Không thể chỉ hô hào sẽ chống được thiếu điện, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cấp thiết cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ, sát sao hơn từ cấp Chính phủ cũng như sự vào cuộc đồng bộ, có trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương thì mới có thể khơi thông bế tắc.
Loạt vướng mắc nhiều năm vẫn... chưa rõ lối ra
Chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn, một trong những dự án trọng điểm về dầu khí, đang gặp vướng mắc như vậy.
Ông Nguyễn Quốc Thập - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - bày tỏ với Tuổi Trẻ rằng dù đây là dự án "tốn công sức của nhiều cấp" nhưng đến nay dự án vẫn có nguy cơ tiếp tục đình trệ và bế tắc.
Từ khi dự án này còn thuộc thẩm quyền đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một lãnh đạo ngành điện đã "kêu" có quá nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế thỏa thuận vay vốn tín dụng cho dự án điện Ô Môn 3 & 4, mặc dù tập đoàn này đã nhiều lần kiến nghị các cấp tháo gỡ.
Nay đã chuyển dự án sang Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư, ông Thập cho rằng dù đây là "quyết sách kịp thời" nhưng cũng chỉ mang tính tình thế, nếu như các cấp các ngành không vào cuộc đồng bộ và có quan điểm rõ ràng.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc dự án chưa thể đi đến thống nhất là do giá khí khi dự án đi vào vận hành sẽ ở mức cao.
Cụ thể, Nhà máy điện Ô Môn dự kiến vận hành vào năm 2026, giá khí đến hàng rào nhà máy được tính toán là 13,85 USD/triệu BTU (tương đương giá điện 2.400 đồng/kWh). Giá điện tạm tính năm 2030 có thể lên tới 2.800 đồng/kWh và 2035 là 3.000 đồng/kWh.
Trong khi đó, theo đánh giá của EVN, giá điện của các nhà máy điện Ô Môn cao hơn so với các nhà máy điện khác trong hệ thống. Chưa kể, theo nguyên tắc lập kế hoạch vận hành, nhà máy điện có giá biến đổi cao sẽ có thứ tự huy động phát điện sau cùng.
Do đó, sản lượng dự kiến huy động hằng năm của Nhà máy điện Ô Môn có thể chỉ ở mức cao nhất là 3.000 - 4.500 giờ, là mức thấp hơn nhiều so với yêu cầu bao tiêu là khoảng 5.700 giờ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Minh - chuyên gia lĩnh vực dầu khí - cho rằng với cam kết thực hiện giảm phát thải về 0 vào năm 2050, trong khi vòng đời khai thác của dự án khí điện như Lô B - Ô Môn là 25 năm thì khó có thể triển khai dự án, đặc biệt trong thu xếp vốn.
Trong khi đó, mức giá điện được tính toán như trên khó có thể đảm bảo hiệu quả đầu tư cho dự án nếu không được bao tiêu đủ.
Do đó, để triển khai dự án, cần có tháo gỡ trực tiếp từ cấp cao, đặc biệt liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ.
Đồng tình, ông Thập cũng cho rằng Chính phủ cần có một quyết sách rõ ràng thì dự án mới sớm được khơi thông thế bế tắc.
Truyền tải cũng nghẽn, chờ tháo gỡ
Dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối (Hưng Yên) nhằm chuyển tải điện ra Bắc, khắc phục thiếu điện miền Bắc đã được Thủ tướng giao phải hoàn thành vào tháng 6-2024.
Song đến nay còn có chín tháng, dự án này vẫn chưa được cấp chủ trương đầu tư dự án để khởi công.
"Liên tiếp nhiều cuộc họp, các đơn vị phải làm ngày làm đêm để chạy tiến độ dự án", một đại diện của chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) nói.
Dù vậy, đến nay dự án mới đang trình lên các cấp có thẩm quyền để thẩm định dự án, làm cơ sở trình Thủ tướng quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, các báo cáo nghiên cứu khả thi và các thủ tục liên quan như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, báo cáo đánh giá tác động môi trường.
EVN đã có tờ trình gửi Thủ tướng bày tỏ mong muốn "cần có cơ chế đặc thù" và sự chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ, Thủ tướng cũng như sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương có dự án đi qua.
Cụ thể là cần sớm phê duyệt chủ trương đầu tư; chấp nhận dự án là công trình xây dựng khẩn cấp theo quy định của Luật Xây dựng; được phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; triển khai một phần công tác khảo sát, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật song song với thẩm định, phê duyệt dự án. Cùng với đó là hàng loạt kiến nghị đẩy nhanh các thủ tục thẩm định, báo cáo của các cấp ngành.
"Nếu có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng cùng các cơ chế đặc thù cũng như sự chủ động, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương liên quan thì khả năng hoàn thành vào tháng 6 năm sau có thể được kỳ vọng.
Song mọi khâu triển khai phải rất nhanh, chứ nếu vẫn tiến hành như quy trình hiện hành thì không thể kịp mốc tiến độ", một nguyên lãnh đạo lĩnh vực truyền tải điện bày tỏ.
Vừa qua, phía Bắc đã phải cắt điện luân phiên, thiệt hại không nhỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phân công, chỉ rõ trách nhiệm từng cấp, kể cả cấp cao, đẩy họ vào cuộc thực sự mới có thể chống thiếu điện như chỉ đạo của Thủ tướng.
* Ông Đào Nhật Đình (chuyên gia ngành điện):
Nhiều quy định phức tạp, làm nhanh dễ sai quy định
Như dự án đường dây 500kV mạch 1, chúng ta đã thi công thần tốc, đạt hiệu quả. Nhưng trước đây các dự án truyền tải chưa bị áp dụng bởi Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư như hiện tại.
Thêm nữa, các cơ chế, thủ tục liên quan đến chuyển đổi đất rừng, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng có thể có những vướng mắc nhưng cũng không "phức tạp" như hiện nay.
Vì vậy, hiện tại, nếu không có các cơ chế đặc thù, không vào cuộc đồng bộ từ cấp trung ương, địa phương thì dự án khó có thể hoàn thành đúng hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận