26/12/2014 14:19 GMT+7

Tăng học phí ĐH: chất lượng đào tạo có tăng theo?

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Thông tin sẽ tăng học phí đại học lên khoảng 12 triệu đồng/năm trên Tuổi Trẻ Online đã nhận được những ý kiến phản hồi của bạn đọc với câu hỏi: học phí tăng nhưng chất lượng liệu có tăng?

Hàng ngàn học sinh đến tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 diễn ra tại TP.HCM - Ảnh tư liệu

TTO xin trích đăng:

Bạn đọc Phạm Phúc (phamphuc@..) viết: Hệ thống giáo dục đang bị rối ren ở mọi cấp theo hiệu ứng domino, khi dây chuyền chưa tốt, chắp vá đủ kiểu sao lại nghĩ đến chuyện tăng học phí? Hãy có dây chuyền tốt, người điều hành tốt để "người tiêu dùng" cảm thấy hài lòng khi biết đồng tiền họ bỏ ra là hợp lý. 

Bạn đọc Vo Anh Khoa (1014092@...) chỉ ra một thực trạng: Tăng học phí mà thiết bị, dụng cụ vẫn cũ mèm như mấy chục năm trước, phòng học thì 200-300 con người một phòng thì tăng làm gì? Trường ĐH thiếu thốn cơ sở vật chất, kêu gọi sinh viên nghiên cứu khoa học mà phòng thí nghiệm vẫn y chang những năm 1980 thì ai có hứng thú nữa. Máy đắt tiền thì cho nhìn là chính chứ còn lâu sinh viên mới đụng vào được. 

Bạn đọc Hoàng Lan (ruanha2k13@...) cùng suy nghĩ: Nghe tiền học tăng lại thấy đau lòng. Chất lượng đội ngũ giảng viên còn chẳng ra đâu vào đâu, cơ sở vật chất còn đáng chán hơn. Chỉ dám than thở trong lòng chứ mở miệng ra với trường là khổ. 

+ Tôi làm công chức gần 20 năm, lương 5 triệu đồng/tháng. Một mình nuôi hai con, một đứa đang học 12. Nếu "lỡ may" cháu đậu đại học thì làm sao?

Tôi không thuộc diện nghèo theo chuẩn quốc gia. Không thuộc diện khó khăn!!!

An An BD (pdungbd@...)

Bạn đọc Trần Tuấn Linh (tuanlinhspk07@...) đặt câu hỏi: Chất lượng đào tạo có đi kèm với giá cả ? Với tình trạng lạm phát trường đại học, lạm phát sinh viên như hiện nay, liệu công việc người học kiếm được sau khi ra trường có tương xứng với học phí bỏ ra.

"Chất lượng sinh viên đầu vào thấp không theo nổi chương trình học nên kiến thức lõm bõm, ra trường không xin được việc làm. Chất lượng giảng viên làng nhàng, ôm đồm dạy nhiều môn, nhiều trường liệu có đảm bảo được chất lượng đào tạo?" - bạn đọc Tuấn Linh viết. 

"Trước khi tăng học phí, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra chất lượng giáo dục tại các trường công lập chưa?" là câu hỏi của bạn đọc Quốc Tiến (tiensumo24@...)

Bạn đọc Hanh Bich (hanh_t2000@...) đặt vấn đề: Tăng học phí quá cao nhưng chất lượng giảng dạy và cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ sinh viên lại "tăng" quá ít, liệu rằng khoản tiền thừa đó có ai thanh tra và đảm bảo là sử dụng phục vụ cho sự phát triển của sinh viên hay không? Hay khoản tiền thừa này lại làm tăng phúc lợi cho nhà trường? 

Bạn đọc Nguyễn Sơn (nguyenson@...) cho rằng: Sao không theo dõi, đánh giá xem các sinh viên sau bốn hoặc năm năm học đại học tổng chi là bao nhiêu? Bao nhiêu người có việc làm ổn định để có thể chi trả hết số tiền vay mượn khi học đại học? Cần phải có sự đánh giá nghiêm túc. Sinh viên phần lớn là con nhà nghèo... lấy tiền đâu mà học đại học? 

Bạn đọc Đỗ Xuân Tùng (doxuantung.tl@...) cũng đề nghị cân nhắc kỹ: Tăng học phí như dự kiến của Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT là giải pháp "tốt" cho tuyển sinh đại học? Chắc các phụ huynh phải cân nhắc rất kỹ khi cho con thi ĐH, rủi con đỗ lấy tiền đâu đóng học phí 12 triệu đồng năm + các khoản chi khác.  

Bạn đọc Vũ Thị Xuân (vuthixuan1295@...) viết: Nếu nói riêng đại học, Nhà nước sẽ tăng hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, thì tất cả những người không thuộc diện chính sách là khá giả sao? Bản thân gia đình tôi là hộ nghèo nhưng đi học ĐH vẫn không được hưởng chính sách vì không phải ở xã nghèo và dân tộc thiểu số. Lý do nào để những trường hợp như tôi lại phải "chi trả theo đúng chất lượng dịch vụ mà họ được hưởng"? Hơn nữa giáo dục đã đảm bảo đúng và đủ chất lượng với giá cả này chưa?

 

+ Học phí cao, chương trình học xa rời thực tế, còng lưng làm lụng nuôi con ăn học, ra trường thất nghiệp. Thôi thì... học để xóa mù chữ thôi rồi kiếm cái nghề nuôi sống bản thân. Học hành tốn kém mà chẳng giải quyết được việc gì.

Thuy Ngoc (ngoctho2805@...)

+ Hãy bán "sản phẩm" đúng giá trị của nó, nhưng ở một khía cạnh nào đó giáo dục nên nằm trong diện "bình ổn giá thị trường". Hãy vì sự phát triển chung của xã hội. Cái lợi xã hội thu được từ đó nhiều hơn từ học phí đem lại.

Dung Pham (dung68@...)

 

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên