Tân giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, bác sĩ Lê Anh Tuấn - Ảnh: HỮU HẠNH
Vào thời điểm bắt đầu tham gia cuộc thi, phải nói thật tôi không nghĩ mình sẽ trúng tuyển giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM. Tôi xem cuộc thi là dịp kiểm tra lại kiến thức chuyên môn, cũng như năng lực quản lý điều hành của bản thân. Và thật sự, cuộc thi đã mang lại cho tôi nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích.
Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM Lê Anh Tuấn
Bác sĩ Lê Anh Tuấn là người đầu tiên được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện chuyên khoa (hạng 1) cả nước thông qua thi tuyển, khi đang là phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Ông là người vượt qua 25 ứng cử viên sau hai vòng thi và chính thức trúng tuyển giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - vị trí vốn được đánh giá là "ghế nóng", bởi nhiều lãnh đạo bệnh viện này vướng vòng lao lý liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ cảm xúc khi trúng tuyển chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - Video: HỮU HẠNH
Ghế giám đốc có "nóng"?
* Cảm xúc của ông như thế nào khi vừa được bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM?
- Tôi cảm thấy rất vinh dự vì đã được bổ nhiệm làm giám đốc của một trung tâm hàng đầu chuyên sâu về nhãn khoa của cả nước. Tôi cũng thấy đây là một thách thức rất to lớn, bởi cảm nhận được sự kỳ vọng của lãnh đạo TP.HCM, của ngành y tế và của tập thể, cán bộ công nhân viên Bệnh viện Mắt TP.HCM.
Tất cả đều có chung mong muốn bệnh viện sớm ổn định để tiếp tục phát triển, sớm có thể trở thành một trung tâm chuyên sâu về mắt của cả khu vực và châu Á.
Nhưng tôi cũng thấy hơi áy náy và nặng lòng vì phải rời Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nơi tôi gắn bó gần 6 năm qua và còn rất nhiều kế hoạch hành động dở dang. Tuy nhiên, dù ở vị trí nào thì tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình...
* Trước việc hàng loạt cán bộ chủ chốt của bệnh viện vướng vòng lao lý, dư luận nói chiếc ghế giám đốc của Bệnh viện Mắt TP.HCM là "ghế nóng". Với tư cách là người ngồi vào chiếc ghế ấy, ông thấy có "nóng" và sẽ làm gì để "bớt nóng"?
- Phải khẳng định các sự cố vừa qua gây ảnh hưởng nặng nề cho bệnh viện về cả uy tín, thương hiệu. Trong đó, các nhân viên là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất và tôi nghĩ chính họ cũng đang rất mong muốn bệnh viện vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời tạo ra các "đà" phát triển trong tương lai.
Ghế giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM có "nóng" không? Nhìn chung các bệnh viện hiện nay đều có khó khăn và áp lực, do đó "đều nóng" cả. Nhưng với Bệnh viện Mắt TP.HCM, tôi cảm nhận "ít nóng" hơn, bởi có một số thuận lợi mà nhiều bệnh viện khác khó sánh bằng.
Đó là nơi có đông đảo đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu, hầu hết là bác sĩ sau đại học. Đặc biệt có trên 50% là bác sĩ chuyên khoa II hoặc tiến sĩ, cùng trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện cũng đã triển khai rất nhiều kỹ thuật chuyên sâu sánh ngang khu vực và thế giới.
Một điểm mạnh khác là bệnh viện có nguồn lực tài chính rất ổn định, sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Với tư cách là người đứng đầu, tôi mong muốn lan tỏa tinh thần làm việc công khai, minh bạch vì lợi ích tập thể nhằm giúp tất cả mọi người có được môi trường yên tâm công tác.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn: "Tôi ý thức mình phải nêu gương, phải là hạt nhân đoàn kết" - Ảnh: HỮU HẠNH
Tuyệt đối nói không với "lợi ích nhóm"
* Cuộc thi tuyển chức danh lãnh đạo chưa có tiền lệ. Ông đánh giá thế nào về nội dung đề thi?
- Tôi thấy các câu hỏi đưa ra trong đề thi có giá trị thực tiễn rất cao.
Và để đạt được kết quả cao đòi hỏi các ứng viên phải có kiến thức quản lý y tế bài bản, có kinh nghiệm trong quá trình quản lý bệnh viện.
Đơn cử như ở phần thi thứ 2, ngoài kiến thức vốn có cần thêm kỹ năng thuyết trình nhằm bảo vệ được ý tưởng và kế hoạch trong chương trình hành động của mình.
Tôi cho rằng việc thi tuyển chức danh lãnh đạo là một hình thức hay và nên tiếp tục duy trì, nhất là ở các đơn vị thiếu hụt nguồn cán bộ quy hoạch tiếp cận chức danh cần bổ nhiệm.
* Ông nhận diện trở ngại của Bệnh viện Mắt TP.HCM hiện nay là gì và sẽ ưu tiên những hành động gì?
- Một trong các trở ngại là tâm lý e ngại, đặc biệt của những người trực tiếp tham gia vào quy trình đấu thầu mua sắm.
Và khi về đây, với vai trò là người đứng đầu, tôi ý thức mình phải "nêu gương", phải là "hạt nhân đoàn kết", tập hợp làm sao sớm nhất có thể hoàn thiện quy trình, quy định, quy chế trong việc đấu thầu mua sắm. Tất nhiên việc này cần phải bám sát vào quy định chung của pháp luật.
Tất cả mọi việc phải luôn luôn công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm" chi phối trong các công việc liên quan đến công tác nhân sự, đấu thầu, mua sắm, cung ứng, liên doanh - liên kết và xã hội hóa.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn nói về trở ngại và ưu tiên hành động khi làm giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - Video: HỮU HẠNH
Làm sao để tránh "vết xe đổ"?
* Nhân lực quản lý của Bệnh viện Mắt TP.HCM - theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM - cũng là một vấn đề "hạn chế". Ông nghĩ sao?
- Đúng thế. Do một số yếu tố khách quan và chủ quan, Bệnh viện Mắt TP.HCM đang thiếu hụt một lượng cán bộ quản lý cấp trung. Trong đó, có rất nhiều các phòng chức năng quan trọng đối với công tác vận hành bệnh viện.
Việc của tôi là sẽ cùng với tập thể Đảng ủy và ban giám đốc phải nhanh chóng đào tạo, bổ sung đầy đủ các tiêu chuẩn theo chức danh còn thiếu đối với các cán bộ quy hoạch ở nguồn kế cận. Ưu tiên nguồn nhân lực tại chỗ đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp trung giúp bệnh viện vận hành một cách trôi chảy.
* Các vi phạm gần đây của ngành y, điển hình là sai phạm ở Bệnh viện Mắt TP.HCM chủ yếu tập trung vào việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men và vật tư y tế. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Phải ghi nhận rằng suốt thời gian qua ngành y tế đã rất nỗ lực. Tuy vậy, điều đáng tiếc là có một số sai phạm gây ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Hiện tượng có nhiều vi phạm, sai phạm xảy ra với ngành y thời gian qua đã minh chứng đây không phải là vấn đề riêng của Bệnh viện Mắt TP.HCM.
Sai phạm có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng góc độ cá nhân, tôi cảm thấy vấn đề lớn nhất là năng lực của đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ tham mưu trong việc hiểu biết, nắm bắt, cập nhật các quy định pháp luật chuyên ngành và các quy định pháp luật liên quan quản lý tài chính, đấu thầu, mua sắm, liên doanh - liên kết, xã hội hóa còn hạn chế.
Điều này khiến khả năng vận dụng các quy định của pháp luật vào trong vận hành, quản lý bệnh viện còn nhiều sơ suất.
Bên cạnh đó, cần phải nhận thức rằng quản lý bệnh viện không đơn thuần chỉ là quản lý về chuyên môn mà phải quản lý toàn diện; trong đó có quản lý tài chính, nhân lực vật lực và cơ sở hạ tầng y tế.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý y tế ở các bệnh viện của Việt Nam là cán bộ y tế có chuyên môn giỏi nhưng chưa được đào tạo bài bản về quản lý y tế.
Sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng quản lý y tế đã phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của ngành y tế và đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm, sai phạm của một số cá nhân, đơn vị thời gian qua.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn: "Quản lý bệnh viện không đơn thuần chỉ là quản lý về chuyên môn" - Ảnh: HỮU HẠNH
* Vậy cần làm gì để không đi lại "vết xe đổ" đó, thưa ông?
- Để giảm thiểu rủi ro này, theo tôi khi bổ nhiệm cần chọn người quản lý có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản về kiến thức quản lý, có kinh nghiệm thực tiễn về quản lý vận hành bệnh viện. Yếu tố chuyên môn giỏi nếu có là điều rất tốt, còn nếu không nên ưu tiên yếu tố kinh nghiệm quản lý.
Song song đó, cần có nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản lý điều hành của cán bộ quản lý. Ở đây không chỉ có giám đốc mà cả phó giám đốc, trưởng phòng chức năng, thành viên hội đồng tư vấn, cán bộ quy hoạch và các cán bộ liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm, cung ứng.
Trong đó, đầu tiên phải hoàn thiện các quy trình, quy định sao cho bám sát những hướng dẫn của pháp luật. Hoàn thiện quy chế hoạt động của các hội đồng tham vấn, phân công rõ trách nhiệm từng thành viên. Đặc biệt, họ phải có ý kiến phản biện đối với các quyết định hoặc dự thảo của ban giám đốc và hội đồng.
Bệnh viện cũng phải thường xuyên cử cán bộ đi đào tạo dài hạn, ngắn hạn; tham gia các khóa học, hội thảo hoặc tham quan các mô hình quản lý của bệnh viện bạn trong và ngoài nước. Thông qua việc này giúp hiểu hơn nữa cách vận dụng quy định, cách vận hành quản trị mới cho Bệnh viện Mắt TP.HCM...
Phải thay đổi về mặt chính sách
* Chồng chéo quy định mới trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; chậm thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT; tự chủ bệnh viện và mất cân đối thu chi…Ông sẽ giải quyết các vấn đề "nóng" này ra sao?
- Đây là thách thức lớn mà đa số bệnh viện trên toàn quốc đang phải đối mặt. Để giải quyết các vấn đề hóc búa này, theo tôi cần phải có những thay đổi về mặt chính sách; có sự điều chỉnh để hoàn thiện các quy định pháp luật, các hướng dẫn về công tác quản lý tài chính, quyền tự chủ, xã hội hóa, đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế.
Ở cấp độ bệnh viện, để tránh sai sót, lãnh đạo phải có kỹ năng nắm bắt, cập nhật và hiểu đúng các quy định của pháp luật chuyên ngành nhằm áp dụng đúng vào thực tiễn quản lý, vận hành bệnh viện, đặc biệt nhất là quản lý tài chính, đấu thầu, mua sắm và xã hội hóa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận