12/09/2022 17:14 GMT+7

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất tốt

N.AN - VGP
N.AN - VGP

TTO - Trong tháng 7, chúng tôi đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam theo chiều lên. Đây là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà chúng tôi tăng dự báo tăng trưởng. Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết tại hội nghị hôm nay 12-9.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất tốt - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Việt Nam "cần một chính sách tài khóa hợp lý"

Phát biểu tại đây, ông Andrea Coppola - kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - nhận định trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, với tình trạng lạm phát, tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, thì sự tăng trưởng của các đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng sẽ chậm hơn.

Trong khi đó, lạm phát có chiều hướng tăng ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng thì các nguồn cung ứng về năng lượng cũng có đứt gãy.

"Nhìn bối cảnh của Việt Nam thấy rằng nền kinh tế phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng. Tôi nghĩ tăng trưởng kinh tế trong quý 2, quý 3 rất tốt. Sự phát triển của ngành công nghiệp cũng đã có tăng trưởng vượt bậc. Nhưng nếu nhìn vào tương lai, chúng ta vẫn thấy các thách thức cơ bản" - ông Coppola nói.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất tốt - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài tham quan Bưu điện TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam "cần một chính sách tài khóa hợp lý". Việt Nam cần điều hành, cân đối giữa chính sách để phục hồi nền kinh tế và có thể kiểm soát lạm phát đang ngày càng gia tăng và có những yếu tố bất ổn trong nền kinh tế, chúng ta phải đối phó với sự thay đổi của cả nền kinh tế thế giới.

Ông Coppola cho rằng có 3 điểm cần làm. Theo đó cần có một chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý những khoản đầu tư công, và những khoản đầu tư công này phải phát huy một cách hiệu quả hơn.

Trong thời gian ngắn hạn, "chúng ta phải sử dụng tốt và hiệu quả những gói về hỗ trợ tăng trưởng phục hồi. Do vậy, chúng ta cần phải có sự phục hồi của thị trường và nguồn cầu của thị trường trong nước. Từ đó, chúng ta có thể hạn chế được tác động tiêu cực của việc tăng giá".

Nếu chúng ta kiểm soát được lạm phát thì hiệu quả và tiềm năng của nền kinh tế vẫn nằm ở dưới mức tiềm năng. Dù sao, chúng ta vẫn phải đối mặt với rủi ro của lạm phát như vậy. Nếu chúng ta đưa lạm phát lên 4% so với mức dự kiến thì chúng ta phải thắt chặt lãi suất và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải thực hiện điều này.

Những quyết định của chính sách tài chính, tiền tệ như vậy có thể hướng dẫn những hành vi của thị trường, do vậy chúng ta cần có những thay đổi rất căn bản để có thể phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ và chúng ta cần phải nâng cao sự thanh khoản của nền kinh tế. 

Thông qua cải thiện môi trường đầu tư, những nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng cần phải nâng cao năng lực và chất lượng lao động của Việt Nam.

Đại diện IMF: Việt Nam đang phục hồi rất tốt

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất tốt - Ảnh 3.

Ông Francois Phainchaud, trưởng đại diện Văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF): Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á được IMF tăng dự báo tăng trưởng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Francois Painchaud, trưởng Văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam (IMF), nhận định các chính sách liên quan phòng chống COVID-19 đã giúp Việt Nam duy trì tỉ lệ tử vong thấp, ổn định kinh tế trong ngành ngân hàng và tài chính. Đây là công việc khó khăn nhưng Việt Nam đã làm rất tốt.

Liên quan tới các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng tới Việt Nam, ông Painchaud chỉ ra rằng thế giới đang phải đối mặt rất nhiều rủi ro về lạm phát, khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phục hồi rất tốt, việc gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19, các nỗ lực bao phủ vắc xin, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, dẫn tới sự phục hồi của các lĩnh vực như du lịch.

"Năm 2023, chúng tôi giảm dự báo tăng trưởng xuống còn 6,7% do mức tăng cao của năm 2022, nhưng vẫn là mức rất cao so với các khu vực khác và so với các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á" - ông Painchaud nêu ý kiến.

Với Việt Nam, tỉ lệ lạm phát được kiểm soát rất tốt liên quan tới dịch vụ, giao thông, giá xăng dầu và tỉ giá được giữ ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực để kéo giảm lạm phát, giữ ổn định vĩ mô và đang làm rất tốt. Các điều kiện tài chính cũng được điều hành chặt chẽ. 

Ông Painchaud cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam hiện nay đã tăng lên, GDP Việt Nam tăng cao, là 1 trong 20% số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có tăng GDP, tuy nhiên theo tiêu chuẩn khu vực chưa phải là cao. Việt Nam vẫn còn vấn đề liên quan về vốn, các nghiên cứu cho thấy vấn đề vốn và tăng trưởng GDP có thể tăng rủi ro khu vực. 

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống ngân hàng với những chính sách cẩn trọng để phát triển thị trường vốn bền vững.

Thủ tướng: Tổng rà soát toàn quốc, xác định trách nhiệm hình sự, kỷ luật khi xảy ra cháy nhiều lần Thủ tướng: Tổng rà soát toàn quốc, xác định trách nhiệm hình sự, kỷ luật khi xảy ra cháy nhiều lần

TTO - Bày tỏ trăn trở khi tình hình cháy nổ là khẩn cấp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về phòng cháy, chữa cháy.

N.AN - VGP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên