Ngô Thị Ngọc Ngân, 18 tuổi, tân sinh viên Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2 (TP.HCM), từng viết thư ứng tuyển học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ rằng: "May mắn không tự nhiên rơi xuống, nên tôi muốn tự tạo ra may mắn để thay đổi cuộc đời mình".
Xe máy 22 triệu đồng và 15 triệu tiền mặt
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh Nguyễn Văn Trọng Nghĩa (32 tuổi, quê Bến Tre), chủ kênh YouTube Nghĩa Trọng TV, cho biết sau khi đọc được bài báo "Nữ sinh trong ngôi nhà ít tiếng động muốn tự tạo may mắn để thay đổi cuộc đời mình", anh rất xúc động.
"Cũng là người con của quê hương Bến Tre, tôi rất hiểu những khó khăn mà bà con, đặc biệt là các em học sinh phải trải qua. Nhưng với hoàn cảnh của bạn Ngô Thị Ngọc Ngân, tôi thấy bạn ấy có một nghị lực thật phi thường.
Tôi khâm phục bạn ấy có ý chí vươn lên. Dù hoàn cảnh khó khăn, Ngân luôn tìm mọi cách để giải quyết và cố gắng vượt qua, chứ không chờ đợi sự giúp đỡ.
Khi biết được bạn Ngân có ý định đi làm thêm nhưng chưa có xe cộ, tôi đã quyết định trích một phần nhỏ doanh thu của kênh YouTube Nghĩa Trọng TV để giúp bạn ấy", anh Trọng Nghĩa nói.
Ngay sau khi kết nối được với báo Tuổi Trẻ, anh Trọng Nghĩa đã cùng nữ sinh Ngô Thị Ngọc Ngân về quê mua một chiếc xe máy trị giá 22 triệu đồng. Ngoài chiếc xe máy, anh Trọng Nghĩa còn quyên góp thêm từ bạn bè số tiền 15 triệu đồng để Ngân đổ xăng và an tâm học hành.
Ngày nhận xe, bà Lê Thị Yến - mẹ của Ngân - không giấu nổi hai hàng nước mắt: "Mấy bữa trước, con Ngân lội bộ đi học về rồi kêu bị đau chân, tui xót lắm nhưng nhà nghèo quá, tiền ăn còn chưa có lấy đâu mà mua xe cho con.
Không ngờ hôm nay có mạnh thường quân giúp đỡ cho Ngân được chiếc xe mới. Sáng giờ nghe tin có xe mới, tui mừng mà không thiết tha ăn uống gì nữa".
Nữ sinh vượt lên nghịch cảnh
Ngân sinh ra trong một gia đình khó khăn, là một trong số ít hộ nghèo còn sót lại tại xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.
Trong nhà, ngoài Ngân và em trai mới 10 tuổi ra thì 5 thành viên còn lại đều mang trong mình những căn bệnh di truyền khó chữa trị. Ba người cô của Ngân sống chung nhà bị câm điếc bẩm sinh; mẹ của Ngân là bà Lê Thị Yến (48 tuổi) bị tật một chân, đi lại khó khăn; chị gái của Ngân thì phát bệnh tâm thần sau khi người cha bị câm điếc đột ngột qua đời cách nay khoảng 7 năm.
Cả gia đình 7 miệng ăn nhưng nguồn thu nhập chính là nghề chuốt cọng dừa chỉ mang lại khoảng vài chục ngàn đồng mỗi ngày, không đủ mua gạo ăn.
Nhưng trong cùng quẫn khó khăn, Ngân luôn vùng vẫy tìm lối ra để tiếp tục được đến trường mà theo Ngân, đó là "tự tạo ra may mắn để thay đổi cuộc đời mình".
Trong suốt 12 năm đi học, dù không học thêm như các bạn khác nhưng Ngân luôn đạt học sinh giỏi. Trong những năm cấp 3, Ngân còn liên tục nhận được nhiều suất học bổng.
Số tiền học bổng nhận được, một phần Ngân phụ mẹ để trang trải trong nhà, một phần Ngân gom góp lại, cùng với tiền của mẹ chuốt cọng dừa, vừa đủ để Ngân đóng học phí đầu năm.
Nói về quyết định chọn học cao đẳng thay vì học đại học, Ngân cho biết: "Gia đình không có điều kiện như các bạn khác nên tôi sẽ học cao đẳng trước để tiết kiệm thời gian và nhanh ra trường để đi làm kiếm tiền. Khi đã kiếm được tiền rồi, tôi sẽ tiếp tục học lên cũng không muộn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận