19/01/2021 16:24 GMT+7

Tam Quốc chí ở Triều Tiên và bài học minh định chủ quyền

Giáo sư TRẦN VĂN THỌ (TOKYO, NHẬT BẢN)
Giáo sư TRẦN VĂN THỌ (TOKYO, NHẬT BẢN)

TTO - Phần lớn chúng ta đều biết Tam Quốc chí của Trung Quốc vào thế kỷ thứ 3, nhưng ít ai biết bán đảo Triều Tiên cũng có Tam Quốc chí vào thế kỷ thứ 7.

Tam Quốc chí ở Triều Tiên và bài học minh định chủ quyền - Ảnh 1.

Tấm ảnh quý chụp những người lính Việt chuẩn bị lên đường ra bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vừa được ông Hổ trao tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa

Một điểm khác là trong trường hợp Triều Tiên thì có sự can thiệp, thôn tính của nhà Đường bên Trung Quốc và cũng vì bối cảnh đó mà gần đây Trung Quốc chủ trương một phần của bán đảo Triều Tiên nguyên là thuộc lãnh thổ của họ.

Và Hàn Quốc đã có một đối sách, một nỗ lực rất khôn ngoan để phản luận và minh định chủ quyền lãnh thổ của mình.

Từ An Đông đô hộ phủ đến nước Cao Ly lớn

Vào thế kỷ thứ 7, bán đảo Triều Tiên có 3 nước là Cao Ly phía bắc, Bách Tế phía tây nam, và Tân La phía đông nam. Trong 3 nước này, Cao Ly có lãnh thổ rộng nhất, bao gồm cả một phần các tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc ngày nay.

Thời cổ đại vùng đất phía bắc từng bị nhà Hán của Trung Quốc thôn tính nhưng vào năm 37 trước Công nguyên, tướng Chu Mông (Đông Minh thánh vương) của Triều Triên đã nổi lên chống lại, giành độc lập và lập ra nước Cao Ly.

Sau đó một người anh hùng khác là Quảng Khai Thổ Đại vương khai khẩn và bình định một số vùng xung quanh làm cho Cao Ly thành một nước lớn, và cường thịnh nhất là vào thế kỷ thứ 5. Nhưng từ năm 589 Tùy thống nhất Trung Quốc và thường đem quân sang xâm lấn.

Qua thế kỷ thứ 7, Cao Ly và hai nước Bách Tế và Tân La ở phía nam lại tranh chấp lãnh thổ, xung đột lẫn nhau tạo thành thời tam quốc tại bán đảo Triều Tiên. Thừa cơ này, nhà Đường cử binh sang đánh, liên minh với Tân La và lần lượt diệt Bách Tế năm 660 và Cao Ly năm 668.

Từ đó cả 3 nước bị nhà Đường thống trị, lập ra An Đông Đô hộ phủ kéo dài đến năm 756. Sau đó Triều Tiên thoát ách đô hộ của nhà Đường nhưng trở lại trạng thái 3 nước như trước mà lịch sử gọi là hậu Tam quốc.

Năm 918 Cao Ly thu phục hai nước còn lại lập thành nước Cao Ly lớn, kéo dài đến năm 1392, trừ một giai đoạn ngắn bị nhà Nguyên thôn tính. Sau đó là triều đại Lý Thị Triều Tiên kéo dài hơn 500 năm. Đó là thời đại rực rỡ của lịch sử Triều Tiên dù phải triều cống nhà Minh và nhà Thanh.

Tam Quốc chí ở Triều Tiên và bài học minh định chủ quyền - Ảnh 2.

Nhà trưng bày Hoàng Sa trên thiệp xuân của Báo Tuổi Trẻ năm nay

Hàn Quốc làm phim, kịch để minh định chủ quyền

Vào năm 2004, Chính phủ Trung Quốc tiến hành một dự án nghiên cứu lịch sử cấp quốc gia. Trong dự án này, Trung Quốc xem nước Cao Ly từ thế kỷ thứ 8 trở về trước là lãnh thổ, chính quyền địa phương của họ. Hàn Quốc đã phản đối kịch liệt và việc này một thời trở thành vấn đề lớn trong ngoại giao hai nước.

Hàn Quốc không chỉ phản đối về mặt ngoại giao mà còn tích cực xây dựng và quảng bá phim, kịch để minh định chủ quyền của mình và cổ vũ lòng tự hào dân tộc.

Phim Hàn Quốc đang được đón nhận nhiệt liệt ở các nước Á châu, kể cả Trung Quốc, nên họ xem đây là vũ khí văn hóa có hiệu quả nhất.

Từ năm 2006, lần lượt các bộ phim về Chu Mông và Quảng Khai Thổ Đại vương, những anh hùng lập và xây dựng nước Cao Ly trước và sau Công nguyên, được xây dựng và vừa trình chiếu trong nước vừa xuất khẩu. Có cả những bộ phim về thời Tam quốc của họ nữa.

Tam Quốc chí ở Triều Tiên và bài học minh định chủ quyền - Ảnh 3.

Bản đồ Hoàng Sa trên thiệp xuân Tuổi Trẻ

Việt Nam ta đang có nhu cầu bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Bài học của Hàn Quốc rất đáng tham khảo. Ta cần xây dựng những bộ phim lịch sử về nỗ lực của ông cha ta trong việc khám phá và xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Chẳng hạn, đề tài của các bộ phim xoay quanh các vấn đề như:

- Người Sa Huỳnh và người Chăm ở miền Trung Việt Nam với quần đảo Trường Sa (khảo cổ học đã chứng minh họ đã có mặt ở quần đảo Trường Sa và nơi này là đầu cầu để giao lưu văn hóa, trao đổi vật phẩm đối với Palawan của Philippines);

- Tuyến đường Sa Huỳnh - Trường Sa - Palawan hình thành như thế nào?;

- Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng Sa Trường Sa;

- Quá trình hình thành và phát triển đội Hoàng Sa (một hình thức khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông);

- Chúa Nguyễn Phúc Chu và việc thành lập đội Bắc Hải;

- Gia Long và Minh Mạng tích hợp đội Hoàng Sa, Bắc Hải với đội Thủy quân chính quy trong quá trình bảo vệ Hoàng Sa...

Hoàng Sa là một phần của Đà Nẵng. Đà Nẵng cần tích cực tham khảo bài học của Hàn Quốc và đi đầu trong nỗ lực minh định, tuyên truyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, vừa để các thế hệ người Việt Nam luôn ghi nhớ vừa để thế giới hiểu biết chính xác về lịch sử và chủ quyền của ta.

Tuổi Trẻ Xuân - Tân Sửu an vui: Lời hẹn Hoàng Sa trên tấm thiệp xuân Tuổi Trẻ Xuân - Tân Sửu an vui: Lời hẹn Hoàng Sa trên tấm thiệp xuân

TTO - Ngày xuân là ngày thắp nén hương thơm tưởng nhớ tổ tiên; là ngày nguyện cầu an yên cho gia đình, cho đất nước; là ngày thư thả bên chén trà đọc những dòng văn, và thương, và nhớ…

Giáo sư TRẦN VĂN THỌ (TOKYO, NHẬT BẢN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên