Công trình mới xây dựng lấp luôn cả bãi đá Ba Làng An vốn là di sản địa chất hiếm có - Ảnh: TR.MAI
Tàn phá 'Lý Sơn trong đất liền'
Danh thắng Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được nhiều người ví von là 'Lý Sơn trong đất liền' bởi vẻ đẹp của những tảng đá núi lửa kéo dài như tường thành nương mình bên sóng tự bao đời.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đăng Vũ - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, danh xưng 'Lý Sơn trong đất liền' hoàn toàn xứng đáng với Ba Làng An bởi vùng đất mang ba giá trị lớn là văn hóa, địa chất và lịch sử.
'Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều đánh giá hệ thống đá núi lửa ở Ba Làng An và khu vực lân cận vô cùng độc đáo và hiếm có trên thế giới' - tiến sĩ Vũ nói.
Đào bới, tàn phá danh thắng Ba Làng An làm hàng quán và bê tông hóa quả đồi tự nhiên - Ảnh: TRẦN MAI
Giá trị là vậy nhưng hiện nay danh thắng Ba Làng An bị tàn phá thô bạo, phía khu vực gành Đá Đỏ việc đào đất phá núi lấp khu vực gành biển diễn ra công khai. Còn phía hải đăng Ba Làng An, quy mô đào bới còn lớn hơn, quả đồi bị bạt phá nham nhở.
Để mở rộng mặt bằng dựng hàng quán, toàn bộ đất của quả đồi được đổ thẳng xuống gành biển, lấp toàn bộ bãi đá trầm tích triệu năm. Việc 'bêtông hóa' chống sạt lở tạm bợ khiến Ba Làng An như 'tấm áo vá' cực kỳ phản cảm.
Du khách Nguyễn Thị Ngọc Bích (TP Quảng Ngãi) chia sẻ: 'Tôi đến đây nhiều lần, trước đây khu vực này hoang sơ rất đẹp, chỉ có duy nhất lối đi bằng bậc đá hàng trăm năm của người dân. Chẳng hiểu sao người ta lại đào phá khu vực như vậy. Nhìn thật xót xa'.
Đào bới, tàn phá danh thắng Ba Làng An làm hàng quán và bê tông hóa quả đồi tự nhiên - Ảnh: TRẦN MAI
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, ba quán ăn tàn phá danh thắng Ba Làng An là của ông Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Hữu Phúc và Nguyễn Văn Dưỡng (cùng trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn).
Người dân địa phương cho biết quá trình bạt đồi, lấn rừng phòng hộ dựng hàng quán của ông Thi diễn ra nhiều năm qua. Trong khi đó, việc tàn phá khu vực cạnh gành Đá Đỏ của ông Dưỡng và đào bới cạnh hải đăng Ba Làng An của ông Phúc diễn ra khoảng 3 tháng qua.
Ông Lê Văn Nguyên, bí thư xã Bình Châu, cho biết những hàng quán trên đều xây dựng trái phép.
'Những người này đã lợi dụng ngày thứ bảy, chủ nhật, vào ban đêm và thời gian tập trung chống COVID-19 để lén lút thi công. Sau khi phát hiện xã đã yêu cầu ba hộ trên ngừng mọi việc thi công, báo cáo vụ việc cho UBND huyện Bình Sơn có hướng xử lý' - ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, danh thắng Ba Làng An gồm: hành lang đới bờ, rừng phòng hộ, vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh nên thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh Quảng Ngãi.
Do đó, việc xử lý nghiêm các cá nhân đào bới danh thắng Ba Làng An phải có các cấp ngành, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý danh thắng tham gia.
Theo tiến sĩ Trần Tân Văn, khu vực bị đào bới này đã phá luôn những dấu tích thể hiện việc phun trào núi lửa quý giá - Ảnh: TRẦN MAI
Dấu tích triệu năm bị mất vĩnh viễn
Chỉ trong một thời gian ngắn, thắng cảnh Ba Làng An đã không còn như trước khi một phần quan trọng của danh thắng đã biến mất.
'Tôi đến Ba Làng An chừng nửa năm trước vẫn thấy những quả đồi nối theo gành ra tới biển với cây cối rất đẹp. Cách đây mấy hôm tôi quay lại và không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra đối với danh thắng nổi tiếng này' - nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Vũ bức xúc nói.
Còn tiến sĩ Trần Tân Văn, viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản Việt Nam, sau khi xem những bức hình của phóng viên Tuổi Trẻ Online ghi nhận thực trạng Ba Làng An chỉ biết thốt lên: 'Thật đau xót!'.
Cũng theo ông Văn, 'khu vực quả đồi cạnh hải đăng Ba Làng An các nhà nghiên cứu trong nước và chuyên gia UNESCO phát hiện những tầng đất bazan thể hiện rõ hai đợt phun trào núi lửa cách ngày nay hàng trục triệu triệu năm. Dấu tích ấy đã bị đào bới, phá bỏ, chúng ta mất vĩnh viễn những dấu tích quý giá này'.
Việc đào bới Ba Làng An lấp luôn cả gành đá có nhiều di sản địa chất hiếm có - Ảnh: TRẦN MAI
Khu vực Ba Làng An còn có những miệng núi lửa chìm dưới nước, quá trình phong hóa của nước biển và gió biến những viên đá núi lửa thành 'hòn cuội'. Khắp Việt Nam, chỉ Ba Làng An và một vùng biển ở tỉnh Bình Thuận có hiện tượng 'hòn cuội' này.
'Những giá trị này là một phần cốt lõi của công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Vậy mà lại bị những người vô ý thức đổ đất lấp đi' - tiến sĩ Văn tiếc nuối.
Lẽ ra Ba Làng An cần được bảo vệ nguyên trạng để tạo thành điểm tham quan cho du khách và phục vụ nghiên cứu. Việc dựng hàng quán kinh doanh dịch vụ nên nằm ngoài khu vực tác động trực tiếp tới danh thắng và phải có quy hoạch, thiết kế và được cơ quan chuyên môn, chính quyền đồng ý.
'Tỉnh Quảng Ngãi và chính quyền địa phương cần khẩn cấp bảo vệ khu vực này vì sự phát triển bền vững và lâu dài' - tiến sĩ Văn kiến nghị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Đình Độ, trưởng phòng quản lý di sản văn hóa - Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi, bày tỏ:
'Ba Làng An là danh thắng nằm trong danh sách di tích, danh thắng được bảo vệ của tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1991. Đối chiếu với hành lang, phạm vi bảo vệ thì việc đào phá danh thắng Ba Làng An là hành vi xâm lấn di tích, có dấu hiệu vi phạm Luật di sản văn hóa. Chúng tôi sẽ kiểm tra mức độ vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật'.
Việc đào bới Ba Làng An lấp luôn cả gành đá có nhiều di sản địa chất hiếm có - Ảnh: TRẦN MAI
Nơi hội tụ di sản, lịch sử, văn hóa
Danh thắng Ba Làng An còn có tên gọi khác là Ba Tân Gân (tên thời chống Pháp). Thời xưa, ở đây có ba làng cùng có tên là An: An Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), An Vĩnh, An Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) mang vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc với những bãi đá núi lửa nối nhau tít tắp.
Ba Làng An là nơi có địa đạo Đám Toái được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1991. Ở đây còn có những di tích gắn với đội hùng binh Hoàng Sa như di tích Vườn Đồn, miếu Hoàng Sa; hải đăng Ba Làng An được dựng từ trăm năm trước.
Về văn hóa, Ba Làng An còn là nơi bảo tồn nguyên vẹn cách đánh bắt bằng thuyền thúng, nghề lặn gành...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận