Đợt mất điện diện rộng vào tháng 5, tháng 6 vừa qua tại miền Bắc, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã ước tính phí tổn kinh tế của các đợt mất điện lên tới 1,4 tỉ USD, tương đương 0,3% GDP.
Việc điều chỉnh tăng giá điện lần thứ hai trong năm đã giảm áp lực tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhưng nguy cơ cắt điện luân phiên vẫn cận kề nếu không cấp tốc triển khai loạt dự án và xác định rạch ròi trách nhiệm các bên.
Nguy cơ thiếu điện hiển hiện
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây đã chỉ ra, trong số hàng nghìn dự án "treo", không hiệu quả và lãng phí, có nhiều dự án trọng điểm ngành năng lượng. Phần nhiều trong số này là những dự án điện, có vai trò rất lớn trong đảm bảo cung ứng điện cho đất nước như bốn nhà máy nhiệt điện Ô Môn...
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối lưới điện liên miền, góp phần cung cấp điện cho miền Bắc. Đến nay, dự án đã triển khai thi công xây dựng một hợp phần đường dây 500kV mạch kép từ Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 đến Thanh Hóa.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án thành phần đang "ngổn ngang" công tác thẩm định, chưa được phê duyệt, triển khai việc đền bù, giải phóng mặt bằng... Tiến độ thực hiện nhiệm vụ là hoàn thành dự án vào tháng 6-2024 mà Thủ tướng giao gặp không ít thách thức.
Trong khi đó, dự báo năm 2024 khả năng thiếu điện vẫn có thể xảy ra, trong trường hợp tiếp tục lặp lại "các yếu tố cực đoan".
Theo tính toán, công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, tháng 7-2024 có thể thiếu từ 420 - 1.770MW (dự báo về nguy cơ thiếu điện được Bộ Công Thương đưa ra trước thời điểm thiếu điện vào giữa mùa hè năm ngoái là gần 5.000MW).
Vì vậy, yêu cầu cấp bách triển khai các dự án đầu tư xây dựng nguồn, lưới điện, đảm bảo đồng bộ trong sản xuất, truyền tải và phân phối. Bởi khi nền kinh tế phục hồi với mức tăng trưởng từ 6 - 6,5% như chỉ tiêu mà Quốc hội vừa đặt ra trong năm 2024, chắc chắn nhu cầu điện sẽ tăng trở lại, đặc biệt trong các ngành sản xuất, dịch vụ, thu hút đầu tư.
Cần chỉ rõ trách nhiệm các bên
Kết luận thanh tra cung ứng điện của Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra một trong những tồn tại, vướng mắc gây nên tình trạng mất điện diện rộng, thiếu điện ở miền Bắc hồi giữa năm vừa qua là do việc đầu tư, xây dựng các dự án nguồn, lưới điện bị chậm trễ.
Thêm nữa, việc lập lịch, huy động các tổ máy, điều độ và vận hành hệ thống, thị trường điện còn bất cập, việc chuẩn bị nhiên liệu (than, khí, dầu) cho sản xuất điện cũng chưa đáp ứng nhu cầu...
Đến nay, việc kiểm điểm các lãnh đạo EVN đã được báo cáo và công bố công khai. Cùng với đó, Bộ Công Thương và EVN cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp để khắc phục những tồn tại, khuyết điểm đã được chỉ ra tại kết luận thanh tra.
Cuộc họp gần đây nhất của thường trực Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện hàng loạt giải pháp để sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, vận hành thị trường điện hiệu quả, xây dựng cơ chế giá điện phù hợp...
Với yêu cầu "tuyệt đối không để thiếu điện trong mọi trường hợp", khắc phục bài toán thiếu điện cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp các ngành, chứ không chỉ riêng EVN. Nhìn từ câu chuyện thu hút đầu tư của Intel càng đặt ra vấn đề cấp bách trong tháo gỡ vướng mắc triển khai dự án để có thêm nguồn điện.
Cùng với đó, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo ra một hành lang pháp lý đồng bộ, thu hút đầu tư vào các dự án nguồn và lưới điện, vận hành thị trường điện cạnh tranh minh bạch, có cơ chế giá điện hợp lý...
Cần tránh hô hào mà phải chỉ rõ trách nhiệm, thúc đẩy việc đưa giải pháp kịp thời không chỉ ở EVN mà cả các cơ quan có thẩm quyền cao hơn mới góp phần đảm bảo an ninh năng lượng một cách bền vững.
Hiếm nguồn điện mới
Đến nay, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất nguồn điện là 80.000MW song nguồn khả dụng hệ thống chỉ từ 50.000MW đến tối đa là 52.000MW.
Thực tế, trong bảy tháng đầu năm công suất khả dụng toàn hệ thống huy động được cũng chỉ đạt 47.938MW (không bao gồm nhập khẩu điện từ Trung Quốc, mua từ Lào và nhà máy điện chạy dầu), theo thông tin của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo cập nhật gần đây nhất, ngành điện cũng cho rằng năm 2025 miền Bắc có thể thiếu điện trên 3.630MW và sản lượng khoảng 6,8 tỉ kWh trong cao điểm mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) do các nguồn điện mới vào vận hành rất ít.
Tình trạng thiếu điện trong ngắn - trung và dài hạn tới năm 2025 được đặt ra như một mối lo ngại thường trực và hiện hữu khi hai năm tới miền Bắc chưa có nguồn mới nào được bổ sung, vận hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận