ThS.BS.CKII Trần Thị Tuyết Lan đang tư vấn cho một bệnh nhân bị hậu COVID-19- Ảnh: C.THƠ
ThS Trần Thị Tuyết Lan - Viện Tim TP.HCM - đã cho biết như vậy vào ngày 10-2. Theo BS Lan, trong số những bệnh nhân đến khám vì lo bị biến chứng tim mạch do hậu COVID-19, chỉ có khoảng 1/10 bệnh nhân được chẩn đoán có biến chứng tim mạch, những bệnh nhân còn lại đã được bác sĩ hướng dẫn đi khám tại các chuyên khoa khác.
Không kịp đi khám, một bệnh nhân tử vong
Đáng tiếc, có một nam bệnh nhân do chậm trễ đến khám nên đã bị tử vong. Bệnh nhân đã liên hệ với Viện Tim để đi khám nhưng chần chừ chưa đến vì lý do công việc rất bận. Sau đó, bệnh nhân thấy mệt, phải lấy tay ôm lấy ngực thì được người nhà đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện khác nhưng bệnh nhân đã tử vong với chẩn đoán nghi nhồi máu cơ tim.
BS Lan cho rằng có 3 vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân hậu COVID-19 gặp nhiều nhất. Đó là các biến chứng thuộc chuyên khoa hô hấp, thần kinh và tim mạch. Trong đó, các biến chứng tim mạch là nghiêm trọng hơn vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Mắc COVID-19 có thể dẫn đến viêm phổi, gây tổn thương cơ tim cấp tính như viêm cơ tim, tổn thương mãn tính cho hệ tim mạch như xơ hóa mô kẽ cơ tim, viêm mạch máu, thuyên tắc huyết khối và rối loạn nhịp tim.
Ngoài ra, mắc COVID-19 còn có thể gây viêm và hoại tử các tế bào cơ tim, dẫn đến viêm cơ tim, suy tim. Triệu chứng viêm cơ tim có thể từ nhẹ đến rất nặng như mệt, khó thở tùy mức độ suy tim, sưng chân, tim đập nhanh, đau ngực. Hơn nữa, mắc COVID-19 còn gây xơ hóa cơ tim từng vùng hoặc lan tỏa ở tim bệnh nhân, ngay cả với bệnh nhân không có triệu chứng tim mạch.
Trong thực tế, các bác sĩ đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ 45 tuổi không có tiền sử viêm cơ tim nhưng sau 3 tháng mắc COVID-19 đã có biểu hiện hồi hộp và đau ngực không điển hình. Kết quả cộng hưởng từ ở tim cho thấy bệnh nhân bị xơ hóa mô kẽ lan tỏa ở tim.
Tương tự, một bệnh nhân nam 49 tuổi cũng có các dấu hiệu xơ hóa lan tỏa. Trước đó, bệnh nhân này cũng bị khó thở sau 6 tuần khởi phát triệu chứng COVID-19. Xơ hóa mô kẽ cơ tim ở bệnh nhân góp phần làm rối loạn chức năng thất trái dẫn đến suy tim.
Khi tình trạng suy tim tiến triển nặng có thể gây các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhịp nhanh thất, rung thất, có thể ngừng tim. Thêm vào đó, tác dụng phụ của thuốc chống virus, thuốc kháng sinh, tình trạng giảm oxy máu, rối loạn điện giải càng làm nặng thêm các rối loạn nhịp tim sẵn có. Các rối loạn nhịp tim thường gặp là rung nhĩ, cơn nhịp nhanh thất không kéo dài, ngừng tim và nhịp tim chậm.
Quá trình tổn thương tế bào nội mạc mạch máu và viêm mạch máu do mắc COVID19 còn làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông) trong lòng mạch máu và gây thuyên tắc mạch máu do huyết khối. Sự hiện diện huyết khối làm tăng độ nặng và tỉ lệ tử vong của bệnh. Thuyên tắc huyết khối ở các vị trí nguy hiểm đều có thể dẫn đến đột tử như thuyên tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim cấp. Triệu chứng thường thấy là hồi hộp đánh trống ngực, mệt khi gắng sức, khó thở, đau ngực.
Lắng nghe cơ thể mình
BS Tuyết Lan khuyên, bệnh nhân hậu COVID-19 luôn phải chú ý lắng nghe cơ thể mình. Nếu cảm thấy mệt, khó thở, hồi hộp, tim nhanh, chóng mặt, ngất… cần đến gặp bác sĩ tim mạch để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Khi phát hiện có tình trạng đông máu đang hiện diện, tùy theo mức độ, bác sĩ sẽ cho uống thuốc chống đông máu theo liều lượng và thời gian thích hợp.
Nếu có biểu hiện suy tim thì bệnh nhân được điều trị các thuốc cải thiện suy tim, giảm khó thở, sưng chân, theo dõi sự cải thiện của viêm cơ tim với điều trị nội khoa. Các thuốc chống loạn nhịp tim thích hợp với từng loại rối loạn nhịp tim cũng sẽ được cân nhắc kỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận