Để tạo sự vui vẻ, thoải mái, thầy cô có thể tặng những món quà nho nhỏ cho học sinh khi trở lại trường - Ảnh: NHƯ HÙNG
"Trong khi con lớn của tôi đếm từng ngày để được đi học lại thì bạn nhỏ đang học lớp 2 vẫn cứ khăng khăng không muốn quay lại trường" - chị Phạm Hồng Phương, phụ huynh ở Q.4, TP.HCM, cho biết. Trường hợp của con chị Phương không phải là hiếm. Nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non hoặc đang học lớp 1, 2, 3 ở TP.HCM cho biết, họ đang rối bời vì không biết phải làm cách nào để con cảm thấy vui vẻ với việc đi học lại.
Cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà - khối trưởng khối 1, Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, Q.5, TP.HCM - chia sẻ: "Các em nghỉ ở nhà quá lâu, tâm lý không muốn đi học là điều đương nhiên. Thường trong những trường hợp này, tôi sẽ phối hợp với phụ huynh, nhờ họ nhắc các con rằng cô giáo nhắn đến ngày đó sẽ quay lại trường, cô rất nhớ các con.
Trong những ngày đầu tôi cũng sẽ không vào bài ngay mà chuyện trò để các con kể về quãng thời gian vừa rồi ở nhà làm gì, cảm thấy như thế nào, đã làm được việc tốt ra sao. Ngoài ra, tôi sẽ tìm cách khơi lại những kỷ niệm vui vẻ từ học kỳ 1 như: cô đã dạy các con múa bài này, hát bài này, giờ các con hát lại cho cô nghe".
Cô Hà cho biết cô không vội vã áp đặt học sinh phải học, phải hoàn thành bài theo đúng tiến độ mà linh hoạt để những ngày đầu các con cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi đến trường. "Tôi sẽ cho học sinh ôn tập kiến thức cũ. Nếu lỡ các con có quên thì cũng không la rầy mà động viên để con cố gắng hơn" - cô Hà nói.
Cô Nguyễn Thị Kim Hương - hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM - thông tin: "Khi họp giáo viên để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, chúng tôi luôn nhắc các thầy cô phải linh động và hiểu tâm lý học sinh. Có thể vài ngày đầu đến trường sẽ có một số bé đi học trễ hoặc vô lớp thì mệt mỏi, ngáp ngắn ngáp dài do tối hôm trước đi ngủ trễ. Thấy vậy giáo viên cũng đừng la mắng các em mà cần hỏi han, gần gũi và nhắc nhở để các em đi ngủ sớm hơn.
Tôi cũng lưu ý các giáo viên không tạo áp lực học tập cho học sinh trong những buổi học đầu tiên mà chỉ ôn tập kiến thức và rèn nề nếp sinh hoạt để học sinh cảm thấy yêu trường, yêu lớp trở lại".
Cho trẻ thời gian để bắt nhịp lại
Các bậc cha mẹ hãy cùng con điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt hằng ngày cho gần giống với thời gian sinh hoạt ở trường, buổi tối phải đi ngủ sớm để sáng hôm sau có thể dậy sớm, ăn uống đúng bữa và đúng giờ.
Ngoài ra, những ngày vừa rồi trẻ đã được nghỉ ở nhà quá lâu nên sự chểnh mảng bài vở chắc chắn là có. Khi học sinh đi học, các thầy cô nên cho trẻ thời gian bắt nhịp trở lại, đồng thời phối hợp với phụ huynh để giúp học sinh đi vào khuôn khổ.
ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận