04/10/2018 15:16 GMT+7

Tàn tích chiến cuộc Rạch Gầm - Xoài Mút

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Những cổ vật trục vớt từ lòng sông Tiền đoạn Rạch Gầm - Xoài Mút hiện đang được trưng bày tại khu di tích quốc gia Địa điểm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (huyện Châu Thành, Tiền Giang).

Tàn tích chiến cuộc Rạch Gầm - Xoài Mút - Ảnh 1.

Bến sông Tiền, nơi được xác định diễn ra trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút hơn 230 năm trước - Ảnh: THÁI LỘC

Đây là minh chứng cụ thể và sống động nhất cho trận thủy chiến oai hùng bậc nhất trong lịch sử đất nước.

Cần có cuộc khai quật khảo cổ học bài bản và quy mô dưới lòng sông Tiền, để góp phần làm rõ hơn trận chiến rất quan trọng này

Nhà nghiên cứu TRẦN HỮU PHƯỚC

Từ khu trưng bày ven sông

Chúng tôi bước vào khu trưng bày chính nằm ngay dưới tượng đài. Đó là mấy tủ kính trưng đồ gốm và sứ, gồm chén, bát, bát "chiết yêu", dĩa và muỗng, được phát hiện tại sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút.

Mấy tủ kính khác bày súng thần công, súng lệnh, mấy mũi giáo, gươm thép, phù hiệu, khuy nịt, bát và nồi đồng, là vũ khí và quân trang, quân dụng của quân Tây Sơn. Cạnh đó là tủ chưng mấy thanh gươm lưỡi thép cán bọc đồng với dòng chú thích "vũ khí của quân Xiêm"...

Song, điều cuốn hút chúng tôi hơn cả là chiếc mỏ neo gỗ rất lớn, cao hơn 2m với hình dáng khá đặc biệt, được chú thích phát hiện tại vàm Trà Tân, xã Long Trung, Cai Lậy, Tiền Giang, nơi quân Xiêm đặt bản doanh.

Một hướng dẫn viên tên Liên cho biết: "Những hiện vật trưng bày phần lớn được người dân vớt lên từ đoạn sông Tiền ở đây!".

Liên đưa chúng tôi tiến ra bến sông nhô ra mặt nước phủ bóng cây bần, rồi diễn giải việc chọn điểm này (thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành) để xây dựng khu di tích do đây là đoạn sông mà quân Tây Sơn "khóa đuôi" khi dẫn dụ quân Xiêm - Nguyễn từ vàm Trà Tân xuôi dòng vào trận địa chính.

Cô chỉ tay về bên phải, cho biết cách đó vài trăm mét là rạch Gầm, ngày xưa người dân đến khai hoang nghe tiếng cọp gầm từ trong rạch phát ra nên gọi rạch Ông Gầm, về sau giản lược còn rạch Gầm.

Đối diện phía bên kia về phía hạ nguồn chừng 4km là rạch Bà Thét, tương truyền xuất xứ từ tiếng thét uy hùng của nữ tướng Bùi Thị Xuân thời Tây Sơn.

Còn Xoài Mút thì cách di tích chừng 5-6 cây số về phía TP Mỹ Tho, cái tên xuất phát từ loại cây xoài nhỏ mọc đầy ven bờ: miền Bắc gọi là cây muỗm, còn dân trong vùng đặt tên theo cách ăn nó là phải mút, nên gọi "xoài mút".

Cô giới thiệu nhiều về tài thao lược của vị anh hùng Nguyễn Huệ trong việc vận dụng chính xác thời điểm thủy triều lên xuống và tận dụng tối đa địa hình, các chiến thuật tiến thoái để dẫn dụ quân Xiêm - Nguyễn vào trận địa của mình... dẫn đến chiến thắng vang dội như thế nào.

Tàn tích chiến cuộc Rạch Gầm - Xoài Mút - Ảnh 3.

Vũ khí được cho là của quân Xiêm dùng trong chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút - Ảnh: THÁI LỘC

Đến người sưu tầm hiện vật

Chúng tôi tìm đến người sưu tầm nhóm hiện vật trưng bày là nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Hữu Phước, 85 tuổi, nguyên phó trưởng thường trực Ban chỉ đạo xây dựng các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam.

Cụ Phước kể khá nhiều về việc sưu tầm hiện vật liên quan đến "cuộc chiến oai hùng".

Sông Tiền là dòng sông quê nhà của cụ. Khi hoạt động ở miền Bắc trong giai đoạn chia cắt đất nước, cụ từng thực địa nghiên cứu trận chiến Bạch Đằng và tìm được nhiều đao kiếm vớt được từ đáy sông.

Vào Nam sau 1975, điều đầu tiên là cụ chú ý ngay đến việc sưu tầm cổ vật dưới đáy sông Tiền liên quan đến chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút.

Ban đầu, hễ có thời gian là cụ đi đến từng nhà thuộc các ấp ven sông, thu thập khá nhiều hiện vật, khi thì đồ gốm, sứ, khi thì đao kiếm và các thành phần thuyền cổ do người dân làm tôm cá vớt được dưới đoạn sông từng xảy ra chiến trận.

Mục tiêu lớn nhất của cụ Phước là làm sao tìm cho được chiến thuyền của cả quân Tây Sơn lẫn quân Xiêm - Nguyễn năm xưa.

Một lần, người dân trục vớt được một chiếc thuyền cổ còn vẹn nguyên nhưng tiếc thay, cuối cùng chỉ lấy lên được phần mũi nhô lên dưới đáy sông, còn toàn bộ phần thuyền vùi lấp trong bùn bị mục mủn hết cả.

Một dịp khác, một ngư dân ở Châu Thành trục vớt được một chiếc thuyền gỗ nhỏ có khắc sáu chữ Hán. Khi cụ Phước tìm đến thì thật không may, một nhà sưu tầm ở Cần Thơ đã "phỗng tay trên" chiếc thuyền này rồi biến mất.

Một lần khác, hay tin một nông dân vớt được một chiếc thuyền gỗ, theo diễn tả nhiều khả năng là thuyền chiến ngày xưa nhưng khi cụ tìm đến thì người vớt đã... chẻ thuyền quý làm củi.

Có một cái nồi đồng lớn "gần sải tay người" khắc chữ Xiêm được trục vớt từ sông Tiền đoạn gần di tích nhưng không đến tay cụ vì nó đã bị bán cho người khác mà cụ không rõ tung tích.

Tàn tích chiến cuộc Rạch Gầm - Xoài Mút - Ảnh 4.

Chiếc mỏ neo quý giá được cho là của tàu chiến quân Xiêm - Ảnh: THÁI LỘC

Lai lịch mỏ neo

Riêng cái mỏ neo lớn được cho là của quân Xiêm đang trưng bày ở di tích, cụ cho biết mình đã mua lại của người vớt là ông Nguyễn Văn Hùng, làm nghề đánh bắt cá ở ấp 17, xã Long Trung, Cai Lậy, Tiền Giang.

Tờ xác nhận đề ngày 3-3-2004 có mô tả việc tìm thấy mỏ neo này như sau: "Trong khi cùng với một số người đi cào kiếm cá ven sông MeKong, khi đến vàm Trà Tân (cạnh điểm quân Xiêm đóng quân), chúng tôi tình cờ phát hiện được một vật lạ có kích cỡ rất lớn vướng vào lưới.

Chúng tôi bèn lặn xuống nước đưa vật đó lên bờ và bốn người vận chuyển cùng nhau đưa về nhà để tại gia đình. Nhiều người nghe tiếng đồn kéo đến xem.

Những người cao tuổi tại địa phương, sau khi quan sát kỹ cho rằng đây là mỏ neo của một thuyền chiến lớn được chế tạo bằng gỗ quý, đó là gỗ sao mật cho nên nằm dưới lòng sông đã hơn 200 năm qua mà chiếc neo vẫn còn nguyên vẹn, không bị mục và không bị hà ăn...".

Theo cụ Phước, hầu hết hiện vật cổ được người dân vô tình phát hiện ở phần mé sông nên nhiều khả năng trong lòng sông Tiền còn ẩn chứa rất nhiều hiện vật liên quan.

Điều mong ước của nhà nghiên cứu này chính là: cần có cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước bài bản và quy mô dưới lòng sông Tiền ở khu vực này, để góp phần làm rõ hơn trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút.

Thẩm định và công nhận

Sau khi mua lại mỏ neo, cụ Phước chuyển về TP.HCM và đặt tại trụ sở cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu và các cơ quan có chuyên môn được mời đến thẩm định.

Tất cả đều xác nhận mỏ neo không phải của thuyền chài, ghe bầu hay neo thuyền đóng đáy vùng bản địa.

Đến ngày 9-4-2004, tại cuộc tọa đàm về chiếc mỏ neo, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá đó là một hiện vật rất quý giá và cùng công nhận nó thuộc về một chiếc tàu chiến của quân Xiêm trong chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút hơn 230 năm trước.

________

Kỳ tới: Báu vật dưới lòng sông Cổ Chiên

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên