03/10/2022 14:06 GMT+7

Tận dụng dự án bỏ hoang để nuôi bò, nông dân thủ đô mỗi năm thu về 65 tỉ đồng

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Dù không sở hữu diện tích đất trồng cỏ nào nhưng một nông dân ở huyện ngoại thành Hà Nội hằng năm vẫn nuôi, bán ra thị trường khoảng 1.000 con bò thương phẩm, thu về 65 tỉ đồng nhờ... những dự án bỏ hoang.

Tận dụng dự án bỏ hoang để nuôi bò, nông dân thủ đô mỗi năm thu về 65 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ban tổ chức thông tin về chương trình Tự hào nông dân Việt Nam năm 2022 - Ảnh: C.TUỆ

Nông dân Trần Văn Thắng (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ như vậy tại buổi họp báo chương trình Tự hào nông dân Việt Nam năm 2022 diễn ra ngày 3-10. 

Ông Thắng là nông dân nuôi bò có doanh thu cao nhất (65 tỉ đồng) trong số 100 nông dân được bình chọn xuất sắc nhất năm 2022.

Theo ông Thắng, cách đây 12 năm, ông khởi nghiệp chăn nuôi bò nhỏ lẻ. Đến năm 2014, ông Thắng được bình chọn là nông dân xuất sắc toàn quốc. Đến năm 2016 ông được Thủ tướng tặng bằng khen Nông dân yêu nước. 

"Tôi suy nghĩ, đạt được danh hiệu đã khó, nhưng giữ được danh hiệu còn khó hơn nên trong những năm qua, tôi không ngừng nỗ lực phấn đấu và tự bỏ tiền đi Úc, Thái Lan học hỏi kinh nghiệm nuôi bò để mang về áp dụng vào mô hình của mình" - ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng cho biết từ năm 2014 - 2019, ông thường xuyên duy trì nuôi từ 200 - 300 con bò thương phẩm và 50 con bò nái, tạo việc làm ổn định cho 15 công nhân. Năm 2020-2021, do dịch COVID-19 nên chỉ nuôi cầm chừng 50 con bò nái. Đến năm 2022, dịch bệnh kết thúc, ông Thắng bắt đầu tái đàn, đến nay có 200 con bò thương phẩm.

"Chăn nuôi bò không cần kỹ thuật nhiều, tuy nhiên điều khó nhất chính là nguồn thức ăn. Mỗi năm tôi nuôi quay vòng được 1.000 con bò thương phẩm, để đủ số cỏ nuôi 1.000 con thì cần 50-60ha đất trồng cỏ. Tuy nhiên, hiện nay trang trại của tôi không có ha trồng cỏ nào cả, chỉ có 1.000m2 trang trại, 600m2 chế biến chăn nuôi, tổng số tiền thu về khoảng 65 tỉ đồng mỗi năm (chưa trừ chi phí). Đây là điều mà mọi người nuôi bò không làm được. 

Xung quanh huyện Đan Phượng có rất nhiều dự án bỏ hoang, tôi đã đi một vòng và nhận thấy đây là nguồn thức ăn cho bò miễn phí. Điều này giúp tôi tăng thêm lợi nhuận và phát triển đàn bò rất tốt trong những năm qua" - ông Thắng chia sẻ.

Tận dụng dự án bỏ hoang để nuôi bò, nông dân thủ đô mỗi năm thu về 65 tỉ đồng - Ảnh 2.

Nông dân Trần Văn Thắng chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: C.TUỆ

Trả lời câu hỏi về kế hoạch, giải pháp gì để hỗ trợ nông dân kết nối, liên kết tốt hơn trong thời gian tới, ông Phạm Tiến Nam, phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết vừa qua, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2021. 

Một trong những điểm mới đáng mừng trong 5 năm qua là các cấp tỉnh thành hội đã thành lập rất nhiều câu lạc bộ nông dân tỉ phú.

Có rất nhiều nông dân xuất sắc tham gia vào câu lạc bộ. Tới đây, ban tổ chức cũng sẽ tổ chức giao lưu, gặp mặt nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Bắc Giang nhân kỷ niệm 10 năm chương trình. 

"Đặc biệt, chúng tôi đã đề nghị thành lập Câu lạc bộ Nông dân Việt Nam xuất sắc trong 10 năm. Thông qua Câu lạc bộ Nông dân Việt Nam xuất sắc sẽ có thêm nhiều dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau, có thêm cơ hội đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ. Ý tưởng này phù hợp với chủ trương, định hướng, phong trào của trung ương hội, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của Nông dân Việt Nam xuất sắc" - ông Nam nói.

Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2022 cùng các chuỗi sự kiện bên lề sẽ diễn ra trong 2 ngày 13 và 14-10 với các sự kiện chính: Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; Nông dân Việt Nam xuất sắc tiếp kiến lãnh đạo Quốc hội, thăm tòa nhà Quốc hội và Hoàng thành Thăng Long; Gala 10 năm chương trình Tự hào nông dân Việt Nam: Một thập kỷ xanh.

Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức sẽ ra mắt cuốn đặc san 10 năm Tự hào nông dân Việt Nam; chương trình giao lưu với Nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Bắc Giang trong 10 năm qua; đưa nông dân đi tham quan, học tập tại Israel (dự kiến vào đầu năm 2023).

Nông dân ‘khát’ thông tin về nhu cầu của thị trường tiêu thụ Nông dân ‘khát’ thông tin về nhu cầu của thị trường tiêu thụ

TTO - Chi phí đầu vào tăng cao, thiếu thông tin về nhu cầu của từng thị trường và đơn vị tiêu thụ uy tín, không biết lịch mùa vụ của vùng trồng lân cận để tự điều chỉnh mùa vụ của đơn vị mình tránh ùn ứ hàng... là những khó khăn của nông dân.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên