08/03/2019 10:13 GMT+7

Tăng trưởng của Trung Quốc bị 'thổi phồng' thêm 2% mỗi năm?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Một nghiên cứu mới công bố chỉ ra quy mô nền kinh tế Trung Quốc nhỏ hơn 12% so với con số chính thức, còn tốc độ tăng trưởng những năm gần đây bị "thổi" lên khoảng 2%.

Tăng trưởng của Trung Quốc bị thổi phồng thêm 2% mỗi năm? - Ảnh 1.

Guồng máy hành chính nặng về thành tích là nguyên nhân khiến dữ liệu thống kê ở Trung Quốc không phản ánh đúng thực tế - Ảnh: AFP

Theo báo Financial Times, phát hiện trên được công bố bởi tổ chức học giả Viện Brookings của Mỹ ngày 7-3. Nó càng củng cố thêm nghi ngờ của dư luận thời gian qua về số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc.

Đặt trong bối cảnh hiện tại, thị trường có thêm lý do để quan ngại rằng tình trạng suy thoái ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn những gì chính phủ nước này thừa nhận. Thậm chí dựa trên dữ liệu chính thức, kinh tế Trung Quốc 2018 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990 - ở mức 6,6%.

Nghiên cứu của Viện Brookings chỉ xem xét giai đoạn 2008-2016 nên không bao gồm năm 2018. Nhưng nếu GDP 2018 bị thổi lên ở mức tương tự năm 2016, có nghĩa GDP thật sự của Trung Quốc ít hơn 10,8 ngàn tỉ NDT (1,6 ngàn tỉ USD) trong con số chính thức 90 ngàn tỉ NDT (13,39 ngàn tỉ USD).

Việc chính phủ Trung Quốc quá đặt nặng các mục tiêu con số - di sản "kế hoạch 5 năm" từ thời Mao Trạch Đông - đã biến tăng trưởng GDP thành một thứ nhạy cảm về chính trị. 

Theo nhà kinh tế Chang-Tai Hsieh thuộc Đại học Chicago, chính quyền địa phương Trung Quốc được "chấm điểm" thi đua chủ yếu dựa trên tăng trưởng của khu vực họ quản lý, từ đây mới phát sinh ra "bệnh thành tích" và động cơ thổi phồng số liệu.

Trong nhiều năm, tổng GDP các địa phương Trung Quốc luôn vượt quá con số quốc gia - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy thống kế đã bị méo mó ở cấp độ địa phương. Chính Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cũng thừa nhận tình trạng này.

Nghiên cứu của Viện Brookings cho thấy NBS đã chật vật ra sao trong việc điều chỉnh dữ liệu sai lệch họ nhận được từ các lãnh đạo địa phương. Trước năm 2008 mọi thứ còn tương đối chính xác, nhưng từ đó về sau thì... thua.

Năm ngoái, NBS tuyên bố sẽ kiểm soát chặt hơn nữa việc thu thập dữ liệu trong năm 2019 nhằm loại bỏ sự chênh lệch giữa dữ liệu quốc gia và địa phương, nhưng rõ ràng đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn một khi "bệnh thành tích" chưa khỏi.

"NBS đã nỗ lực, nhưng họ không có đủ quyền hạn, năng lực và cả động lực để làm điều đó. Sẽ không công bằng lắm nếu đổ hết cho NBS về việc làm sai số liệu GDP" - giáo sư Zheng Song thuộc Đại học Trung Quốc (Hong Kong), đưa ra nhận xét.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0