15/11/2017 17:16 GMT+7

Tan nát rừng phòng hộ - Kỳ cuối: Đường đi của pơmu

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Quá trình điều tra của Tuổi Trẻ cho thấy hầu hết gỗ pơmu lấy từ rừng phòng hộ đều đưa đến các thành phố, thị xã để làm thành phẩm rồi bán sang Trung Quốc.

Tan nát rừng phòng hộ - Kỳ cuối: Đường đi của pơmu - Ảnh 1.

Lái, phụ xe đưa pơmu đã được "phù phép" trong bao cám đi tiêu thụ - Ảnh: QUANG THẾ

Tại địa bàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái), gỗ pơmu từ rừng phòng hộ được xẻ thành phách, thành hộp hoặc tiện thành hạt để bán cho các đầu nậu.

Gỗ quý trong thùng mì, bao cám

Trưa 26-10, xe khách Toan Thoan lùi vào tận xưởng của bà "trùm gỗ" Thúy. Mọi người nhanh chóng khuân khoảng 2 tạ hạt gỗ pơmu (dùng để làm chiếu nằm hoặc đệm ghế cho ôtô cho thoáng khí) bỏ sẵn trong bao thức ăn thủy sản chất lên xe. 

2 tạ hạt này được xe khách giao cho một bạn hàng tên Tiến và một người tên Thích.

Nhận hàng xong, lái xe tiếp tục "quần thảo" thêm vài vòng bắt khách ở thị trấn huyện rồi xuôi về thị xã Nghĩa Lộ. T. - lái xe khách - cho biết thường xuyên chở gỗ hạt với giá cước 2.000 đồng/kg, gỗ hộp thì giá phải cao hơn do rủi ro lớn.

"Muốn chắc ăn nhất, cứ bốc hàng vào ban đêm. Bây giờ không dễ dàng như trước nhưng tôi nhận rồi thì chở an toàn. Hiện tôi vẫn chở suốt mà có bị bắt đâu..." - T. nói chắc.

"Trùm" Thúy tiết lộ gỗ pơmu dùng để làm hạt lấy từ khu vực rừng đầu nguồn thuộc địa bàn huyện Trạm Tấu. Mỗi tháng xưởng bán cả mấy chục tấn pơmu thành phẩm và đều không có giấy tờ. 

"Trùm" Thúy nói dù có công ty riêng để biến hóa gỗ pơmu với số lượng lớn trong nhiều năm nhưng chủ yếu vẫn chỉ là hàng trôi nổi. 

Thúy chỉ mánh cho khách khi muốn mua hàng: "Không gửi nhiều được đâu, đi nhiều sợ bị bắt lắm. Để an toàn cứ xé nhỏ ra cho vào bao tải, mỗi chuyến chở vài chục cân thì được".

Tan nát rừng phòng hộ - Kỳ cuối: Đường đi của pơmu - Ảnh 2.

Hạt gỗ pơmu được đóng trong các bao thức ăn thủy sản rồi đưa lên xe khách chở về các xưởng sản xuất thành phẩm - Ảnh: Q.THẾ

Tan nát rừng phòng hộ - Kỳ cuối: Đường đi của pơmu - Ảnh 3.

Hạt gỗ pơmu được đóng trong các bao thức ăn thủy sản rồi đưa lên xe khách chở về các xưởng sản xuất thành phẩm - Ảnh: Q.THẾ

Tan nát rừng phòng hộ - Kỳ cuối: Đường đi của pơmu - Ảnh 4.

Xe khách Toan Thoan sau khi nhận hàng tiếp tục chạy đi bắt khách - Ảnh: QUANG THẾ

Làm thành sản phẩm xuất đi Trung Quốc

Đông - "trùm gỗ" xã Bản Mù (Trạm Tấu) - cho biết làm pơmu có đến trên 80% là hàng lậu. Hiện tại xưởng của Đông được bố trí 11 máy cưa để xẻ thành phẩm gỗ pơmu. 

Nhân công ngoài thanh niên ở xã còn có rất nhiều trẻ nhỏ (dân tộc Mông) chưa đến độ tuổi lao động đang làm việc tại đây, tiền công mỗi ngày vài chục nghìn đồng. 

Đông nói nhỏ: "Năm ngoái tôi gửi hàng về tận Hà Nội, loại gỗ này phức tạp lắm vì có mùi thơm nên rất khó giấu".

Ngoài hạt gỗ pơmu, Đông có cả gỗ hộp để đóng giường, tủ... nhưng giá gỗ và cước phí vận chuyển hơi "chát". Mỗi năm, chỉ tính riêng xưởng của Đông làm ra cả trăm tấn hạt và chủ yếu bán cho một người quen ở thị xã Nghĩa Lộ với giá trên 20.000 đồng/kg. 

"Trên đường đi, làm luật thế nào người này lo hết" - Đông nói.

Đông nói phải chia nhỏ 20 - 30kg gỗ hạt cho vào bao tải, bao cám hoặc thùng mì gói để ngụy trang. Tại xưởng của Đông lúc nào cũng có cả tấn hạt được ngụy trang trong các loại bao.

"Nhà xe họ cũng sợ bị bắt lắm. Nếu nhà xe nào mà gan to thì tôi đã "bơm" hàng thẳng xuống Hà Nội rồi" - Đông nói thêm.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, sau khi gỗ pơmu thành phẩm về đến thị xã Nghĩa Lộ, TP Yên Bái sẽ được các đầu nậu tại đây phun sơn, xâu hạt để làm chiếu, miếng lót ôtô, vòng đeo tay. 

Công đoạn này tại các xưởng diễn ra rất nhanh. Sau đó xuất đi Trung Quốc qua biên giới Lào Cai, Lai Châu. Mỗi chiếc chiếu gỗ hạt pơmu có giá gần 4 triệu đồng, lót ghế ôtô được bán với giá khoảng 2 triệu tùy theo chất lượng hạt.

Tan nát rừng phòng hộ - Kỳ cuối: Đường đi của pơmu - Ảnh 5.

Trẻ em bị vắt kiệt sức tại xưởng gỗ của "trùm" Đông - Ảnh: QUANG THẾ

Tan nát rừng phòng hộ - Kỳ cuối: Đường đi của pơmu - Ảnh 6.

Gỗ pơmu chuẩn bị được làm thành hạt tại xưởng của "trùm" Đông - Ảnh: QUANG THẾ

Tan nát rừng phòng hộ - Kỳ cuối: Đường đi của pơmu - Ảnh 7.

Pơmu được "hóa kiếp" từ gỗ khối sang dạng hạt - Ảnh: QUANG THẾ

Điều tra vụ phá rừng đầu nguồn ở Lào Cai

Ngày 14-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Trung Bá - chủ tịch UBND huyện Văn Bàn (Lào Cai) - cho biết sau khi xem tin bài phản ánh về việc "Tàn phá rừng phòng hộ", ông rất bức xúc.

Ông đã chỉ đạo công an huyện phối hợp với kiểm lâm, chính quyền địa phương để điều tra, xử lý nghiêm những người có liên quan.

"Ảnh, clip trong bài là khá rõ rồi. Xe tải chở gỗ trong bài báo phản ánh cũng được đưa về xã Nậm Tha để điều tra" - ông Bá cho hay.

Tàn phá rừng xử lý ra sao?

Luật sư, TS Nguyễn Hữu Thế Trạch - giám đốc Công ty luật TNHH một thành viên An Pha Na - cho biết pơmu là loài cây quý hiếm, nằm trong danh mục thực vật rừng nhóm IIA.

Theo quy định tại nghị định số 157/2013/NĐ-CP, trường hợp khai thác trái phép rừng sẽ căn cứ vào loại gỗ, khối lượng, khu vực khai thác trái phép để xử phạt theo quy định tại điều 12, với mức xử phạt lên đến 200 triệu đồng.

Trong trường hợp hành vi khai thác rừng trái phép gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc từng bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, có thể bị xử lý hình sự mức phạt lên đến 10 năm tù.

QUANG THẾ

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên