08/07/2016 12:25 GMT+7

Nhà máy dệt hơn 110 năm tuổi bị đập bỏ tan hoang

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Sau hơn 110 năm tồn tại gắn bó với người dân thành Nam, Nhà máy dệt Nam Định đang bị dỡ bỏ, di dời để xây dựng khu đô thị làm nhiều người không khỏi nuối tiếc.

Một phần nhà xưởng của Nhà máy dệt Nam Định chưa bị dỡ bỏ (ảnh chụp chiều 6-7) - Ảnh: V.V.TUÂN
Một phần nhà xưởng của Nhà máy dệt Nam Định chưa bị dỡ bỏ (ảnh chụp chiều 6-7) - Ảnh: V.V.TUÂN

 

Nhà máy dệt Nam Định do người Pháp lập ra cuối thế kỷ 19, từng là nhà máy lớn nhất Đông Dương với số lượng công nhân lúc cao điểm lên đến 6.000 người. Đây là địa điểm từng được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Nhà máy dệt Nam Định còn được in trên tờ tiền mệnh giá 2.000 đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn còn lưu hành đến ngày nay.


Theo quan sát của PV chiều 6-7, khu vực Nhà máy dệt Nam Định cũ đang được dỡ bỏ dần để phục vụ thi công xây dựng khu đô thị dệt may Nam Định. Khu nhà máy dệt là biểu tượng của ngành dệt may VN một thời giờ là công trường ngổn ngang. Nhưng vẫn còn những khu nhà xưởng may mắn chưa bị phá bỏ.

Sau khi biết tin Nhà máy dệt Nam Định đang bị dỡ bỏ, ông Trần Đăng Tuấn - nguyên phó tổng giám đốc VTV, phó chủ tịch Hội Truyền thông số VN - đã chia sẻ nhiều kỷ niệm gắn bó với nhà máy dệt thành Nam một thời khiến không ít người xúc động.

“Chắc có nhiều đứa trẻ khi ấy nay đã nhiều tóc bạc, cũng như mình, nhớ những lần ăn bánh bao ca ba của bố mẹ công nhân dệt. Cũng như mình, chắc họ thấy xao lòng khi nghe tin rồi khu nhà máy dệt sẽ không còn nữa.

Đã có kế hoạch dỡ bỏ. Mỗi viên gạch ở đó thấm đẫm ánh đèn đêm ca ba... Chúng ta không thể sống mà không dỡ bỏ cái gì. Vậy chào nhé, khu nhà máy mênh mông như biển đời của bao thế hệ. Chỉ ước một điều: Hãy để lại một phần khu xưởng máy....” - ông Trần Đăng Tuấn chia sẻ trên trang cá nhân.

Chiều 6-7, ông Trần Đăng Tuấn có thư ngỏ gửi các lãnh đạo tỉnh Nam Định và chủ đầu tư dự án xây khu đô thị trên nền Nhà máy dệt Nam Định đề nghị “xin giữ lại một phần các xưởng máy ở trạng thái hiện nay”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tuấn nhắc lại: “Tôi chỉ có một nguyện vọng tha thiết là nên giữ lại một phần nhà xưởng có thật, gắn bó nhiều với lịch sử phát triển của nhà máy dệt, coi đó là một phần của bảo tàng nhà máy dệt.

Sau này chúng ta sẽ gia cố để phục vụ du lịch các hoạt động văn hóa, văn nghệ, làm phim truyện. Đó là điều có ý nghĩa không chỉ về mặt văn hóa mà còn làm du lịch, kinh tế. Nhiều nước trên thế giới cũng thường làm điều này”.

TS Phạm Sỹ Liêm - phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng - cũng đồng tình khi cho rằng Nhà máy dệt Nam Định đến nay đã lỗi thời về công nghệ, lại nằm trong trung tâm đô thị nên cản trở hoạt động của đô thị.

Hơn nữa, Chính phủ đã có chủ trương đưa các nhà máy ra khỏi trung tâm các đô thị, nên việc xóa sổ hoặc chuyển nhà máy dệt đến địa điểm mới là việc nên làm.

Dù vậy, “nhà máy dệt là di sản nổi tiếng của thời kỳ đầu công nghiệp hóa ở các đô thị VN, cũng là nơi phong trào công nhân hoạt động mạnh.

Do đó nên chọn một địa điểm nào đó để lưu giữ lại một phần nào đó của nhà máy, như hiện nay chúng ta đang lưu giữ nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Để sau này nơi đó có thể làm một bảo tàng Nhà máy dệt Nam Định, giúp mọi người đến tham quan và biết lịch sử ngành dệt Nam Định và VN” - TS Liêm nói.

>>Xem ảnh nhà máy lớn nhất Đông Dương một thời tan hoang

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên