12/05/2020 08:18 GMT+7

Dạy và học nước rút hướng đến 'đích' 15-7

THẢO THƯƠNG - VĨNH HÀ
THẢO THƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - Sáng 11-5, học sinh tiểu học nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, trở lại trường sau khoảng 3 tháng nghỉ phòng dịch COVID-19.

Dạy và học nước rút hướng đến đích 15-7 - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) ngồi giãn cách khi trở lại trường sáng 11-5 - Ảnh: HỒNG HẠNH

Về kế hoạch học tập, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.7 (TP.HCM) chia sẻ: "Dạy trực tuyến sẽ không bằng dạy và học trực tiếp nên bố trí dạy học trong điều kiện đã tinh giản với mốc thời gian về 'đích' là 15-7, sẽ có khó khăn về thời gian, kiến thức để làm sao chuyển tải hết cho học trò…".

Tuần đầu tiên ôn lại kiến thức

Cô Đặng Như Loan - giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2 Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) - chia sẻ: "Trường trước đây tổ chức học 2 buổi/ngày và có bán trú. Trở lại với lớp học trong tình hình dịch bệnh, tâm thế của giáo viên cũng như học sinh bây giờ là dạy và học cho kịp chương trình. 

Kế hoạch của trường là tuần đầu tiên - tuần 28 - ôn tập lại những kiến thức mà học trò học online, học qua truyền hình. Sang tuần 29 sẽ dạy chương trình mới. Kết thúc năm học là tuần 35, trong khoảng 9 tuần này tôi e rằng cũng là áp lực về thời gian cho cô trò. 

Mình dạy kiểu như chạy nước rút, chưa kể học trò nghỉ quá dài, ít nhiều cũng quên kiến thức".

Trong khi đó, thầy Dương Trần Bình - hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) - khẳng định đi học lại sẽ gặp khó khăn nên dành tuần đầu để "bồi" lại kiến thức cho các em. Việc "bồi" sẽ vất vả hơn khi các em hoàn toàn không học trực tuyến suốt ba tháng dài. 

"Tuần 28 là tuần giáo viên phân loại, kiểm tra đảm bảo kiến thức, đặc biệt 'bồi' kỹ năng cho học sinh. Chẳng hạn khi học trò lớp 1 học trực tuyến, luyện viết chữ, giáo viên sẽ chấm bài viết qua trang vở hoàn thành được cha mẹ chụp gửi online. Nhưng kỹ thuật, nét chữ, đá nét, độ cao… như thế nào cho đúng, các cô phải luyện lại" - thầy Bình cho biết.

Rèn lại nề nếp

Tại Hà Nội, một giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, cho biết: "Học sinh tiểu học học trực tuyến không hiệu quả bằng học sinh các lớp lớn do các con chưa có khả năng tập trung, tự giác. Việc học qua ứng dụng có những hạn chế nên nhiều trẻ không quen. 

Trở ngại lớn nhất khi học sinh trở lại trường là việc phải rèn lại nề nếp học tập. Việc này phải mất vài tuần, vì thế khó mà chạy nhanh chương trình để kết thúc sớm được".

Hiệu trưởng các trường tiểu học Kim Liên, Đại Từ, Chu Văn An cũng cho biết giáo viên phụ trách học sinh lớp 1, 2 thời điểm này rất vất vả vì "có những cái phải rèn lại từ đầu". 

"Học sinh nghỉ học lâu quá, có những con đến lớp còn khóc. Điều dễ nhận thấy là nhiều con viết chữ xấu đi rất nhiều. Những kiến thức được học trước khi nghỉ và trong thời gian học online, nhiều con bị quên" - giáo viên chủ nhiệm lớp 2 Trường tiểu học Phương Mai nhận xét.

Ổn định tâm lý

Ông Lê Đức Thuận - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Ba Đình (Hà Nội) - cho biết với học sinh tiểu học, các trường sẽ phải dành ít nhất 1 tuần sau khi các con trở lại trường để ổn định tâm lý, nề nếp.

"Có những học sinh trong thời gian dạy học trực tuyến lại được bố mẹ cho về quê, hoặc nhà có 2 con học nhưng chỉ có một thiết bị để học, chưa kể có học sinh khả năng tiếp thu theo hình thức trực tuyến hạn chế... Tất cả các trường hợp này phải rà soát để có kế hoạch cụ thể bổ sung kiến thức theo các nhóm học sinh khác nhau" - ông Lê Đức Thuận nói.

TP.HCM: Cho phép các trường thực hiện bán trú và mở lại căngtin TP.HCM: Cho phép các trường thực hiện bán trú và mở lại căngtin

TTO - "Các hoạt động có tập trung đông người, dịch vụ (căngtin, bếp ăn, bán trú,...) khi được tổ chức trong nhà trường phải thực hiện các biện pháp an toàn". Đó là một trong những nội dung mà Sở GD-ĐT TP.HCM gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

THẢO THƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đi học lại