đáo và riêng biệt mà họ không tìm được ở những nơi khác.
Việc tăng cường hội nhập giao lưu, hợp tác cũng phải được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới đồng thời tiếp thu có chọn lọc giá trị văn hóa của nhân loại. Nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào văn hóa cũng cần phải được tiếp tục đẩy mạnh.
Văn hóa đang rất cần được chấn hưng vì đang sa sút
Chia sẻ nhân Hội nghị văn hóa toàn quốc sắp diễn ra, tại tọa đàm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" vào sáng 17-11, nhà sử học Dương Trung Quốc góp ý rằng việc lựa chọn những người làm quản lý văn hóa phải khác với lựa chọn những người làm quản lý kinh tế.
Ông dẫn ví dụ một thời những trí thức cách mạng làm văn hóa đã để lại những dấu ấn rất sâu sắc như giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám... để nhắc rằng ngày nay nên xem lại việc sử dụng con người, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - chủ tịch Hội đồng Phê bình lý luận văn học nghệ thuật trung ương - cũng đồng ý rằng đội ngũ cán bộ làm văn hóa phải khác nhưng lâu nay nó lại đang khác theo hướng tiêu cực.
"Hình như bố trí cán bộ làm văn hóa lâu nay theo cách là sau khi các ngành khác chọn hết người tài rồi thì còn lại cho làm văn hóa. Cán bộ mà không hiểu biết thì cố gắng bao nhiêu cũng không làm tốt được" - ông Kỷ nói.
Về kỳ vọng "chấn hưng văn hóa" của hội nghị, ông Dương Trung Quốc nói văn hóa đang rất cần được chấn hưng bởi nó đang sa sút; ai cũng nhìn thấy những thành tựu đáng ghi nhận về chính trị, kinh tế nhưng thành tựu trong văn hóa thì ít.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận