Lán trại và xe múc được dựng công khai ở đầu nguồn Khe Vinh để đào vàng, chặt cây - Ảnh: Tấn Vũ |
Ban quản lý khu bảo tồn cho rằng đất rừng đã được thu hồi giao cho thủy điện nên họ không còn trách nhiệm.
Chính quyền huyện Nam Giang cũng có cái nhìn tương tự nên khu rừng gần như vô chủ.
Phá rừng, khoét núi
Nếu khai thác, tận thu gỗ mà để môi trường bị tàn phá như vậy thì đừng tận thu còn hơn. Ngân sách thu chưa biết được mấy đồng mà tổn thất quá lớn |
Ông HUỲNH TẤN ĐỨC (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam) |
Ngày 1-8-2014, thủy điện Sông Bung 4 chính thức tích nước, bắt đầu việc nhấn chìm hơn 65ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong lòng hồ.
Trước đó, để tận dụng tài nguyên rừng, chính quyền tỉnh Quảng Nam cho phép địa phương tận thu gỗ trong lòng hồ và đến nay đã có hơn 500m3 trong số 1.000m3 gỗ được tận thu. Điều bất hợp lý ở đây là nhiều cánh rừng nằm phía trên cao trình mực nước lòng hồ mà gỗ vẫn bị chặt phá.
Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt máy ủi, xe múc, máy đào, máy nổ cũng được tập kết vào đây để làm vàng sa khoáng trái phép. Một con đường rộng hơn 5m, dài hơn 5km, được san ủi thẳng dẫn vào cánh rừng đầu nguồn nhưng ban quản lý rừng nơi đây không hề hay biết.
Theo ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam), hiện có 35 thuyền máy không phép được các chủ gỗ, lái buôn tập kết lên lòng hồ để vận chuyển nguyên vật liệu vào khai thác vàng và chở gỗ đi tiêu thụ.
Ông Biên, chủ một thuyền máy trên lòng hồ này, cho biết công việc chính của ông là ai thuê gì chở nấy, chủ gỗ thuê đưa gỗ ra cũng chở luôn vì “người ta bảo gỗ có giấy phép”.
Từ cầu Khe Vinh, một con đường vừa được san ủi, đất còn đỏ quạch chạy dọc theo mép nước kéo vào tận thượng nguồn. Cây cối bị đốn hạ la liệt dọc cung đường này. Từ mép nước lòng hồ kéo dài hơn 3km lên phía thượng nguồn đã bị san bằng như những hố bom. Bên trên, những cây cổ thụ vài ba người ôm nằm la liệt. Dưới lòng suối, những hố hầm bị khoét sâu vào vách núi để khai thác vàng thành vực thẳm...
Cây rừng ở phía trên mực nước hồ vẫn bị chặt phá - Ảnh: Tấn Vũ |
“Kiểm lâm thật là quyền hành...”
Lãnh đạo địa phương thừa nhận có phần trách nhiệm Nói về vụ việc khu rừng đầu nguồn Khe Vinh bị tàn phá, chủ tịch huyện Nam Giang A Lăng Mai thừa nhận chính quyền địa phương cũng có một phần trách nhiệm. Cũng như ý kiến của kiểm lâm, ông Mai cho rằng khu đất 65ha này đã bàn giao cho thủy điện nên ban quản lý thủy điện Sông Bung 4 cũng có một phần trách nhiệm. Riêng việc tàu thuyền trong lòng hồ, ông Mai cho biết sắp tới sẽ cùng các cơ quan chức năng rà soát, đẩy đuổi và tiến đến thu hồi tiêu hủy nếu các chủ phương tiện không đồng ý dẹp bỏ. “Riêng việc đãi vàng khu vực đó là điểm nóng thường xuyên. Chúng tôi liên tục truy quét nhưng vẫn tái diễn. Để xảy ra vụ việc như vậy chứng tỏ các cơ quan chuyên môn của huyện chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình” - ông Mai nói. |
Ngày 4-12, có mặt tại hiện trường để kiểm tra vụ việc, ông Huỳnh Tấn Đức - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - lắc đầu nói: “Nếu khai thác, tận thu gỗ mà để môi trường bị tàn phá như vậy thì đừng tận thu còn hơn. Ngân sách thu chưa biết được mấy đồng mà tổn thất quá lớn”.
Còn chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam Phan Tuấn nhận định: “Nước thủy điện đã đóng, ở những nơi cao hơn mực nước hồ tối đa nhưng rừng núi bị tàn phá là sao? Điều này chứng tỏ các cơ quan quản lý rừng ở địa phương chưa làm hết trách nhiệm”.
Ngay sau khi đoàn kiểm tra nắm thực tế tình hình, một cuộc họp khẩn cấp được tổ chức ngay tại ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Trí - giám đốc khu bảo tồn - cho biết vì diện tích đất thu hồi là 65ha nên ban quản lý khu bảo tồn không còn trách nhiệm quản lý khu vực này. Việc quản lý khai thác khoáng sản là việc của huyện Nam Giang.
Nói về hàng chục chiếc thuyền hoạt động công khai trên mặt hồ, ông Trí cho rằng: “Việc đó thuộc quản lý của công an. Kiểm lâm không thể kiểm tra nếu không có dấu hiệu các thuyền này vận chuyển gỗ trái phép”.
Nghe vậy, ông Đức bức xúc: “Tôi nhận được tin báo từ nhân dân mà sao các anh không biết? Chủ tịch tỉnh cũng nhận được tin báo từ nhân dân. Với tư cách là cán bộ, đảng viên, vai trò giám sát của kiểm lâm ở đâu mà để xảy ra vụ việc như vậy? Ban quản lý bảo tồn đã báo cáo chưa, báo cáo với ai về tình hình này?”.
Đáp lại chất vấn của ông Đức, ông Trí lý giải cả Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh hơn 75.000ha mà cán bộ chỉ có 68 người nên quản lý không xuể. Ông Đức phản bác: “Theo quy định của ngành kiểm lâm, mỗi kiểm lâm viên quản lý khoảng 500ha rừng nên với 65ha đất này chỉ cần một người là quản lý được, sao để vụ việc xảy ra?”. Ông Đức còn nhận định việc phi lý nhất ở đây là nơi không có dân cư (dân đã được di dời) mà có đến 35 thuyền đi lại trong lòng hồ.
Riêng con đường 5km từ cầu Khe Vinh vào thượng nguồn vừa được cày xới để vận chuyển máy móc thiết bị làm vàng mà kiểm lâm không biết, ông Trí báo cáo: “Việc đó không ảnh hưởng đến rừng vì không có cây! Chỉ cho họ đem mấy cái máy vào thôi”.
Ông Đức phản bác: “Một diện tích 5.000m chiều dài, nhân với 3,5m chiều ngang trong một khu rừng đặc dụng mà nói không có cây là sao? Kiểm lâm thật là quyền hành. Muốn có cây là có, muốn không có cây là không. Nếu rừng không có cây thì người ta tận thu rừng lòng hồ để làm gì?”.
Cuối cùng, ông Đức kết luận đến ngày 15-12 ban quản lý khu bảo tồn phải báo cáo toàn bộ vụ việc cho Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận